Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, đơn vị đã tiếp nhận anh D.V.H. (27 tuổi, quê Hậu Giang) trong tình trạng đau nhiều vùng hông lưng trái, ấn đau, tiền sử có tán sỏi nội soi niệu quản trái khoảng 5 năm, còn một đoạn thông niệu quản bên trái.
Cách đây 5 năm, anh H. đã thực hiện kỹ thuật tán sỏi niệu quản trái qua nội soi, sau tán sỏi có đặt ống thông JJ. Trước khi ra viện đã được dặn trở lại tái khám để rút thông JJ, nhưng bệnh nhân không đi tái khám.
Sau đó, bệnh nhân quên rằng trong cơ thể mình vẫn còn 1 ống thông và vẫn còn cuộc hẹn rút ống thông với bác sĩ.
Bệnh nhân đã xuất hiện những cơn đau âm ỉ, đau quặn hông lưng trái kèm tiểu gắt, tiểu ra máu, có uống thuốc.
Các bác sĩ đã chỉ định siêu âm và chụp cắt lớp vi tính hệ niệu ghi nhận, thận trái ứ nước độ II, sỏi vùng bể thận – niệu quản bên trái, kích thước 30x58 mm, sỏi bàng quang kích thước 90x58 mm, có 1 đoạn ống thông JJ trong cả 2 viên sỏi. Sau hội chẩn quyết định phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi thận trái sau đó mổ hở lấy sỏi bàng quang.
Ê kíp phẫu thuật do BSCKII Trương Minh Khoa, Khoa Ngoại thận tiết niệu, BSCKII Thái Đắc Vinh, Phó Khoa gây mê hồi sức thực hiện. Thầy thuốc đã tiến hành phẫu thuật nội soi bộc lộ thận – niệu quản trái lấy ra 1 viên sỏi to khoảng 3.5 m, khâu thận, niệu quản.
Sau đó chuyển bệnh nhân nằm ngửa, tiến hành phẫu thuật lần 2 là mổ hở bộc lộ bàng quang lấy viên sỏi to trong bàng quang, kích thước khoảng 9 cm. Sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy thành công 2 viên sỏi với trọng lượng 300 gam ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Theo BSCKII Nguyễn Phước Lộc – Trưởng Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu cho biết, thông niệu quản (thông JJ) được sử dụng ngày càng rộng rãi, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của nội soi tiết niệu, ống thông JJ được đặt để dẫn lưu niệu quản trong nhiều trường hợp sau mổ sỏi đường tiết niệu, tán sỏi thận qua da, sau tán sỏi niệu quản qua nội soi....
Tuy nhiên thời gian rút thông do bác sĩ chỉ định và thời gian đặt thông JJ lưu trong niệu quản tùy theo loại (thường có loại chỉ lưu được tối đa là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm). Có trường hợp bệnh nhân được đặt thông JJ nhưng nhiều lý do khác nhau (bệnh nhân không đi tái khám, quên hoặc mất giấy ra viện…) nên ống thông bị "bỏ quên" trong cơ thể bệnh nhân nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Sự lắng đọng và sau đó quá trình tạo sỏi do ống thông hoặc đứt gãy ống thông là biến chứng có thể gặp phải, viêm nhiễm đường tiết niệu, tiểu máu, tiểu gắt, tiểu buốt…
Các bác sĩ khuyến cáo, những người bệnh khi được điều trị ở bệnh viện cần chú ý tuân thủ lời dặn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, không nên chủ quan với sức khỏe của bản thân nhằm tránh các biến chứng đường tiết niệu do để ống thông quá lâu.
Bình luận