Biến đá vô tri thành nghệ thuật

Biến đá vô tri thành nghệ thuật

(GD&TĐ) - Biết tiếng, nghe danh ông, người đã vực dậy cả một làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống đã lâu nhưng mãi chúng tôi mới được dịp hạnh ngộ với nghệ nhân Nguyễn Xuân Lương ở thôn Côn Lăng Hạ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Năm nay, ông đã bước sang tuổi 84, với 57 năm tuổi Đảng…

1. Giọng ông sang sảng, gương mặt quắc thước, tinh anh, trí tuệ mẫn tiệp đến ngạc nhiên. Sức khỏe của ông dẻo dai đến độ khiến thanh niên cũng phải bái phục. Cả đời ông tận tụy, đau đáu với đá. Lòng say mê những viên đá vô tri của ông sâu đậm như thể với người tình. Dưới đôi bàn tay tài hoa chai sần, hàng ngàn tác phẩm đá được ông chạm khắc tinh xảo, đẹp đến mê hồn cứ dần xuất hiện, làm giàu thêm bảng vàng thành tích nghệ nhân Nguyễn Xuân Lương. Ông vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm, cụ sớm có chí tự lập từ nhỏ. Ông thừa nhận: “Tôi đã gắn liền với đá suốt từ thời trai trẻ cho đến nay. Tôi đã làm từ những năm 1968 cho đến bây giờ”. Dù tuổi đã cao, nhưng vốn tính ham việc, ngày ngày ông vẫn truyền nghề cho các thế con cháu. Trong ông lúc nào cũng nặng tình với đá. Ông quan niệm để hoàn thành được một tác phẩm bằng đá cũng lắm công phu. Nó đòi hỏi công sức từ lựa chọn đá, đục, đẽo… đến hoàn chỉnh. Những đường nét chạm khắc hoa văn phải tinh xảo, sự kết hợp của nhiều tài năng khác nhau, vừa cần đôi bàn tay tài hoa khéo léo, vừa cần tâm hồn nghệ sỹ, vừa là người họa sỹ, vừa là người điêu khắc... làm sao người nghệ nhân phải thổi được cái hồn vào những khối đá vô tri. Một tác phẩm đá đẹp, vô giá khi càng để lâu càng đẹp. Thông qua khối óc sáng tạo, bàn tay tài hoa, cần mẫn, người nghệ nhân đã biến những tảng đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn, làm lay động lòng người. Nghệ nhân làm đá đòi hỏi có hồn, tài hoa, để cảm nhận được sự tinh xảo trong các tác phẩm. Với đá, không phải ai cũng có thể làm được, người thợ phải có tay nghề và tài hoa mới làm nên một tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Lương
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Lương

Cả cuộc đời gắn liền với đá, ông nhận thấy làm đá mỹ nghệ là nghề truyền thống, là nghề quý giá ở quê hương. Khát vọng giữ nghề đã thôi thúc ông lao tâm khổ tứ vào các sản phẩm đá mỹ nghệ và thu hút nhiều nghệ nhân có bàn tay vàng cho ra thị trường những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo phục vụ các công trình trong và ngoài nước. Đôi bàn tay tài hoa của người thợ đã biến những hòn đá vô tri thành những tác phẩm có hồn, đầy tính nghệ thuật. Chia sẻ với chúng tôi những trăn trở, giọng ông trầm xuống: Đá là linh hồn tôi. Không có đá, tôi không có cuộc sống hôm nay. Nhưng buồn, những núi đá do thiên nhiên ban tặng giờ đây bị khai thác vô tội vạ, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan sinh thái. Còn nghệ nhân hôm nay, không ít người vì cuộc sống mưu sinh mà coi nhẹ chất lượng sản phẩm.

2. Cả cuộc đời gắn liền với đá, thông qua đôi bàn tay tài hoa của ông, sản phẩm có mặt ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước như: khu di tích Hồ Chủ tịch ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; đền thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ở Kinh Môn, Hải Dương; đền thờ bà Chúa Kho… Những đóng góp xây dựng địa phương của ông được ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Năm 2010, nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã cung tiến hai lọ Độc Bình bằng đá được khắc chạm công phu thể hiện tấm lòng tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông được Ban tổ chức Khu di tích lịch sử Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An gửi lời cảm ơn rất trân trọng: “Cụ Nguyễn Xuân Lương 81 tuổi, quê quán Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình đã cung tiến 2 lọ Độc Bình cao 1890 mm bằng đá được khắc chạm công phu thể hiện tấm lòng tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Với sự cống hiến và tâm huyết của một người luôn năng động sáng tạo “nêu gương sáng làm kinh tế góp phần xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng”, ông đã được nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tặng kỷ vật quý: Bức ảnh Tháp rùa Hồ Gươm – Hà Nội bằng đồng đúc nổi ghi nhận thành tích của cụ đối với quê hương đất nước. Ông đã tạc một chậu cảnh cỡ lớn bằng đá nguyên khối có kích thước: 5m x 3m x 1,2m chung quanh chạm trổ tứ linh: Long – Ly – Quy - Phượng và tứ quý: Tùng – Trúc – Cúc – Mai.

3. Ông còn chạm khắc một đôi câu đối bằng đá nói lên lòng tự hào về nghề đá mỹ nghệ truyền thống của quê hương. Để bảo tồn và phát triển nghề, ông còn tự bỏ tiền để giới thiệu, tuyên truyền và truyền nghề đá mỹ nghệ cho thế hệ trẻ. Hiện nay, ông còn lưu giữ được nhiều tác phẩm đá có giá trị cao như một bể đá cảnh nguyên khối được chế tác từ thời Thành Thái (1888) có kích thước 1,72m x 0,9m x 0,61m, rêu phong cổ kính nhưng vẫn rõ nét những hình chạm trổ trên mặt chính diện là tứ linh: Long – Ly – Quy - Phượng. Bên đốc hữu là liên quy (sen, rùa), bên dốc tả là liên áp (sen vịt) rất sinh động. Bên cạnh bể đá cảnh cổ kính, ông đắp hai hòn non bộ cỡ trung có dáng hình kì thú.

Ngày lại ngày, ông vẫn miệt mài, nhiệt huyết với đời, với người, đặc biệt ông vẫn không ngừng say mê hoàn thiện những tác phẩm nghệ thuật đá của mình như bàn ghế, bể non bộ, chạm khắc tranh... và làm giàu tâm hồn. “Tôi đã nghiệm bao người chơi đá cũng không còn gì cả, trời cho như thế nào thì hưởng lộc như thế. Nếu cây mà không có đất thì làm gì có cây được, đó là lộc trời. Trời cho mỗi người lộc ít hay nhiều nhưng dứt khoát phải có lộc, như có âm thì phải có dương”- ông giãi bày. Cụ Nguyễn Du, đã từng viết “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Người không có tâm, chỉ có tài thì đôi khi cái tài ấy lại làm phương hại đến xã hội, hại mọi người, hại chính bản thân mình. Có tài, lại có tâm nên ông đã cống hiến hết mình cho đời, cho xã hội mới.

Kim Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.