Bí quyết giao việc nhà để trẻ không nhàm chán mùa hè

GD&TĐ - Nghỉ hè, trẻ ở nhà cần có hoạt động cụ thể để giảm thời gian xem các thiết bị điện tử.

Trẻ tự tin hơn khi được làm việc nhà.
Trẻ tự tin hơn khi được làm việc nhà.

Chuyên gia cho rằng, một trong những cách chọn hè hiệu quả không chỉ cho cha mẹ mà cả các con, đó là giao việc nhà rõ ràng khi con ở nhà một mình.

Để không nhàm chán

Trẻ được nghỉ hè, nhiều cha mẹ để con ở nhà với tivi, máy tính. Một số gia đình quản lý bằng cách lắp camera để gọi điện, nhắc nhở con từ xa.

“Cứ hè đến, trẻ được nghỉ là ở cơ quan lại có phong trào đến giờ thì cha mẹ gọi điện nhắc con dậy ăn, nhắc con đi ngủ hay làm bài tập,… Điều này không chỉ khiến con thụ động, mà còn làm cha mẹ thêm bận rộn, ảnh hưởng đến công việc chung”, chị Phạm Hoàng Giang (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Theo chuyên gia, những công việc nhỏ trong gia đình đều có ý nghĩa đối với trẻ. Ngoài nhu cầu về tình cảm, tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ, những đứa trẻ cũng muốn chúng là những người có ích với gia đình và bạn bè. Vì thế, cha mẹ có thể giao việc nhà cho con khi được nghỉ ở nhà trong thời gian dài. Nhờ đó, không chỉ giúp con ngày càng trưởng thành, biết chia sẻ, quan tâm mà còn có thể tự tin, tự lập hơn trong cuộc sống và học tập sau này.

Cô Nguyễn Phương Thảo, giáo viên Trường Mầm non song ngữ Anh Quốc (Hà Nội) cho biết, giao việc cho trẻ sẽ giảm bớt quá trình rèn luyện lúc trưởng thành. Việc thiếu trách nhiệm đối với các công việc nhỏ sẽ ảnh hưởng đến hành vi của trẻ lúc lớn. Hơn nữa, khi nghỉ hè nếu không có thời gian biểu cụ thể sẽ khiến con dễ nhàm chán, sa đà vào các trò chơi không lành mạnh.

Tuy nhiên, muốn con làm tốt, cha mẹ cần có kỹ năng để giao việc. Nhất là không nên thúc giục con quá nhiều. Hãy lập kế hoạch và phân công nhiệm vụ rõ ràng nhưng nghiệm thu khi bố mẹ đi làm về thay vì “chỉ đạo” từ xa từng giờ, từng phút.

Theo cô Thảo, có rất nhiều sai lầm mà phụ huynh vẫn thường mắc phải khi giao việc nhà cho trẻ, nhất là thường đòi hỏi hoàn hảo ngay từ đầu.

Hãy chấp nhận rằng cách trẻ làm việc nhà sẽ không hoàn hảo, nhưng chúng sẽ trở nên tốt hơn. Với mỗi thành tích, hãy ghi nhận sự tham gia và đóng góp của con vào cuộc sống gia đình. Bằng cách để con tự làm những việc nhỏ của chúng hiện tại, bạn đang giúp con tự gánh vác những việc lớn trong tương lai.

Các thành viên đều có trách nhiệm với gia đình và với thành viên khác thông qua công việc chung. Vì thế, làm việc nhà, con sẽ học được cách hỗ trợ, liên kết và những hậu quả xảy ra khi các thành viên không đáp ứng được kỳ vọng của nhau. Qua đó, giúp trẻ biết cảm thông, đặt mình vào vị trí của người khác và những lỗi lầm sẽ dễ được tha thứ hơn.

Giao việc nhà cho trẻ có thể giúp con chia sẻ sự vất vả với người lớn. Con sẽ có thể nhận thức rõ hơn về những rắc rối hay mớ hỗn độn chúng gây nên sau khi chơi đồ chơi, hoặc sự vất vả của ông bà cha mẹ nếu chúng được giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà… Từ đó, con biết tôn trọng, giúp đỡ người khác và thêm yêu quý lao động.

Chưa kể rằng, trẻ có lịch làm việc cũng sẽ giảm thời gian nghỉ hè buồn chán hay dán mắt vào màn hình máy tính.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trao quyền thay vì ra lệnh

Theo chuyên gia, cha mẹ đừng giao việc cho con theo cách ra lệnh như “Sáng nay con phải làm việc này, chiều nay con phải làm xong việc kia, đừng để tối mẹ về còn chưa xong”,…

Cô Lê Thu Trang, giảng viên tâm lý Học viện Thanh thiếu niên cho rằng, trẻ nhỏ thường rất thích được nghe những câu mang tính trao quyền hơn là sự ra lệnh. Chẳng hạn, nếu muốn con dọn bàn ăn, đừng hét lên “dọn cơm đi”. Thay vào đó, có thể nói: “Bố mẹ cần sự giúp đỡ của con”.

Có những gia đình sử dụng danh sách công việc nhà và bàn giao trách nhiệm cho các thành viên một cách công bằng. Hãy để cho những đứa trẻ lựa chọn những việc chúng ưa thích nhất. Hoặc ngược lại là gạch bỏ những việc chúng chưa thích. Nhưng hãy đảm bảo việc đó là trong tầm kiểm soát của chúng và cần đặt sự an toàn lên trên hết.

Theo đó, cha mẹ có thể tạo một biểu đồ với ba cột: Danh sách công việc, thời hạn kết thúc, và cột ghi chú đã hoàn tất hay chưa. Bên dưới danh sách công việc có thể là chia làm hai loại, việc hàng ngày và việc hàng tuần.

Tuy nhiên, cũng như người lớn, nên để trẻ thoải mái trong hạn mức của công việc thay vì dateline dồn dập. Điều này đảm bảo trẻ vẫn thoải mái làm việc cá nhân và hoàn thành nhiệm vụ lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên cũng cần phải có sự cam kết và điều kiện đảm bảo.

Cha mẹ cũng cần giao việc cụ thể cho con. Chẳng hạn, với nội dung “dọn phòng của con”. Việc này vẫn mang tính chung chung, thực sự mơ hồ và có thể được ngụy biện theo nhiều cách. Thay vào đó, người lớn nên ghi rõ ràng bằng những hành vi cụ thể như: “Cất quần áo vào trong tủ, đặt sách lên kệ, cất hết đồ chơi vào trong giỏ, dọn rác trong phòng...” thì sẽ hiệu quả hơn.

Cô Trang cũng cho rằng, người lớn khi bàn giao công việc nên ở thái độ nhẹ nhàng. Điều này cũng khiến trẻ cảm thấy thoải mái hơn và không ghét việc này. Vì thế, cha mẹ cần chỉ bảo từng bước nhưng đừng bảo con sẽ làm như thế, mà nói cách mẹ làm như thế này, con có thể học theo. Sau đó, để con giúp vài ba khâu. Một khi con bạn đã chuyên nghiệp, hãy yên tâm để trẻ tự thể hiện.

Đặc biệt là với trẻ nhỏ, đừng chờ đợi cho đến khi công việc được hoàn tất để ca ngợi. Cha mẹ hãy đem lại nguồn cổ vũ cho một đứa trẻ trong lúc con làm việc. Điều này sẽ khích lệ chúng trở nên tự tin hơn.

Cô Trang cũng chia sẻ, có nhiều cách để việc nhà trở nên thú vị. Cha mẹ chỉ cần bỏ chút công sức và dành thời gian để cùng con thực hiện. Một số gợi ý khiến trẻ thích thú. Đó là cha mẹ có thể cắt các vòng tròn kích cỡ khác nhau bằng bìa cứng. Dùng đinh ghim gắn vào lượng công việc và số “nhân công”. Trẻ nhìn vào đó có thể nhắc việc “ngày mai đến mẹ dọn nhà”,…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.