Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cách xử lý của trường đại học.
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật của Đại học Đông Nam, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, anh Xu Mouxiang nộp hồ sơ vào chương trình sau đại học tại Đại học Nam Kinh.
Ở vòng thi thứ nhất là tự luận, anh Xu đạt kết quả đứng đầu danh sách nhưng bị nhà trường từ chối tuyển sinh vài tháng trước. Trường đại học thông tin Xu đã trượt ở vòng thi thứ hai, bao gồm một cuộc phỏng vấn.
Tuần vừa qua, Trường Khoa học và Công nghệ Hạt nhân thuộc Đại học Lan Châu, tỉnh Cam Túc, ngôi trường hàng đầu trong khu vực, đã công bố danh sách tuyển sinh cao học năm 2024. Xu cũng bị trượt khỏi ngôi trường này sau khi chuyển hồ sơ từ Đại học Nam Kinh.
Xu được cho là bị từ chối do một video anh đăng lên Internet hồi tháng 2/2024. Trong đó, anh dìm chết một con mèo trong xô nước tại ký túc xá ở Đại học Đông Nam.
Sau khi bài đăng trở nên phổ biến, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ, không đồng tình với cách làm của anh. Một tổ chức bảo vệ động vật tự xưng Nhóm Công tác Động vật cáo buộc anh có lịch sử lạm dụng động vật lâu dài.
Sau đó, cư dân mạng đã liên hệ với văn phòng sau đại học của Đại học Nam Kinh để cung cấp bằng chứng và kêu gọi nhà trường không tuyển sinh Xu vì lý do đạo đức.
Một người nằm trong nhóm phản đối cho biết: “Các giảng viên sau đại học tại Đại học Nam Kinh thông tin họ yêu cầu cao về tư cách đạo đức của sinh viên được nhận vào trường. Ứng viên cũng phải nộp giấy chứng nhận tư cách đạo đức từ trường học cũ của họ”.
Đến ngày 3/4, tài khoản mạng xã hội của Đại học Lan Châu cũng tràn ngập bình luận, tin nhắn của cộng đồng mạng. Họ kêu gọi trường đại học quyết định thận trọng với trường hợp của Xu. Một số người khẳng định ngoài trí thông minh, thể lực thì đạo đức là yếu tố quan trọng để tuyển chọn người học.
Trang web của Đại học Lan Châu sau đó thông báo người nộp đơn đã bị loại khỏi danh sách chờ vì “nhà trường có cách tiếp cận toàn diện trong quá trình tuyển sinh đại học”.
Giáo dục tư tưởng và đạo đức là nội dung quan trọng, được đẩy mạnh trong các trường đại học Trung Quốc những năm gần đây. Theo hướng dẫn tuyển sinh sau đại học quốc gia do Bộ Giáo dục công bố năm 2022, các trường đại học phải đánh giá cả tư tưởng và đạo đức của học viên và có quyền từ chối nhập học những trường hợp vi phạm một trong hai điều trên. Các trường đại học được khuyến khích tiến hành đánh giá ngoài công cụ thi cử để xác định “tư cách đạo đức” của thí sinh.
Tuy nhiên, nhiều cộng đồng mạng cho rằng quyết định của các trường đại học quá khắc nghiệt và vấn đề đang bị thổi phồng quá mức.
Hôm 9/4, GS Kong Qingmao, Đại học Nghệ thuật Nam Kinh, chia sẻ trên mạng xã hội rằng: “Xã hội đang thiếu sự khoan dung. Các lãnh đạo Đại học Nam Kinh và Đại học Lan Châu nên suy ngẫm về điều này”.
Cục Công an Nam Kinh cho biết, cảnh sát đã mở cuộc điều tra về hành vi của Xu. Nam sinh đã thừa nhận sai lầm và cam kết sẽ không lặp lại hành động tương tự.
Xu không phải trường hợp đầu tiên bị đuổi học vì ngược đãi động vật tại Trung Quốc. Một trường đại học ở tỉnh Hà Nam đã đuổi học một sinh viên tên Li vì có liên quan đến hành vi ngược đãi mèo. Tại tỉnh Tứ Xuyên, một trường học đã phạt 2 học sinh vì ngược đãi chó hoang.