Biên phòng Quảng Trị thắp sáng ước mơ cho con nuôi lính ‘quân hàm xanh’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chương trình 'Nâng bước em đến trường'; 'Con nuôi biên phòng' được BĐBP triển khai ở các Đồn biên giới giúp HS khó khăn theo đuổi con chữ.

Đồn biên phòng A Vao là đơn vị tiên phong thực hiện chương trình "Con nuôi biên phòng".
Đồn biên phòng A Vao là đơn vị tiên phong thực hiện chương trình "Con nuôi biên phòng".

Không để tương lai trẻ bị "chôn vùi" giữa núi rừng

Mô hình “Con nuôi biên phòng” được các Đồn Biên phòng ở Quảng Trị triển khai hiệu quả, góp phần đổi thay những mảnh đời bất hạnh, giúp các trẻ, học sinh mồ côi, con liệt sĩ, các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn… ở khu vực biên giới có cơ hội được đến trường học chữ, theo đuổi ước mơ.

Đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện Đồn Biên phòng A Vao (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) nhận nuôi 9 đứa trẻ vẫn được người dân vùng biên giới truyền tai nhau, như chuyện cổ tích.

Từ những đứa trẻ “hoang dã”, qua sự nuôi dưỡng, chăm sóc, dìu dắt của cán bộ biên phòng, các cháu dần khôn lớn, chăm ngoan.

Binh nhất Lê Văn Thanh hướng dẫn các cháu học tập mỗi ngày.

Binh nhất Lê Văn Thanh hướng dẫn các cháu học tập mỗi ngày.

Vào năm 2018, trong quá trình tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao đã tiếp cận gia đình anh Hồ Văn Súc, ở thôn Kỳ Nơi (xã A Vao, huyện Đakrông), sống gần khu vực cột mốc 625. Đây là một gia đình khá đông con, các cháu sinh sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề.

Sau khi nắm bắt thông tin về hoàn cảnh gia đình, khảo sát thực tế, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng A Vao đã bàn bạc, thống nhất với chính quyền địa phương và nhà trường. Từ đó, Đồn Biên phòng A Vao quyết định nhận 9 cháu đưa về nuôi dưỡng.

Khi đưa về Đồn Biên phòng, các cháu được bộ đội bố trí nơi sinh hoạt đảm bảo. Hàng ngày, Đồn cử cán bộ, chiến sĩ theo dõi, hướng dẫn và chăm sóc cho các trẻ.

Được Đồn Biên phòng nhận nuôi nhiều năm qua, 2 em Lương và Lách nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của cán bộ chiến sĩ.

Được Đồn Biên phòng nhận nuôi nhiều năm qua, 2 em Lương và Lách nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của cán bộ chiến sĩ.

Nhằm đảm bảo cuộc sống cho các cháu, lực lượng biên phòng và địa phương, nhà trường cùng chung tay hỗ trợ và kêu gọi nguồn lực bên ngoài để nuôi dưỡng các cháu. Ngoài việc được Đồn Biên phòng nhận nuôi, các cháu được đến trường học chữ như những bạn bè cùng trang lứa.

Bộ đội Biên phòng như người cha thứ 2

Đồn Biên phòng A Vao là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện tốt mô hình “con nuôi biên phòng”.

Thiếu tá Lê Trung, Đồn phó Đồn Biên phòng A Vao cho biết, hiện Đồn Biên phòng A Vao đang nhận nuôi 5 cháu theo mô hình “con nuôi biên phòng”. Trong đó, có một cháu lớp 4 và một cháu lớp 5 đang sinh hoạt ở Đồn biên phòng. Ngoài ra, có một cháu đang học lớp 7 ở bán trú trường Tiểu học A Vao, một cháu lớp 8 ở Trạm Biên phòng A Vao, em còn lại đang học nghề.

Hàng ngày, các “cha nuôi” đưa đón các cháu đến trường, chăm lo từ việc học hành, đến cái ăn, cái mặc, hướng dẫn, chỉ bảo cho các cháu về lề lối sinh hoạt, từ những việc nhỏ nhất như đánh răng, rửa mặt.

Các em xem bộ đội biên phòng như người thân trong gia đình.

Các em xem bộ đội biên phòng như người thân trong gia đình.

Ngoài thời gian học tập ở trường, các cháu được hướng dẫn chăm sóc vườn rau, tăng gia sản xuất, quét dọn sân vườn; buổi tối cán bộ chiến sĩ ở đồn thay nhau hướng dẫn các cháu học bài và làm bài tập…

Binh nhất Lê Văn Thanh được Ban chỉ huy Đồn Biên phòng A Vao chăm sóc cho 2 em Hồ Văn Lách (lớp 4) và Hồ Văn Lương (lớp 5). Khi mới được bộ đội biên phòng nhận nuôi, Lương mới học lớp 1 còn Lách học mẫu giáo.

“Sau vài năm ở tại Đồn, các cháu xem chúng tôi như người trong gia đình. Tình yêu thương của chúng tôi dành cho các cháu như những người cha dành cho con, cùng với sự quan tâm của các thầy cô, hi vọng các cháu sẽ cố gắng học tập tốt”, thiếu tá Lê Trung chia sẻ.

Hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đang nhận nuôi 25 cháu theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Trong đó, có 6 cháu nuôi ở Đồn Biên phòng, 19 cháu được nuôi ở nhà. Mỗi tháng, các em được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, ngoài ra còn được quan tâm hỗ trợ về quần áo, dụng cụ học tập...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ