'Xóa sổ' lớp ghép được không?

GD&TĐ - Dù nỗ lực trong “dồn điền đổi thửa”, song ở nhiều địa phương vẫn tồn tại mô hình lớp ghép. 

Lớp ghép không đáp ứng được yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục trong lớp. Ảnh: IT
Lớp ghép không đáp ứng được yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục trong lớp. Ảnh: IT

Do đó, việc đảm bảo chất lượng giáo dục nói chung, lớp ghép nói riêng đòi hỏi các giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Mục tiêu không đi liền hiệu quả

Ở các tỉnh miền núi, do đặc thù địa hình và phân bố dân cư nên lớp ghép là giải pháp cơ bản để ngành Giáo dục tạo cơ hội bình đẳng cho học sinh tiếp cận giáo dục. Lớp ghép cũng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học bắt buộc và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn.

Dẫu mục tiêu đặt ra cho lớp ghép ý nghĩa, thiết thực, song thực tế chất lượng, hiệu quả vẫn là vấn đề trăn trở của nhiều nhà trường. Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) có xấp xỉ 1.300 học sinh, đến từ 25 thôn bản và học tập tại 18 điểm lẻ, 1 điểm trường trung tâm. Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, dù nỗ lực dồn dịch từ 25 điểm trường lẻ còn 19 như hiện nay, song vẫn phải duy trì 10 lớp ghép tại các điểm trường lẻ, trong đó đa số lớp ghép 2 trình độ (lớp 1 với lớp 2; lớp 1 với lớp 3; thậm chí còn lớp ghép 3 trình độ).

Cũng là trường còn nhiều lớp ghép, thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa), chia sẻ: Năm học mới, trường có 1 điểm chính, 8 điểm lẻ, 5 lớp ghép/8 điểm lẻ (ghép lớp 2 với lớp 3 là chủ yếu). Mỗi lớp ghép có trung bình 16 học sinh cả 2 trình độ.

“Nhiều lớp ghép ở điểm lẻ chưa có điện lưới, không sóng điện thoại, học sinh dân tộc yếu tiếng Việt… nên chất lượng còn hạn chế. Thực tế này nhiều năm qua chưa thể khắc phục. Lớp ghép được duy trì mang ý nghĩa đảm bảo cho học sinh được học tập là chính. Dạy học trong điều kiện “thiếu đủ bề” thì chất lượng lớp ghép vẫn trông đợi vào lương tâm, trách nhiệm, tình yêu nghề của giáo viên…”, thầy Tùng bày tỏ.

Chia sẻ lý do tồn tại nhiều lớp ghép, theo thầy Tùng, trường đang thiếu 5 giáo viên văn hóa nên có tách lớp ghép thành lớp đơn theo từng trình độ cũng không đủ giáo viên giảng dạy. Với số lượng giáo viên hiện tại, trường chỉ có 23/28 lớp dạy học 2 buổi/ngày; 3 lớp ghép học 1 buổi/ngày để giáo viên tăng cường dạy điểm lẻ khác.

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), hiện nay, dạy học lớp ghép chủ yếu tập trung ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa như Bắc Kạn, Nghệ An, Bình Phước, Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Giang…

Cơ bản lớp ghép được tổ chức theo quy định của Bộ GD&ĐT (mỗi lớp không quá 15 học sinh/lớp và không quá 2 trình độ; trường hợp đặc biệt có thể ghép 3 trình độ nhưng mỗi lớp không quá 10 học sinh/lớp...), song chất lượng vẫn chưa được cải thiện.

Đặc biệt trong bối cảnh giáo dục tiểu học bước vào năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT mới với những yêu cầu về đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển năng lực học sinh… thì chất lượng lớp ghép càng khó tháo gỡ. Việc xóa bỏ lớp ghép, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học nói chung, giáo dục vùng khó nói riêng cần sự quan tâm, ưu tiên đầu tư từ các địa phương và ban, ngành liên quan.

Điều kiện cơ sở vật chất lớp ghép hạn chế sẽ ảnh hưởng chất lượng dạy học. Ảnh: IT

Điều kiện cơ sở vật chất lớp ghép hạn chế sẽ ảnh hưởng chất lượng dạy học. Ảnh: IT

Giải pháp cho lớp ghép

Thầy Dương Văn Đông cho biết, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục các lớp ghép ở điểm trường trong điều kiện khó khăn hiện nay là nỗ lực tổ chức dạy học 2 buổi/ngày như ở điểm trường chính. Cùng đó, khi phân công giáo viên phụ trách lớp ghép, ban giám hiệu chọn lựa giáo viên “cứng” về chuyên môn, kinh nghiệm; yêu cầu tham gia bồi dưỡng thường xuyên, động viên kịp thời để thầy cô đảm trách tốt nhất 2 chương trình giảng dạy tại lớp ghép. Tăng cường kiểm tra dạy và học ở điểm trường, lớp ghép nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho giáo viên ngay trong quá trình giảng dạy…

Trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất tại trường chính không đáp ứng được yêu cầu (thiếu kinh phí và quỹ đất mở thêm lớp học, phòng bán trú) để dồn học sinh lớp 3 các điểm lẻ; hoặc dồn học sinh các điểm lẻ lại với nhau (khoảng cách xa trên 4km phải thực hiện bán trú)… thì giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cho lớp ghép được thầy Lê Quang Tùng chia sẻ: Tách học sinh lớp 1 thành lớp đơn tại các điểm trường, chỉ ghép trình độ lớp 2 - 3 để giáo viên thuận lợi về chuyên môn.

Ngoài ra, tận dụng thời gian giáo viên ở lại điểm lẻ để dạy tăng cường cho học sinh vào giờ nghỉ, thậm chí dạy cả thứ 7, Chủ nhật. Đặc biệt, tiến hành lọc học sinh trong lớp ghép, với trò tiếp thu chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu để phụ đạo riêng (miễn phí) các buổi tối khi giáo viên ở lại điểm trường...

Để bảo đảm chất lượng dạy học, và triển khai Chương trình GDPT mới hiệu quả, ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang), chia sẻ: Nhận thấy rõ những hạn chế từ lớp ghép nên quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn từ năm học 2022 - 2023.

Cũng theo ông Giáp, trước đây, dạy học theo nội dung, giáo viên có thể triển khai cho nhóm này làm bài rồi quay sang nhóm khác hướng dẫn. Nhưng hiện tại với Chương trình GDPT mới, dạy học theo hướng phát triển năng lực người học, trong các lớp học phải tổ chức hoạt động học tập, nếu không gian lớp ghép hẹp, học sinh nhiều trình độ sẽ không thể triển khai, giáo viên bị hạn chế và không thể đổi mới phương pháp dạy học.

Mặt khác, với lớp ghép từ 1 - 3 trình độ, giáo viên khó phát huy chuyên môn sâu, chỉ tập trung dạy nội dung. Với lớp 3 năm nay, Tin học, Ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc càng không thể triển khai trong mô hình lớp ghép...

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Yên Bái), cũng khẳng định chất lượng lớp ghép không thể đảm bảo như lớp đơn. Thời gian mỗi tiết học có hạn, giáo viên dù cố gắng cũng không đủ để tập trung cho tất cả học sinh. Cùng đó, dạy và học lớp ghép rất khó tập trung khi có hoạt động khác nhau trong cùng không gian. Chưa kể tại điểm lẻ, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học không đảm bảo càng khiến hiệu quả dạy học lớp ghép thêm hạn chế…

Do đó, theo quan điểm của bà Hằng nên bỏ lớp ghép, đầu tư cơ sở vật chất trường chính để dồn học sinh điểm lẻ về học tập… Từ năm học 2022 - 2023, Yên Bái đã bỏ hoàn toàn lớp ghép. Đây được xem như giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học và triển khai Chương trình GDPT mới.

Khẳng định chất lượng dạy học lớp ghép còn thấp so với lớp đơn, song thầy Dương Văn Đông cho biết vẫn phải duy trì bởi học sinh sinh sống rải rác, số lượng để tổ chức lớp học 1 trình độ không đủ theo định biên. Mặt khác, nếu tách lớp theo từng trình độ tại điểm lẻ cũng không đủ giáo viên đứng lớp.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Chùa Hương Tích (Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm ở độ cao 650m so với mực nước biển.

Ngôi chùa giữa lưng chừng mây

GD&TĐ - Mỗi độ tháng Giêng, hàng triệu Phật tử cùng du khách thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương Tích (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Giá lúa ở ĐBSCL những ngày giáp Tết giảm, khiến nông dân lo lắng. (Ảnh: Q.A)

Để nông dân trồng lúa có Tết

GD&TĐ - Nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch lúa Đông Xuân, nhưng giá lúa giảm sâu khiến thu nhập bị ảnh hưởng.

Kyle Walker viết tâm thư rời Man City

Kyle Walker viết tâm thư rời Man City

GD&TĐ - Kyle Walker viết tâm thư chia tay đầy xúc động gửi tới người hâm mộ Man City sau khi hoàn tất vụ chuyển nhượng đến AC Milan.