Biến rác thải thành sản phẩm có giá trị
Giải pháp “Thiết bị ủ rác thải hữu cơ dễ phân hủy sinh học cụm dân cư” của TS Võ Anh Khuê vừa trở thành đề tài đạt giải Ba hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 10 (2022 - 2023). TS Võ Anh Khuê là Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và nghiên cứu khoa học của Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (thuộc Bộ Công Thương).
TS Khuê cho biết, rác hữu cơ là rác được thải từ những hoạt động hằng ngày của con người. Loại rác này có chứa thành phần hữu cơ, khả năng phân hủy nhanh và có thể được sử dụng để tái chế những sản phẩm sinh học có ích để phục vụ dân sinh trong nhiều lĩnh vực…
TS Võ Anh Khuê đã thiết kế và chế tạo các loại thùng ủ phân compost để phân loại, góp phần giảm thiểu rác thải hữu cơ tại nguồn. Thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ sẽ ủ rác hiếu khí tự nhiên với dòng khí hướng lên. Từ thành công này, TS Võ Anh Khuê đã nghiên cứu quy trình nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học được sản xuất từ rác thải thực vật.
Theo TS Khuê, phương pháp ngâm ủ rác thải thành chất tẩy rửa chứa enzyme không mới. Tuy nhiên, sản phẩm làm từ rác thải nhà bếp thu được có mùi hôi, có nhiều cặn lơ lửng, hiệu quả tẩy rửa thấp… Để khắc phục những hạn chế, TS Võ Anh Khuê đã nghiên cứu nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học từ rác thải thực vật.
Sử dụng rác thải hữu cơ như vỏ thơm (dứa), cam, chanh, bưởi… để ngâm ủ lên men, tạo ra loại nước chứa nhiều enzym, hiệu quả trong việc tẩy rửa. Phần bã, cặn thu được sau khi ủ có thể dùng làm phân bón vi sinh cho cây trồng.
Năm 2021, Sở TN&MT phối hợp với Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung triển khai mô hình thùng ủ phân compost tại xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón.
TS Khuê cho biết, từ khi có những thùng xử lý rác này, một lượng lớn rác thải sinh hoạt tại địa phương đã được giải quyết; các hộ dân sử dụng lượng phân hữu cơ này để bón cho rau màu, cây trồng. Đặc biệt, thùng rác không rò rỉ nước, không phát ra mùi hôi nên không ảnh hưởng đến môi trường.
Phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn
Theo TS Võ Anh Khuê, thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ đã triển khai thực tiễn ở một số địa phương Phú Yên, bước đầu cho hiệu quả khả quan về tính thẩm mỹ, hiệu quả ủ. Sản phẩm thùng ủ này đã có hơn 10 tỉnh, thành phố đặt hàng về việc chuyển giao công nghệ.
Tác giả kết hợp với Tỉnh đoàn Phú Yên lắp đặt, tặng chế phẩm sinh học và hướng dẫn người dân cách thức để phân loại rác, ủ rác và sử dụng phân vi sinh từ rác thải hữu cơ tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Mô hình này cũng đã triển khai tại chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa - Phú Yên). Tác giả đã hỗ trợ một số thùng ủ để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón để bón cho cây trồng, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đối với giải pháp “Nghiên cứu quy trình nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học được sản xuất từ chất thải thực vật”, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cũng phối hợp ứng dụng. Mô hình sản xuất nước tẩy rửa sinh học bằng phương pháp ngâm ủ rác thải thực vật vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường ở các địa phương trong tỉnh, như: Xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa); xã Hòa An; Khu dân cư khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa); xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa)...
Đặc biệt Hội Phụ nữ các cấp ở tỉnh Phú Yên đã phát động phong trào thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học”. Ngày 12/3/2023 vừa qua TS Võ Anh Khuê đã hướng dẫn kỹ thuật về việc “Xây dựng mô hình phân loại, giảm thiểu rác sinh hoạt tại nguồn” cho 300 hộ nông dân của 7 thôn ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Với mô hình này, rác thải trong các khu dân cư giảm đáng kể, giảm tải rất lớn cho người thu gom rác, đồng thời không phát sinh mùi hôi, tạo ra sản phẩm đầu cuối là nước tẩy rửa sinh học và phân bón.