Bí quyết xây dựng xã hội học tập ở Yên Bái

GD&TĐ - Nhờ vào những sáng tạo và nỗ lực không ngừng của các cấp hội khuyến học, công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Ông Triệu Tiến Thịnh – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao quà, học bổng cho học sinh các trường bị ảnh hưởng bão số 3 tại TP Yên Bái. Ảnh: Đức Hạnh
Ông Triệu Tiến Thịnh – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao quà, học bổng cho học sinh các trường bị ảnh hưởng bão số 3 tại TP Yên Bái. Ảnh: Đức Hạnh

Nhờ vào những sáng tạo và nỗ lực không ngừng của các cấp hội khuyến học, công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực. Từ các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục đến những chương trình thiết thực hỗ trợ học sinh, công tác này trở thành một phần không thể thiếu trong việc xây dựng một xã hội học tập ở địa phương.

Nhiều sáng tạo

Với sự đa dạng về dân tộc, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, gặp không ít thách thức trong công tác giáo dục, tuy nhiên, các cấp hội khuyến học của Yên Bái đã không ngừng tìm tòi và sáng tạo nhiều hoạt động hiệu quả. Việc phát động, xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập theo Quyết định số 387/QĐ-TTg và Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có những chuyển biến khá rõ nét về nhận thức và hành động.

Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; ban hành văn bản triển khai thực hiện gắn với chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội hàng năm. Việc tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai sâu rộng, hiệu quả, phù hợp với địa bàn, đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Cùng với đó, phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, công dân học tập đã trở thành việc làm thường xuyên tại khắp các địa phương trong tỉnh. Hội Khuyến học phối hợp với các ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh thực hiện tốt Đề án “Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2021 - 2030.

Phong trào khuyến học “Toàn dân xây dựng xã hội học tập” được gắn với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”; “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ công chức, viên chức tỉnh Yên Bái thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 - 2025”; “Thi đua chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025”; “Xây dựng con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Toàn tỉnh hiện có 72% gia đình đạt gia đình học tập; 65% dòng họ đạt dòng họ học tập; 83% cộng đồng thôn/ bản/ tổ dân phố đạt cộng đồng học tập; 93% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt đơn vị học tập, 95% xã, phường, thị trấn đạt “Cộng đồng học tập” cấp xã loại khá, tốt.

bi-quyet-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-o-yen-bai-5.jpg
Sở GD&ĐT, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ảnh: Đức Hạnh

Bên cạnh đó, các trung tâm học tập cộng đồng đã phối hợp với trường học tổ chức nhiều lớp xóa mù chữ tại huyện Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ.

Từ năm 2019 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mở 146 lớp xóa mù chữ với sự tham gia của trên 4.600 học viên. Năm 2023, tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 các độ tuổi đều tăng so với 2019; có 173/173 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó, 163/173 xã, 8/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp phù hợp; quy mô phát triển, ổn định tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi đạt và vượt chỉ tiêu đã góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học phối hợp với phòng chuyên môn các cấp tập huấn, bồi dưỡng chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề thủ công truyền thống; tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Mỗi năm tổ chức trên 1.000 lớp với hơn 50.000 lượt người tham gia.

bi-quyet-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-o-yen-bai-2.jpg
Ông Nguyễn Duy Hiệp – trưởng dòng họ Nguyễn thị trấn Sơn Thịnh luôn động viên con cháu học tập tốt. Ảnh: Đức Hạnh

Công tác xây dựng, phát triển Quỹ Khuyến học được quan tâm, nhiều hình thức xây dựng quỹ được duy trì hiệu quả, hàng trăm nghìn học sinh, giáo viên được khen thưởng, nhận hỗ trợ từ Quỹ Khuyến học, khuyến tài các cấp.

Trong chuyến công tác và kiểm tra công tác khuyến học, khuyến tài của đoàn kiểm tra Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam mới đây đã đánh giá rất cao công tác khuyến học khuyến tài tại tỉnh Yên Bái với nhiều hoạt động sáng tạo như: Tổ chức CLB Khuyến học tại huyện Trấn Yên, công tác thúc đẩy học tập suốt đời trong cộng đồng thông qua hoạt động văn hóa đọc; triển khai đề tài khoa học dạy tiếng Dao cho người Dao; dạy tiếng Anh phục vụ du lịch cộng đồng; tư vấn hướng nghiệp… Đây là điểm sáng, đóng góp trực tiếp vào việc khuyến học của cộng đồng.

Chia sẻ về những thành quả đạt được trong công tác khuyến học, ông Triệu Tiến Thịnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về những nỗ lực của các cấp hội khuyến học trong tỉnh. Những sáng tạo trong công tác khuyến học không chỉ giúp nâng cao ý thức học tập của người dân mà còn tạo ra một môi trường giáo dục tích cực.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng các chương trình khuyến học, nhằm đưa tri thức đến gần hơn với mọi người. Công tác khuyến học không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức, mà là sự chung tay của toàn xã hội”.

Ông Triệu Tiến Thịnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác khuyến học khuyến tài, góp phần phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Chỉ khi tất cả cùng đồng lòng, những nỗ lực khuyến học mới mang lại hiệu quả cao nhất.

bi-quyet-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-o-yen-bai-4.jpg
Chương trình trao học bổng “Vạn dặm yêu thương” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường THCS&THPT Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn. Ảnh: Đức Hạnh

Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ

Gia đình được coi là “trường học đầu tiên” của mỗi người. Từ những ngày tháng đầu đời, trẻ em đã tiếp nhận những bài học đầu tiên từ cha mẹ và người thân. Những giá trị như tình yêu thương, trách nhiệm và ý thức học tập được hình thành từ chính môi trường gia đình. Để phát huy vai trò này, các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện cho con cái trong việc học tập. Điều này có thể thể hiện qua việc dành thời gian để đọc sách cùng con, khuyến khích các em tham gia hoạt động ngoại khóa và lớp học bổ trợ.

Chị Nguyễn Thị Mai (phường Yên Ninh, TP Yên Bái) chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng dành thời gian cho con mình mỗi ngày, không chỉ để kiểm tra bài vở mà còn để tạo ra không khí học tập trong gia đình. Điều này vừa giúp con học tốt vừa tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hai mẹ con”.

Nhiều gia đình ở khắp các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã xây dựng mô hình “gia đình học tập”, nơi mà việc học được coi là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày. Các gia đình này thường xuyên có những thảo luận, trao đổi kiến thức, và khuyến khích các thành viên cùng nhau học tập.

bi-quyet-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-o-yen-bai-1.jpg
Các em học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt TP Yên Bái được trao những phần thưởng khuyến khích đầu năm học. Ảnh: Đức Hạnh

Dòng họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy truyền thống học tập ở Yên Bái qua việc đưa ra những quy định và phong tục khuyến khích con cháu học tập, từ việc tổ chức các buổi họp mặt đến việc thành lập Quỹ Khuyến học - một trong những cách hiệu quả nhất. Những quỹ này được tài trợ từ các thành viên trong dòng họ, nhằm hỗ trợ cho con cháu có hoàn cảnh khó khăn. Việc cấp học bổng không chỉ giúp đỡ về mặt tài chính mà còn tạo động lực cho các em phấn đấu trong học tập.

Ông Đặng Hồng Quân, trưởng dòng họ Đặng, xã Tân Đồng (Trấn Yên) chia sẻ: “Quỹ Khuyến học của dòng họ để động viên khen thưởng các cháu học giỏi và các gia đình có nhiều phương pháp, hình thức học tập, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, không vi phạm pháp luật.

Hàng năm, dòng họ chúng tôi tổ chức phát động thi đua, đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế; vận động các gia đình đăng ký, xây dựng gia đình học tập; tạo điều kiện thuận lợi để tất cả mọi người học tập nhất là người lớn. Điều này đã góp phần tạo ra một môi trường học tập tích cực”.

Sự kết hợp giữa gia đình và dòng họ trong việc thúc đẩy học tập đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng xã hội học tập. Ông Triệu Tiến Thịnh chia sẻ: “Các cấp hội khuyến học tỉnh Yên Bái luôn khuyến khích các gia đình và dòng họ tham gia vào quá trình giáo dục. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, dòng họ và nhà trường sẽ tạo ra môi trường học tập lý tưởng không chỉ cho các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học mà còn kích thích tinh thần học tập suốt đời của cả người lớn trong gia đình, dòng họ”.

Những năm qua, với sự chủ động và sáng tạo, Yên Bái là tốp các tỉnh trong khu vực đang đi đầu về xây dựng xã hội học tập. Việc xây dựng gia đình, dòng họ học tập không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cho trẻ em trong độ tuổi học phổ thông mà còn động viên mọi thành viên trong độ tuổi lao động, trong gia đình, dòng họ đi học bổ túc văn hóa, học nghề, tìm hiểu pháp luật, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp thu khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiện, toàn tỉnh có 173 Hội Khuyến học cấp xã, 1.898 Chi hội Khuyến học, 544 Ban Khuyến học với 252.241 hội viên, có 72% gia đình, 65% dòng họ, đạt danh hiệu học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ