Bí quyết giúp bé hết lười ăn

Cha mẹ cần nắm rõ thực đơn phù hợp cho từng độ tuổi, lên chế độ ăn uống khoa học để giúp bé hết lười ăn, tăng sức đề kháng.

Bí quyết giúp bé hết lười ăn

Theo Trưởng khoa dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Hậu - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), có nhiều nguyên nhân dẫn đến biếng ăn. Nếu bé đang ăn ngon mà lại không muốn ăn nữa thì mẹ phải kiểm tra xem con có bị ốm hay không. Tất cả bệnh lý cấp tính đều khiến bé không ăn được như: đau họng, cảm cúm, tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa...

Khi con rơi vào trường hợp này thì phải đến bác sĩ để chữa trị kịp thời, khi hết bệnh bé sẽ ăn ngon trở lại và bé cần được bổ sung thêm một bữa phụ trong ít nhất khoảng một tuần sau đó.

Cách khắc phục tình trạng lười ăn kéo dài

Nếu biếng ăn kéo dài, nguyên nhân có thể cha mẹ chọn chế độ ăn không phù hợp hoặc bé có bệnh lý mạn tính trong người. Ví dụ bé chưa có răng hoặc chưa đủ răng mà cho ăn đồ cứng quá dẫn đến không tiêu được. Hoặc ăn không cân đối, quá nhiều thịt, cá hay trứng cũng có thể khiến bé khó tiêu hóa, gây lười ăn.

Một số bé không đói nên không có cảm giác thèm ăn. Nói cách khác, do các bé ăn vặt nhiều quá, ăn trong vòng 2-3 giờ trước bữa chính nên không có cảm giác đói khi đến bữa chính. Vì thế, cha mẹ phải cho con ăn đúng cữ, hạn chế việc ăn vặt trước bữa chính, không ăn vặt thoải mái vào bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Thu Hậu khuyên cha mẹ phải tìm mọi cách ngăn tình trạng biếng ăn kéo dài ở trẻ.

Bác sĩ Thu Hậu khuyên cha mẹ phải tìm mọi cách ngăn tình trạng biếng ăn kéo dài ở trẻ.

Tình trạng lười ăn kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Bác sĩ Thu Hậu chia sẻ: "Khi cơ thể không đủ chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, về lâu dài tác động xấu đến miễn dịch, dần dần dẫn đến cản trở việc phát triển trí tuệ và chiều cao của trẻ. Bé dễ bị ốm và ốm sẽ lâu khỏi hơn các bé khác. Bé có nguy cơ bị thấp còi và mắc những bệnh mãn tính khi lớn tuổi".

Một số bà mẹ hiện đại chọn hướng nuôi con tự nhiên, nghĩa là không ép khi bé không muốn ăn. Nhiều trường hợp vô tình dẫn đến việc bé chậm tăng cân, thấp còi và không có sức đề kháng.

Theo bác sĩ Thu Hậu, phụ huynh cần phải kết hợp khéo léo việc lên chế độ ăn hợp lý và "thuận theo tự nhiên". Khi nuôi con không nên để xảy ra tình trạng "quá tả" hay "quá hữu". Cha mẹ cần nắm rõ ở tuổi đấy bé cần gì, ăn gì. Quan trọng nhất là phải hiểu tâm lý cũng như thói quen của trẻ để sắp xếp, lên chế độ ăn uống phù hợp.

"Nếu ép ăn quá, bé sẽ phản kháng lại. Điều này vô tình gây ra tình trạng biếng ăn tâm lý, không tốt cho việc phát triển của con. Nhưng nếu cha mẹ thoải mái cho bé ăn những gì bé muốn thì chắc chắn con sẽ ăn lung tung, chỉ đòi những thứ con thích. Mà thông thường, những thứ bé thích đều không có lợi cho sức khỏe như nước ngọt, bánh kẹo, snack, thức ăn nhanh... Phụ huynh nên hỏi ý kiến bé nhưng vẫn phải hướng con chọn trong những món cho phép", bác sĩ Hậu nói thêm.

Để bé ăn ngon và cao lớn khỏe mạnh

Để con ăn ngon, hấp thu tốt và cao lớn khỏe mạnh, bác sĩ Thu Hậu khuyên cha mẹ nên lên thực đơn theo tâm sinh lý và mong muốn của con.

Trong đó có thực phẩm cơ bản gồm nhóm thức ăn cần thiết cho hoạt động hàng ngày như: carbohydrate (tinh bột), chất đạm, chất béo, trong đó chú ý các chất béo không no có tác dụng hỗ trợ miễn dịch và phát triển trí não... và nhóm vitamin khoáng chất.

Nên bổ sung chất béo có lợi trong thức ăn từ cá, dầu cá, dầu ô liu hoặc dầu thực vật (dầu nành, hướng dương, dầu hạt cải...). Chú trọng đến nhóm vitamin và khoáng chất, trong đó có rau củ.

Nhóm sữa và chế phẩm sữa cũng rất cần thiết nhằm cung cấp đủ canxi để phòng chống loãng xương và giúp bé cao khỏe. Nhớ cho bé vận động thường xuyên, vừa sức và nghỉ ngơi đủ.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.