Biện pháp hiệu quả giúp học sinh hào hứng đến trường

GD&TĐ - Cô Vi Thị Ỏn, giáo viên Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An), chia sẻ kinh nghiệm vận động học sinh ra lớp hiệu quả.

Giáo viên quan tâm, tạo hứng thú học tập trên lớp là biện pháp hiệu quả giúp học sinh hào hứng đến trường. Ảnh: Cô Vi Thị Ỏn và học sinh trong lớp học.
Giáo viên quan tâm, tạo hứng thú học tập trên lớp là biện pháp hiệu quả giúp học sinh hào hứng đến trường. Ảnh: Cô Vi Thị Ỏn và học sinh trong lớp học.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Nhiều năm làm công tác vận động học sinh ra lớp, cô Vi Thị Ỏn cho rằng giáo viên cần phải thật kiên trì, không chán nản trong thuyết phục cha mẹ học sinh, học sinh.

Mỗi thầy cô giáo phải thật gắn bó với địa bàn; hiểu lời ăn, tiếng nói và không ngừng học hỏi phong tục tập quán để không những hòa mình với bà con dân bản. Điều này cũng giúp giáo viên có cách soạn bài, chuẩn kiến thức kĩ năng cơ bản tối thiểu phù hợp, giúp học sinh hiểu được ý nghĩa bài học. Cùng với đó, nâng cao kiến thức, vai trò, trách nhiệm của giáo viên phụ trách bản, giáo viên chủ nhiệm trong việc tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh trong lớp cũng rất quan trọng.

Các thầy giáo, cô giáo cần thường xuyên quan tâm giúp đỡ, động viên, khuyến khích những tiến bộ dù là nhỏ của học sinh; phân loại chất lượng học sinh, từ đó lên kế hoạch tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém. Bên cạnh đó là sự liên hệ, phối hợp thường xuyên giữa nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục.

Nhà trường kết hợp với ban quản lý bản tuyên truyền để các bậc phụ huynh học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, không bắt con em đi làm công ty khi chưa đủ tuổi lao động; giúp phụ huynh hiểu cản trở việc học hành của con em là vi phạm pháp luật.

“Trên thực tế, không phải lúc nào học sinh cũng đến lớp đầy đủ, học tập chuyên cần. Có thời điểm, dù biết các em chỉ nghỉ học một số ngày giúp gia đình vào mùa vụ, nhưng nếu không bám sát nhắc nhở, nhiều em sẽ bỏ học luôn. Do đó, ngoài thời gian soạn giáo án, lên lớp giảng bài, các thầy cô giáo phải dành nhiều thời gian đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. Việc trèo đèo, lội suối đến từng bản, vận động học sinh của giáo viên là “chuyện thường ngày ở trường”, cô Vi Thị Ỏn chia sẻ.

Cô Vi Thị Ỏn là học sinh trong giờ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Cô Vi Thị Ỏn là học sinh trong giờ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Thấu hiểu học trò

Trong số những học sinh bỏ học, có những em xuất phát từ việc không tiếp thu bài kịp, mệt mỏi, chán học, xấu hổ với bạn bè.

Với trường hợp này, kinh nghiệm cô Vi Thị Ỏn chia sẻ là cần tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học, nắm bắt hoàn cảnh và đặc điểm gia đình từng học sinh.

Cách làm, có thể qua điều tra sơ yếu lý lịch; hoặc tìm hiểu hoàn cảnh học sinh trực tiếp bằng cách đến gia đình các em, tiếp xúc với cha mẹ học sinh; tìm hiểu qua bạn bè trong lớp; qua trưởng bản, già làng… Lập danh sách học sinh có nguy cơ bỏ học báo ngay với Ban giám hiệu, UBND xã và ban quản lý bản để có biện pháp kịp thời. Học sinh nghỉ học từ 2 buổi trở lên, giáo viên cần kết hợp với bản đến nhà vận động các em đi học trở lại.

Trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên gần gũi, an ủi động viên và khích lệ kịp thời các kết quả đạt được, dù nhỏ nhất để tạo động lực cho học trò trong học tập.

Đối với học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cùng với tìm hiểu nguyên nhân, giáo viên tìm cách động viên giúp đỡ các em về vật chất như: quần áo cũ, sách vở, mũ, dép, cặp…

Một số biện pháp dài hơi hỗ trợ học sinh khó khăn có thể làm như: kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân; phát động phong trào "Áo ấm mùa đông" để mua áo đồng phục mùa đông phát cho học sinh hộ nghèo, hộ khó khăn; thực hiện chương trình kế hoạch nhỏ; tìm nhà từ thiện đỡ đầu cho các em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ cho các em ăn học cho đến 18 tuổi…

Thành lập đôi bạn cùng tiến

Với biện pháp này, cô Vi Thị Ỏn cho rằng, có thể thành lập và luôn duy trì mỗi bản hai đến ba học sinh làm tổ trưởng, tổ phó làm công tác vận động các bạn bỏ học trong bản đi học. Khi giáo viên không có mặt ở bản vận động, các em có trách nhiệm đến nhà nhắc nhở bạn đi học cùng.

Giáo viên tạo phong trào thi đua đến lớp giữa các bản, có phần quà cho những bản đạt tỷ lệ đến lớp cao. Tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa vui chơi thi đua giữa các bản như: đá bóng, đánh bóng chuyền...

Hàng tuần, giáo viên phụ trách bản phải họp với học sinh của bản mình phụ trách để nhắc nhở, tìm hiểu những vấn đề các em gặp phải để có cách giải quyết.

Giáo viên cũng có thể phân công một học sinh học lực tốt kèm học lực trung bình hoặc học lực yếu và sắp xếp cho 2 em ngồi cùng một bàn; hướng dẫn học sinh học lực giỏi, khá cách hỗ trợ bạn học tập. Bản thân giáo viên đầu giờ phải vào lớp sớm để kiểm tra vở, bài làm ở nhà của học sinh; xem cách thực hiện của đôi bạn học tập để điều chỉnh phù hợp.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh vui đến trường.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh vui đến trường.

Tổ chức tốt tiết sinh hoạt lớp

Một trong những giải pháp quan trọng giúp duy trì sĩ số lớp được cô Vi Thị Ỏn thực hiện là tổ chức và thực hiện tốt tiết sinh hoạt cuối tuần.

Trong tiết sinh hoạt này, sau khi nghe các tổ trưởng báo cáo, giáo viên cần cho lớp tuyên dương những tổ đạt duy trì sĩ số suốt cả tuần để làm gương và khen những em có tiến bộ về học tập. Đối với những mặt học sinh còn hạn chế, giáo viên nhắc nhở nhẹ nhàng kèm theo hướng dẫn, uốn nắn để tuần sau các em thực hiện tốt hơn.

Muốn vận động học sinh đến lớp, không thể không làm tốt việc phối kết hợp với các lực lượng khác. Với địa phương, ngoài các ban ngành, cần có lực lượng công an xã cùng tham gia, có thể có những biện pháp cứng rắn với gia đình không cho con đi học, cô Vi Thị Ỏn nói.

Ngoài ra, giáo viên có thể nêu gương các anh chị những lớp trước - dù đầu năm còn yếu kém nhưng nhờ sự kiên trì, cố gắng đến cuối năm cũng đã đạt loại khá, giỏi để củng cố lòng tin của học sinh.

Tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Mỗi ngày bước vào lớp, thầy cô quan sát, kiểm tra xem học sinh có mặt đầy đủ hay không; nhất là những hôm thời tiết khắc nghiệt, mưa, bão,…

Trong giờ dạy, giáo viên đầu tư soạn giảng phân hóa theo đối tượng học sinh; tạo không khí học tập vui tươi, giúp các em hứng thú và ham học. Giáo viên phải đặc biệt quan tâm đến những học sinh yếu, kém và có kế hoạch phụ đạo cho các em này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ