Biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng

GD&TĐ - Tại buổi khai mạc khóa tập huấn - bồi dưỡng 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán năm 2019, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Bồi dưỡng là việc làm cần thiết và quan trọng. Sau khóa học, các đồng chí tiếp tục lan tỏa tinh thần quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường đến các đồng nghiệp của mình. 

Mỗi giáo viên cần chủ động nắm bắt kiến thức và phải biến những kiến thức thông qua hoạt động giáo dục thực tiễn
Mỗi giáo viên cần chủ động nắm bắt kiến thức và phải biến những kiến thức thông qua hoạt động giáo dục thực tiễn

Công thức: 5-3-7

 Chúng tôi đã xây dựng công thức: 5-3-7. Tức là, 5 ngày các thầy, cô tự nghiên cứu, tự học thông qua Internet; 3 ngày các thầy, cô sẽ tập huấn trực tiếp với chuyên gia để trao đổi, giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong quá trình đọc tài liệu. 7 ngày để các thầy cô tự học, tự nghiên cứu và tự kiểm tra; sau đó kết luận bài kiểm tra cuối cùng là đạt hay không đạt. Công thức 5-3-7 này biến quá trình học thành tự học; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Hiện nay, quan trọng nhất là tự bồi dưỡng. Muốn dạy học sinh tự học, các thầy cô phải tự học và tự bồi dưỡng. 
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Theo Thứ trưởng, để có đội ngũ giáo viên tốt thì vai trò của người quản lý rất quan trọng. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nhấn mạnh: Xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt và quản lý tốt. Như vậy quản lý tốt đã được đưa vào Nghị quyết 29. Do đó, việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nếu như lần thay sách giáo khoa trước đây chúng ta chỉ tập trung bồi dưỡng giáo viên thì lần này, Bộ xác định tập trung bồi dưỡng vào 4 đối tượng: Giám đốc, phó giám đốc các sở GD&ĐT; trưởng, phó các phòng GD&ĐT; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông; giáo viên, giảng viên các trường sư phạm và Học viện Quản lý Giáo dục. Như vậy, 4 đối tượng được bồi dưỡng là những người trực tiếp tạo nên chất lượng giáo dục. Muốn có giáo viên tốt, cán bộ quản lý phải tốt và tạo được môi trường tốt để giáo viên có điều kiện phát triển.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Cũng theo Thứ trưởng, mục tiêu của tập huấn, bồi dưỡng lần này không phải là truyền thụ kiến thức một chiều mà chúng ta phải tạo ra thuyết kiến tạo. Các thầy cô là người kiến tạo, chủ động nắm bắt kiến thức và phải biến những kiến thức thông qua hoạt động nghiên cứu, giao tiếp và qua đó giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Đến với khóa tập huấn, bồi dưỡng này, các thầy cô mang theo kiến thức sẵn có để có thể trao đổi với các chuyên gia; từ đó hình thành phẩm chất, năng lực của mình. Tức là chúng ta trao đổi theo hướng tiếp cận năng lực và tăng cường thực hành. Vì thế, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng phải thực sự nghiêm túc. Bởi, các thầy cô không chỉ là nhà quản lý, trực tiếp chỉ đạo tại trường mình, mà còn là những cán bộ cốt cán; sau khi được bồi dưỡng, tập huấn sẽ lan tỏa cho các đồng nghiệp về những gì mình đã lĩnh hội được từ các chuyên gia.

Để học sinh được học tử tế

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất của Nghị quyết 88 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” là mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Có thể nói, đây là cuộc cách mạng đổi mới về mục tiêu giáo dục. Khi đã thay đổi mục tiêu, nội dung phải thay đổi. Nội dung thay đổi thì phương pháp thay đổi. Phương pháp thay đổi thì cách quản lý, chỉ đạo và các yếu tố để tạo nên chất lượng giáo dục cũng phải thay đổi. Từ việc thay đổi mục tiêu, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông; trong đó chú trọng đến 5 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu của học sinh Việt Nam. Đặc biệt, 3 năng lực cốt lõi là: Tự học và tự chủ; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề sáng tạo. Từ 3 năng lực này có thể hình dung ra con người Việt Nam thời kỳ 4.0.

Không khí học tập nghiêm túc của một lớp tập huấn
 Không khí học tập nghiêm túc của một lớp tập huấn

Nếu dạy học theo phương thức truyền thụ kiến thức, lấy khối lượng kiến thức là mục tiêu hướng tới, khi đó giáo viên sẽ cố gắng nhồi nhét để các em có được nhiều kiến thức, còn học sinh cố gắng tiếp thu thụ động để có được kiến thức mà thầy, cô truyền thụ. Tuy nhiên, đó cách làm cũ. Khi chúng ta chuyển sang giáo dục chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, khối lượng kiến thức chỉ là cơ sở để tạo nên phẩm chất, năng lực. Do đó đòi hỏi có sự đổi mới mạnh mẽ trong các hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường.

Nhắc lại câu nói của người xưa: Ý tưởng là nụ, giải pháp là hoa, chỉ có hành động mới ra kết quả, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn giải: Chúng ta đã có ý tưởng, việc còn lại là hành động và người làm. Các thầy cô chính là người cụ thể hóa các ý tưởng, giải pháp để tạo ra kết quả và học sinh là người được hưởng lợi. Chúng ta có được thành quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

Thứ trưởng lưu ý: Các thầy cô cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết 29, vì đây là văn bản pháp lý quan trọng, giúp cho giáo dục phát triển. Trong đó nhấn mạnh, chuyển tư duy từ chú trọng phát triển số lượng sang chú trọng phát triển chất lượng. Trước đây, chúng ta coi số lượng là thành tích thì bây giờ phải chú trọng chất lượng hơn. Chúng ta cùng thống nhất, giáo dục mà không có chất lượng thì coi như không có giáo dục. Đầu vào bằng đầu ra thì coi như quá trình học bằng không.

Tương tự như vậy, các thầy cô dạy lớp 1; nếu như đầu năm học sinh chưa biết đọc, biết viết và sau một năm học, các em vẫn chưa biết đọc, biết viết, năm học đó coi như các em không được học; giáo viên dạy coi như không dạy. Như vậy rất lãng phí tiền của của Nhà nước, lãng phí công sức của giáo viên, cán bộ quản lý. Đó là sự lãng phí lớn nhất nếu chúng ta dạy học không có chất lượng. Vì thế, chúng ta phải lấy mục tiêu số 1 là chất lượng. Nếu không có chất lượng thì không làm. Cho nên chúng ta cố gắng tạo điều kiện mở nhiều lớp học để học sinh được học có chất lượng và được học một cách tử tế.

Nếu bồi dưỡng không thành công thì học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi. Tôi đề nghị quá trình bồi dưỡng cần lấy chất lượng là mục tiêu hàng đầu, chất lượng ngay từ khâu biên soạn tài liệu. Nhưng trước hết, các thầy cô phải nắm chắc Chương trình giáo dục phổ thông mới, nắm chắc công tác quản trị dạy học và giáo dục trong nhà trường.
                                                              Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.