Trong nhiều hoạt động phối hợp giữa BĐBP Quảng Trị với nhiều ban ngành, các chương trình cùng ngành giáo dục đạt kết quả rất tốt, tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, như nâng bước em đến trường, con nuôi Đồn Biên phòng.
Đáng chú ý, mô hình “Tiết học biên giới” mang ý nghĩa quan trọng giúp học sinh, nhân dân các địa bàn biên giới nâng cao hiểu biết, nhận thức rõ trách nhiệm trong việc chung tay cùng bộ đội bảo vệ chủ quyền, đường biên, cột mốc.
Tiết học “gieo mầm” tình yêu Tổ quốc
“Tiết học biên giới” là mô hình giáo dục khởi nguồn từ Đồn Biên phòng CKQT La Lay (đóng quân trên địa bàn huyện Đakrông) năm 2017, với mục đích giúp học sinh các trường học trên vùng biên giới hiểu thêm về đường biên, cột mốc, chủ quyền biên giới.
Chương trình do Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay với Đoàn trường của các xã A Bung, A Ngo triển khai thực hiện.
Tiết học biên giới do Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa tổ chức ở cột mốc 616 biên giới Việt - Lào. |
Ban đầu, cán bộ chiến sĩ biên phòng giảng dạy tại các lớp để học sinh hiểu về luật Biên giới cũng như các kiến thức về đường biên, cột mốc. Sau đó, mô hình phát triển hơn, Đồn biên phòng cùng các thầy, cô tổ chức cho học sinh lên thực địa để hình dung, dễ tiếp thu và chứng kiến ngay các hoạt động của BĐBP.
Các tiết học biên giới chủ yếu cung cấp thông tin về lịch sử cũng như mục đích, ý nghĩa của hệ thống đường biên, cột mốc trên địa bàn mà đơn vị quản lý; trách nhiệm và vai trò của quần chúng nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT La Lay cho biết, khởi phát mô hình ban đầu chỉ là hoạt động đưa các cháu lên đường biên, cột mốc để tham quan. Nhưng về sau, thấy các cháu học sinh hào hứng tham gia. Nhận thấy đây là mô hình ý nghĩa nên Đồn biên phòng CKQT La Lay phối hợp nhà trường xây dựng tiết học biên giới.
Qua đó, Đồn Biên phòng phối hợp nhà trường xây dựng chương trình, nội dung đưa các cháu lên đường biên, mốc quốc giới cho các cháu tham quan. Từ đó biết được chủ quyền, hiểu thêm nhiệm vụ của bộ đội biên phòng và hiểu biết pháp luật. Sau chuyến tham quan, các học sinh còn viết thư cảm ơn tình cảm của bộ đội, trình bày cảm nghĩ của mình khi được tham quan đường biên, cột mốc và trách nhiệm trong việc bảo vệ biên giới.
Từ sáng kiến này, tất cả các Đồn Biên phòng của tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình “Tiết học biên giới”. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh nói rằng, đối với địa bàn Đồn biên phòng CKQT La Lay, không chỉ các trường học thuộc khu vực biên giới như xã A Bung, A Ngo, mà các trường tại địa bàn Tà Rụt cũng đăng ký tham gia.
“Sau khi được tham quan, tìm hiểu về kiến thức biên giới, các em học sinh chính là những tuyên truyền viên ngay trong gia đình cũng như bản làng của mình. Sau này trở thành những công dân tốt, có ích và cùng với BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh nhấn mạnh.
Thầy giáo Ngô Duy Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Ngo cho biết: Tiết học đã mang lại hiệu quả giáo dục rất lớn cho học sinh không chỉ trước mắt, mà còn lâu dài, để những chủ nhân tương lai của đất nước hiểu được giá trị thiêng liêng của chủ quyền, lãnh thổ, từ đó, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Chương trình đã tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa rộng khắp trong các nhà trường trên địa bàn huyện Đakrông nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung.
“Con nuôi biên phòng” lên lớp tiết học biên giới
Một tiết học đặc biệt do Đồn Biên phòng A Vao (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với nhà trường và chính quyền tổ chức tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).
Tiết học đã thu hút hơn 250 học sinh các khối lớp THCS của nhà trường và các thầy, cô giáo tham gia.
Con nuôi biên phòng Hồ Thị Nứt lên lớp giới thiệu tiết học biên giới. |
Đặc biệt hơn, trong tiết học này, lần đầu tiên người đứng lớp truyền tải các nội dung không phải là cán bộ biên phòng mà là một nữ sinh lớp 6. Đó là em Hồ Thị Nứt, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS A Vao, là con nuôi của Đồn Biên phòng A Vao.
Được sự kèm cặp, giúp đỡ, hướng dẫn của Tổ giáo dục chính trị đơn vị vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ và sự cố gắng phấn đấu của bản thân, em Hồ Thị Nứt đã truyền tải các nội dung mạch lạc, kết hợp cử chỉ truyền đạt và ngôn ngữ địa phương đồng bào dân tộc Pa Cô nên đã tạo sự hấp dẫn cho người nghe.
Cô giáo Hồ Thị Quyết, giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Nứt cho biết: “Bản thân tôi là giáo viên chủ nhiệm của cháu Nứt, nhưng hôm nay tôi thật sự bất ngờ trước khả năng truyền tải và sự mạnh dạn trước đám đông của cháu. Tôi cảm thấy rất tự hào về học sinh này, cám ơn sự chăm lo, nuôi dạy của các chú BĐBP”.
Sau tiết học này, Đồn biên phòng A Vao tiếp tục biên soạn nội dung, phương pháp; tiếp tục bồi dưỡng, động viên "con nuôi của đồn" trong tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa cho các em học sinh trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia tình hình mới.
Mô hình “tiết học biên giới” cũng được triển khai nhân rộng tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, Đồn Biên phòng Hướng Lập (huyện Hướng Hóa)... Một tiết học đặc biệt được tổ chức tại cột mốc 591 thuộc Đồn biên phòng Hướng Lập quản lý thu hút hàng trăm học sinh thuộc khối tiểu học và THCS Hướng Việt cùng học sinh Tiểu học và THCS La Cồ (Lào) tham gia.
Đồn Biên phòng Hướng Lập (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với Đại đội Biên phòng 321 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Savannakhet, Lào) tổ chức chương trình giao lưu tại cột mốc 591. |
Tại đây, học sinh được truyền đạt kiến thức về biên giới. |
Chương trình thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. |
Hoạt động trên nằm trong chương trình giao lưu lực lượng bảo vệ biên giới, giáo viên, học sinh Việt Nam - Lào, do Đồn Biên phòng Hướng Lập (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với Đại đội Biên phòng 321 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Savannakhet, Lào) tổ chức.
Đứng lớp là các thầy giáo “quân hàm xanh” truyền đạt đến các em kiến thức biên giới, nghĩa vụ và trách nhiệm của cư dân vùng biên, kiến thức và kỹ năng vùng cấm, đường biên, cột mốc biên giới...
Em Nang Đê, học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Dân tộc Nội trú La Cồ (huyện Sê Pôn, Lào) xúc động chia sẻ: “Lần đầu tiên tham dự chương trình này. Qua đây, em cũng hiểu được trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc chung tay bảo vệ đường biên giới, cùng nhau gìn giữ tình cảm và mối đoàn kết Việt - Lào”.