Làm bài Ngữ văn: Không được quên bước phân tích đề
Cô Hà Thị Quỳnh, Tổ trưởng bộ môn Ngữ Văn, thuộc tổ Xã hội khối THCS - Trường Phổ thông liên cấp Tây Hà Nội, giải Ba giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn cấp Quận (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Khoảng thời gian “nước rút” học sinh sẽ có tâm trạng lo lắng, căng thẳng. Nhiều em học theo kiểu cày ngày, cày đêm để mong ghi nhớ được thật nhiều kiến thức.
Tuy nhiên, để hiệu quả các học sinh cần có cách ôn tập hợp lý. Hãy đặt ra kế hoạch, những mục tiêu nhỏ để đạt được mục tiêu lớn; ví dụ mỗi ngày giải bao nhiêu đề và thực hiện đúng theo kế hoạch đã đặt ra. Thay vì học kiến thức một cách dàn trải, các em hãy tổng hợp kiến thức một cách cô đọng nhất. Thay vì cứ cắm cúi viết hết đoạn văn này đến đoạn văn khác thì hãy tìm ra “công thức” viết đoạn văn riêng cho bản thân mình.
Những lúc căng thẳng, nếu cứ ngồi học sẽ khó tiếp thu và mất thời gian. Thời gian ấy, học sinh có thể thư giãn bằng cách xem tivi những chương trình bổ ích như: Thời sự, chuyển động 24h,… Khi xem những chương trình này, học sinh sẽ tích lũy cho mình kiến thức xã hội, sưu tập cho mình những dẫn chứng xã hội phù hợp với yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội.
Học sinh cũng cần xây dựng kế hoạch tự ôn tập khoa học và thực hiện nó một cách nghiêm túc, tự giác, phải xác định mục tiêu của mình, học đúng trọng tâm và chất lượng.
Để làm bài tốt, học sinh nhất thiết không được quên bước phân tích đề. Trong bước phân tích đề, các em nên gạch ra những yêu cầu quan trọng của đề bài. Ví dụ đối với đề bài viết đoạn văn nghị luận văn học (trong phần I theo cấu trúc đề thi vào 10 môn Ngữ văn của TP. Hà Nội), học sinh cần gạch ra các thông tin: Hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp), dung lượng đoạn văn, phạm vi ngữ liệu, nội dung chính của đoạn văn, yêu cầu về kiến thức tiếng Việt.
Phân bố thời gian hợp lý cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt. Học sinh cần cân đối thời gian, không quá sa đà vào một câu nào đó, dành nhiều thời gian hơn cho những câu chiếm trọng số điểm lớn.
Sắp xếp thời gian ôn luyện, nghỉ ngơi hợp lý
Thạc sĩ Nguyễn Thu Trang, giáo viên Toán trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội, thì đặc biệt lưu ý học sinh cần cần sắp xếp thời gian ôn luyện và nghỉ ngơi một cách hợp lý.
Một ngày, học sinh có thể chia thời gian để ôn được cả ba môn. Chẳng hạn, sáng ôn Toán, chiều ôn Ngữ văn và tối ôn Tiếng Anh. Không nên ngồi bàn học quá lâu mà cần có thời gian giải lao giữa giờ để thay đổi tư thế và để cho đầu óc được thư giãn (có thể chơi thể thao hoặc đọc một mẩu truyện ngắn,…).
Học sinh nên luyện ít nhất 1- 2 đề/tuần, chú ý làm trong thời gian quy định (120 phút). Sau đó nhờ thầy cô chấm, chữa. Cần đánh dấu những chỗ nhầm lẫn hoặc sai sót trong bài làm, có thể note lại để rút kinh nghiệm cho kì thi sắp tới.
Đưa ra một số lưu ý trong kỹ năng làm bài thi, thạc sĩ Mai Ngọc Diệu nhắn nhủ học sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý; đọc kỹ đề bài, gạch chân những từ khóa quan trọng, giải quyết trọn vẹn từng ý nhỏ; làm bài cẩn thận, làm đến đâu chắc đến đấy. Hãy làm câu dễ trước, không mất thời gian cho những câu quá khó.
Chú ý đặt điều kiện cho bài toán - hình thành thói quen đặt điều kiện cho ẩn khi giải phương trình, hệ phương trình (điều kiện cho mẫu, điều kiện cho biểu thức bên trong căn bậc hai,…).
Khi giải được nghiệm thì phải đối chiếu với điều kiện để kết luận nghiệm. Khi giải toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình, cần đặt điều kiện phù hợp, đặt đơn vị cho ẩn.
Học sinh cần nhớ chính xác các công thức hay định lý khi áp dụng. Rất nhiều học sinh nhớ nhầm các công thức tính diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể tích của các hình- dẫn đến mất điểm đáng tiếc)
Về trình bày: Trình bày bài cụ thể, chi tiết, lập luận logic để tránh mất điểm; viết chữ to, rõ ràng; nếu làm sai thì nên gạch bỏ, làm lại, tuyệt đối không dùng bút xóa.
Nhiều học sinh viết các con số, ký hiệu không rõ thì rất dễ gây nhầm lẫn cho người chấm và dẫn đến mất điểm đáng tiếc.