Biến chủng mới đổ bộ

GD&TĐ - Ngày 8/11, Bộ Y tế Philippines công bố xác nhận ca đầu tiên tại nước này mắc biến chủng B.1.167.1 (còn gọi là biến chủng Kappa), anh em với biến chủng Delta.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước đó Malaysia và Thái Lan cũng ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Delta Plus đầu tiên tại Đông Nam Á.

Biến chủng Kappa (B.1.167.1) được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ từ tháng 10/2020, cùng nơi xuất hiện của biến chủng Delta. Cả hai đều là hậu duệ của biến chủng kép B.1.617 nên còn được gọi là “các biến chủng anh em”.

Tuy nhiên, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, biến chủng Kappa hiện vẫn được xếp vào nhóm “Biến chủng đáng quan tâm” (VOI), thấp hơn một cấp về độ nguy hiểm với biến chủng Delta thuộc nhóm “Biến chủng đáng lo ngại” (VOC).

Tuy nhiên, do cùng có gốc từ biến chủng B.1.167 với Delta nên biến chủng Kappa được các nhà khoa học lo ngại có thể thay đổi di truyền để ảnh hưởng tới đặc tính của virus, qua đó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bùng phát thành làn sóng dịch mới. Do vậy, WHO nhận định biến chủng Kappa thuộc loại “có thể gây rủi ro trong tương lai”.

Chính vì vậy dù chưa có đầy đủ dữ kiện để đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm, sự xuất hiện của biến chủng Kappa tại Philippines vẫn gây chú ý đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, vốn đang bị biến chủng anh em của nó là Delta tấn công dữ dội.

Ca nhiễm biến chủng Kappa đầu tiên tại Philippines là một người đàn ông 32 tuổi sống tại tỉnh Pampanga. Hiện, bệnh nhân trên đã bình phục sau khi chỉ có các triệu chứng nhẹ.

Mẫu bệnh phẩm của ông được cơ quan y tế Philippines thu thập từ ngày 2/6 nhưng phải trải qua quá trình giải trình mã gen phức tạp nên đến ngày 8/11 mới được chính thức xác nhận đó là biến chủng Kappa, đánh dấu việc nó lần đầu “đặt chân” tới khu vực.

Cơ quan y tế Philippines đang tiến hành cuộc điều tra mở rộng và giám sát chặt chẽ khu vực phát hiện biến thể Kappa nhưng chưa có thông tin về các ca nhiễm tương tự. Philippines đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự lây lan của biến chủng Delta và là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á chỉ sau Indonesia về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19.

Bối cảnh trên khiến Philippines đặc biệt cảnh giác với biến chủng mới phát hiện. Trước đó vào tuần trước, Thái Lan và Malaysia cũng lần lượt công bố ghi nhận sự “đổ bộ” của một biến thể phụ khác của Delta còn gọi là Delta Plus.

Hiện chưa có thông tin về các ca nhiễm mới của biến thể này tại hai nước, nhưng với tốc độ lây nhiễm được cho là nhanh hơn biến chủng Delta gốc nên thông tin này vẫn gây lo ngại cho khu vực.

Biến thể phụ Delta Plus được phát hiện lần đầu tại Anh và hiện trung bình 10% mẫu bệnh phẩm Covid-19 tại nước này được xác nhận là Delta Plus. Trên phạm vi toàn cầu, Mỹ hiện là nước có sự lây lan rộng nhất của Delta Plus bên ngoài nơi xuất phát của nó là nước Anh.

Các chuyên gia y tế cho rằng, hiện còn quá sớm và còn ít dữ liệu để có thể đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của các biến thể Kappa cũng như Delta Plus. Tuy nhiên, trong khi nhiều nước Đông Nam Á còn đang phải vật lộn với biến chủng Delta thì sự xuất hiện của các biến chủng mới được cho là còn nguy hiểm hơn là dấu hiệu “lành ít dữ nhiều”.

Tuy nhiên, thông tin lạc quan là độ phủ vắc-xin của khu vực Đông Nam Á đang tăng từng ngày và hầu hết dân số trưởng thành tại đâu đều đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.