'Bí quyết' khích lệ trẻ

GD&TĐ - Dù trẻ đang trải qua cảm giác khó chịu hay có một ngày tồi tệ, cha mẹ có thể khích lệ con bằng một số câu nói. 

Phụ huynh cần cho thấy sự thấu hiểu đối với cảm xúc của trẻ. Ảnh minh họa: INT
Phụ huynh cần cho thấy sự thấu hiểu đối với cảm xúc của trẻ. Ảnh minh họa: INT

Cách hiệu quả nhất để nói chuyện với trẻ là sử dụng những từ ngữ và câu đơn giản. Đồng thời, cha mẹ hãy chấp nhận cảm xúc của trẻ để chúng cảm thấy mình luôn được hỗ trợ.

Trẻ em trải qua rất nhiều điều có thể khiến chúng cảm thấy choáng ngợp hoặc nản lòng. Có thể, trẻ cần vượt qua bài kiểm tra toán đáng sợ hoặc đang lo lắng về những điều liên quan đến trường học, tình trạng bắt nạt xảy ra trên sân chơi. Nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi rằng: Làm thế nào để có thể giúp trẻ vượt qua tất cả những điều đó?

“Cho phép trẻ đặt câu hỏi và trả lời trung thực về những gì đang diễn ra”, Tiến sĩ Francyne Zeltser, một nhà tâm lý học trẻ em tại Long Island, New York (Mỹ) cho biết. Điều quan trọng là phải giải quyết các câu hỏi tại sao, như: “Tại sao trẻ phải tiêm vắc-xin?” hoặc “Tại sao trẻ phải vắng mặt trong bữa tiệc sinh nhật nếu bị ốm”.

Theo TS Zeltser, nếu không chắc chắn về câu trả lời, cha mẹ hãy nói với trẻ về điều đó. Sau đó, hãy tham khảo ý kiến của người có thể giúp đỡ.

Việc cha mẹ cho phép trẻ đặt câu hỏi sẽ giúp con cảm thấy thoải mái hơn. “Hãy nhớ rằng, trẻ em giống như miếng bọt biển. Chúng hấp thụ rất nhiều những gì đang diễn ra trong môi trường của mình, ngay cả khi cha mẹ không nghĩ rằng chúng đang lắng nghe”, TS Zeltser cho biết.

Tuy nhiên, sẽ có những lúc trẻ không đặt câu hỏi hoặc phàn nàn. Song, thực tế, trẻ vẫn đang vật lộn và cần sự giúp đỡ của phụ huynh.

“Cảm xúc của con ổn”

“Trước khi đi đến điều tốt đẹp, hãy thừa nhận điều gì khiến trẻ cảm thấy chán nản và xác nhận cảm xúc của chúng”, Tiến sĩ Jaclyn Shlisky - nhà tâm lý học lâm sàng tại Boca Raton, Florida (Mỹ) cho biết.

Chuyên gia này gợi ý rằng, cha mẹ thực sự nên đào sâu vào sự tiêu cực một chút và cố gắng kiềm chế không nói “không sao đâu” hoặc “mọi chuyện đều ổn”. Bởi, cha mẹ sẽ không muốn con mình cảm thấy như thể phụ huynh đang phủ nhận suy nghĩ và cảm xúc của trẻ.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sự xác nhận là rất quan trọng vì nó có thể giúp điều chỉnh sự đau khổ, thúc đẩy khả năng học tập, củng cố bản sắc cá nhân và mang lại cảm giác gắn kết ở trẻ. Mặt khác, sự phủ nhận cho ai đó biết rằng, mô tả hoặc cảm xúc về những trải nghiệm của họ là “sai”. Điều này có thể làm gia tăng cảm xúc tiêu cực và làm hỏng các mối quan hệ.

Vì vậy, nếu trẻ ở độ tuổi mẫu giáo nói rằng, chúng buồn vì đã bỏ lỡ bữa tiệc sinh nhật, cha mẹ hãy cho con thấy là mình hoàn toàn thấu hiểu. Phụ huynh hãy nói điều gì đó như: “Mẹ cũng buồn về điều đó”. Sau đó, hãy đưa ra một tuyên bố để định hình lại cuộc trò chuyện. Phụ huynh có thể nói những câu như: “Hay là chúng ta lên kế hoạch làm đồ thủ công cho sinh nhật của bạn con? Chúng ta sẽ mang tới tặng bạn khi con cảm thấy khỏe hơn”.

bi quyet khich le tre.jpeg
Đôi khi, trẻ gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ của phụ huynh. Ảnh minh họa: INT.

“Có một tia hy vọng”

TS Shlisky khuyên các phụ huynh nên làm theo mô hình sau: Xác nhận cảm xúc; Đưa ra lời khẳng định tích cực; Tiếp tục một hoạt động để tăng sự phấn khích của con. Sau đó, phụ huynh hãy để trẻ nhận thấy tín hiệu tích cực và có hy vọng. Dù vấn đề có vẻ tồi tệ đến đâu, thì luôn có một khía cạnh tốt hoặc “tia hy vọng”.

“Điều quan trọng là trẻ có điều gì đó mới để mong đợi hầu như mỗi ngày”, TS Shlisky cho biết.

Trẻ em dựa vào thói quen có thể dự đoán được. Điều này mang lại cho chúng những điều để mong đợi và hy vọng. Vì vậy, khi trẻ phải đối mặt với sự thất vọng, việc cha mẹ đưa ra điều gì đó để con mong đợi có thể giúp các bé tiến về phía trước. Cha mẹ hãy biến điều đó thành hiện thực ngay cả khi “tia hy vọng” chỉ là một cuộc đi dạo cùng gia đình sau bữa tối, buổi xem phim ở rạp hoặc ván cờ vào giờ ăn trưa. Điều đó sẽ khiến một ngày của trẻ trở nên thú vị hơn.

“Thử lại”

TS Shlisky chia sẻ: Khi trẻ đang vật lộn với một bài tập, phụ huynh nên nói điều gì đó như: ‘Con cảm thấy mình chưa giỏi vì chưa luyện tập, nhưng càng luyện tập, con sẽ càng giỏi hơn’. Điều quan trọng là phụ huynh phải nhấn mạnh từ “chưa” và đưa ra ví dụ về điều gì đó mà cha mẹ đã vượt qua khi nỗ lực luyện tập.

Sau đó, cha mẹ cần đảm bảo nhận ra và chỉ ra điều này khi con mình đang làm việc gì đó, bất kể kết quả của trẻ như thế nào. “Ngay cả khi trẻ mẫu giáo của bạn vẫn đang vật lộn với phép trừ, hãy khen ngợi sự kiên trì của con. Sau đó, cố gắng hết sức để vui mừng cùng chúng khi cuối cùng con cũng thành công”, chuyên gia chia sẻ.

Phụ huynh được khuyên cần đảm bảo rằng mình để con được hưởng lợi từ việc vượt qua thử thách và kiềm chế sự thôi thúc muốn làm hộ trẻ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trẻ em có xu hướng ít kiên trì hơn khi cha mẹ tiếp quản một nhiệm vụ khó khăn thay chúng.

Phụ huynh cũng có thể thưởng cho con mình vì những thành tích nhỏ. Ví dụ, đối với mỗi từ khó mà trẻ vẫn viết đúng chính tả trong bài tập, cha mẹ có thể thưởng cho bé một viên kẹo.

Một số trẻ cần thêm một chút động lực. Vì vậy, nếu trẻ phụ thuộc vào phần thưởng mà cha mẹ đặt ra rồi mới hoàn thành nhiệm vụ, hãy làm những gì cha mẹ cần để giúp con. Sau đó, giảm dần phần thưởng khi trẻ bắt đầu có nhiều câu trả lời đúng hơn.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc thưởng cho trẻ khi chúng làm những nhiệm vụ mà bản thân thích có thể làm giảm sự thích thú và động lực nội tại của bé. Thay vào đó, hãy thưởng cho trẻ em khi chúng không thích hoạt động trong nhiệm vụ. Điều này có thể rất hiệu quả trong việc thúc đẩy trẻ em. Chìa khóa là thưởng ngay những món quà nhỏ. Sau đó, giảm dần tần suất thưởng khi trẻ phát triển nhiều kỹ năng và có tính độc lập hơn.

bi quyet khich le tre5.jpg
Nếu muốn con mình dũng cảm, cha mẹ phải cho trẻ thấy điều đó ở bản thân. Ảnh minh họa: INT.

“Con có thể trở nên dũng cảm”

Nếu muốn con mình dũng cảm, cha mẹ phải cho trẻ thấy điều đó ở bản thân. “Hãy cho phép con chứng kiến cha mẹ bước ra khỏi vùng an toàn của mình”, TS Shlisky nói.

Học cách đi xe đạp không có bánh phụ, trượt patin và nhào lộn là những cơ hội hoàn hảo để trẻ em rèn luyện sự dũng cảm. Nữ chuyên gia nói rằng, việc thử những điều mới mẻ khi ở bên gia đình có thể giúp trẻ dựa vào cha mẹ và anh chị em để được hỗ trợ.

Việc cha mẹ cổ vũ cho những ý tưởng sẽ giúp trẻ nhận ra rằng, chúng có thể tự giải quyết vấn đề của mình một cách hiệu quả.

Nếu là về học cách đi xe hai bánh, cha mẹ và con hãy ra ngoài sau bữa trưa mỗi ngày. Sau đó, dành vài phút đạp xe để cho trẻ thấy rằng, không có gì phải sợ. Nếu trẻ nghĩ rằng khiêu vũ khiến mình trông thật ngớ ngẩn, phụ huynh hãy tổ chức một bữa tiệc khiêu vũ với con. Cha mẹ cũng hãy khiêu vũ hết sức mình.

“Khi những khoảnh khắc mà tính cách của bạn bị thử thách trước mặt con xảy ra, hãy cho chúng thấy sức mạnh cha mẹ sở hữu để bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Phụ huynh sẽ xây dựng được cảm giác gắn kết với con và trẻ sẽ nhận ra điều đó”, TS Shlisky gợi ý.

“Tìm sự bình tĩnh của con”

Trẻ em sẽ thất vọng khi chúng muốn có thể tự mình làm một việc gì đó, đáp ứng được kỳ vọng và bị từ chối những thứ bản thân muốn. Trẻ em phải học cách đối phó với sự thất vọng và xử lý nó theo những cách hiệu quả. Vì vậy, cha mẹ hãy dành thời gian để kết nối với con, lắng nghe nỗi thất vọng và lo lắng. Đồng thời, cố gắng hiểu tại sao con mình lại cảm thấy như vậy.

Cha mẹ hãy nói những câu như: “Mẹ thấy con đang buồn” hoặc “Con trông thực sự khó chịu”. Việc thừa nhận cảm xúc của con sẽ giúp cha mẹ hiểu được cốt lõi của vấn đề khiến trẻ khó chịu. Thêm vào đó, việc đặt tên cho cảm xúc giúp trẻ biết nhận ra cảm giác mà chúng trải qua.

TS Zeltser gợi ý cách để cha mẹ giúp con có thể bình tĩnh lại khi chúng bắt đầu cảm thấy thất vọng với bài tập ở trường hoặc phải ở trong nhà vào một ngày mưa. Phụ huynh và con có thể ngồi trên chiếc ghế yêu thích, hoặc ở ghế dài để giải tỏa căng thẳng. Sau đó, cùng nhau nghe một bài hát yêu thích. Hãy hít thở sâu 10 lần trong khi nhắm mắt.

Theo chuyên gia này, tất cả các bước trên đều là những cách tuyệt vời để cả cha mẹ và trẻ cảm thấy sảng khoái. Tạo thói quen đến một nơi yên tĩnh và sử dụng chiến lược tập thiền là một công cụ tuyệt vời để trẻ học hỏi.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ