Khi nào trẻ có thể ở nhà một mình qua đêm?

GD&TĐ - Không ít cha mẹ gặp khó khăn trong việc quyết định khi nào có thể để trẻ ở nhà một mình qua đêm.

Một số thanh thiếu niên có thể sợ bóng tối. Ảnh minh họa.
Một số thanh thiếu niên có thể sợ bóng tối. Ảnh minh họa.

Các cha mẹ thường tự hỏi về việc: Liệu trẻ đã đủ trưởng thành chưa? Liệu con sẽ đưa ra quyết định tốt khi ở một mình? Hoặc, trẻ có cảm thấy thoải mái khi ở một mình qua đêm không? Điều gì sẽ xảy ra nếu có sự cố và cha mẹ không ở đó để giúp trẻ?

Bước quan trọng

Tất cả những câu hỏi có thể lướt qua tâm trí khi các phụ huynh cân nhắc về việc đưa ra lựa chọn. Bất chấp những rủi ro tiềm ẩn, việc cho phép trẻ ở nhà một mình thực sự có thể là một bước quan trọng trong quá trình phát triển của chúng. Bởi, ở nhà một mình giúp trẻ có cơ hội chứng minh rằng, chúng có khả năng tự chăm sóc bản thân trong một thời gian ngắn. Đồng thời, giúp trẻ chuẩn bị cho cả sự tự do và trách nhiệm của cuộc sống khi trưởng thành.

Từ quan điểm thực tế, không ít cha mẹ có thể muốn để con ở nhà một mình. Khi bước vào tuổi thanh thiếu niên, trẻ thường ít muốn đi cùng cha mẹ trong mọi cuộc chơi hoặc kỳ nghỉ. Do đó, việc tìm một người chăm sóc cho một đứa trẻ 16 tuổi thực sự không dễ dàng.

Tuy nhiên, trước khi quyết định có nên đưa trẻ đến nhà ông bà ngủ qua đêm hay để chúng ở nhà một mình, phụ huynh có thể cân nhắc dựa vào một số yếu tố.

“Trẻ bao nhiêu tuổi có thể ở nhà một mình qua đêm?” là câu hỏi mà nhiều phụ huynh băn khoăn. Tại Mỹ, chỉ một số bang có luật quy định rõ ràng về độ tuổi tối thiểu mà phụ huynh có thể để con ở nhà một mình. Hầu hết các tiểu bang cho phép cha mẹ đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phụ huynh không nên chỉ đưa ra quyết định dựa trên độ tuổi của trẻ.

Một số thiếu niên 17 tuổi đủ khả năng và trách nhiệm để ở nhà một mình qua đêm. Trong khi đó, những trẻ khác có thể quá bốc đồng hoặc dễ bị áp lực từ bạn bè để sẵn sàng nhận trách nhiệm. Nói chung, hầu hết thanh thiếu niên dưới 16 tuổi chưa đủ trưởng thành để ở nhà một mình qua đêm. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải đưa ra quyết định tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Cha mẹ cần thiết lập quy tắc nếu trẻ ở nhà một mình qua đêm.

Cha mẹ cần thiết lập quy tắc nếu trẻ ở nhà một mình qua đêm.

Xem xét sự trưởng thành

Để trẻ “điều hành” ngôi nhà vài giờ trong khi cha mẹ đi mua sắm hoàn toàn khác với việc trẻ ở nhà một mình cả đêm. Có một số yếu tố cần cân nhắc khi cha mẹ quyết định xem con mình đã sẵn sàng cho bước tiến lớn này chưa. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các cá nhân trưởng thành với tốc độ khác nhau. Do đó, mức độ trưởng thành sẽ khác nhau giữa các thanh thiếu niên cùng độ tuổi.

Phụ huynh cần lưu ý tới một số dấu hiệu trưởng thành ở thanh thiếu niên. Trước hết, cần cân nhắc tới khả năng trì hoãn sự hài lòng. Nói cách khác, trẻ có thể trì hoãn việc đạt được những gì mình muốn cho đến khi chúng làm những gì cần phải làm. (Làm việc trước, chơi sau).

Ngoài ra, cần xét tới khía cạnh trách nhiệm. Trẻ phải có khả năng làm việc nhà, hoàn thành bài tập về nhà và tự mình đảm nhận các trách nhiệm khác. Nếu trẻ đã có thể chuẩn bị bữa tối, làm việc vặt hoặc chăm sóc em, điều đó tức là chúng đã sẵn sàng ở nhà một mình qua đêm.

Cha mẹ cũng cần quan tâm tới khả năng xử lý căng thẳng của trẻ. Khi xuất hiện những quyết định khó khăn hoặc các hoạt động bổ sung, kỹ năng đối phó với những yếu tố gây căng thẳng này của trẻ có thể phản ánh mức độ trưởng thành. Trẻ có sử dụng các chiến lược giải quyết vấn đề và kỹ năng quản lý thời gian để hoàn thành công việc không? Hay, trẻ trở nên lo lắng hoặc choáng ngợp, tìm đến phụ huynh và những người khác để khắc phục vấn đề?

Cha mẹ cũng cần tin tưởng rằng, trẻ sẽ làm những gì chúng cam kết thực hiện trong hầu hết các tình huống. Tất nhiên, không ai là hoàn hảo, nhưng mức độ chính trực cơ bản và tự hào về lời nói của mình là dấu hiệu cho thấy trẻ đang trưởng thành.

Ngoài ra, cần xem xét tới kỹ năng lập kế hoạch của trẻ. Liệu, trẻ có thể lên kế hoạch trước để hoàn thành mọi việc mỗi ngày không? Khi ở nhà một mình, trẻ sẽ cần kỹ năng để chuẩn bị bữa tối, khóa cửa vào ban đêm và không quên dọn phòng trong lúc cha mẹ đi vắng.

Trong trường hợp trẻ ở nhà với anh chị em lúc cha mẹ đi vắng, chúng phải có khả năng bình tĩnh xử lý các bất đồng. Phụ huynh nên quan sát liệu trẻ có làm tốt điều này hay không.

Khi nghĩ về khả năng trẻ có thể ở nhà một mình qua đêm một cách an toàn, hãy cân nhắc môt số câu hỏi. Trong đó, bao gồm: Trẻ có thể chống lại áp lực từ bạn bè không? Trẻ là người đi theo hay lãnh đạo? Nếu trẻ dễ dàng bị lung lay bởi những người bạn thích tổ chức tiệc tại một ngôi nhà không có cha mẹ, thì việc để con ở nhà một mình qua đêm có thể dẫn đến thảm họa.

Một số câu hỏi khác cần đặt ra là: Trẻ có biết cách ứng phó với trường hợp khẩn cấp không? Nhiều trường hợp khẩn cấp tiềm ẩn có thể phát sinh khi trẻ vắng mặt, từ gãy xương cho đến cháy nhà. Trẻ có thể đưa ra quyết định lành mạnh một cách độc lập khi bị căng thẳng không?

Ngoài ra, phụ huynh có thể nhờ người quen giúp giám sát trẻ không? Một người bạn hoặc thành viên gia đình có thể giám sát. Từ đó, ngăn ngừa rất nhiều vấn đề cũng như giúp cha mẹ yên tâm. Đảm bảo rằng, trẻ có số điện thoại của những người mà chúng có thể liên hệ nếu gặp bất kỳ vấn đề gì.

Phụ huynh cũng cần trả lời câu hỏi: Trẻ có sợ hãi không? Mặc dù, một số thanh thiếu niên không thừa nhận điều đó, nhưng nhiều trẻ sợ ở nhà một mình vào ban đêm. Nếu trẻ sợ bóng tối, chúng sẽ xử lý thế nào khi ở nhà một mình cả đêm? Trẻ tuân theo các quy tắc tốt như thế nào? Nếu trẻ không thể tuân theo các quy tắc khi cha mẹ ở nhà, thì khả năng cao là chúng sẽ làm vậy khi cha mẹ đi vắng. Do đó, cha mẹ cần cảm thấy tin tưởng trước khi để con mình ở nhà một mình qua đêm.

Cha mẹ nên cân nhắc về việc liệu con mình đã sẵn sàng ở nhà qua đêm một mình chưa.

Cha mẹ nên cân nhắc về việc liệu con mình đã sẵn sàng ở nhà qua đêm một mình chưa.

Cân nhắc khi trẻ có em nhỏ

Nếu còn có con nhỏ hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định của các phụ huynh. Con lớn và những đứa em của chúng có hòa thuận với nhau không? Những đứa trẻ nhỏ hơn có nghe lời anh chị không? Mức độ trưởng thành của các trẻ như thế nào? Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc yêu cầu các em cư xử đúng mực, con có thể còn gặp khó khăn hơn khi không có cha mẹ.

Việc một đứa trẻ 16 tuổi ở nhà một mình qua đêm là một chuyện. Tuy nhiên, việc chúng chăm sóc cho những đứa em của mình lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Do đó, phụ huynh hãy cân nhắc việc tìm một nơi cho các con nhỏ cùng đi trong khi để trẻ lớn tập ở nhà một mình vài lần, trước khi phải chăm sóc cả các em qua đêm. Nếu trẻ có thể xử lý việc ở nhà một mình trong thời gian dài cũng như về nhà trước giờ giới nghiêm, điều đó có nghĩa là con đã sẵn sàng ở nhà một mình cả đêm. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là giao cho trẻ thêm trách nhiệm một cách từ từ. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị cho trẻ ở nhà một mình qua đêm.

Trước tiên, hãy nói chuyện với trẻ để xem liệu chúng có cảm thấy thoải mái khi ở nhà một mình qua đêm hay không. Đây là một bước tiến lớn so với việc ở nhà một mình trong ngày. Do đó, phụ huynh hãy đảm bảo rằng, con cảm thấy tự tin trước khi xa cha mẹ.

Ngoài ra, hãy xem qua những việc cần làm trong trường hợp khẩn cấp. Đảm bảo rằng, trẻ có thông tin liên lạc của các thành viên gia đình, bạn bè và bất kỳ số điện thoại khẩn cấp nào trong danh bạ điện thoại.

Hỏi xem trẻ sẽ xử lý một số tình huống như thế nào, chẳng hạn như một người lạ đến trước cửa, chuông báo khói kêu, hoặc một người hàng xóm hỏi xem cha mẹ có nhà không. Đảm bảo rằng, trẻ có kiến thức cần thiết để giữ bản thân an toàn qua đêm. Thiết lập các quy tắc và làm cho kỳ vọng rõ ràng. Phụ huynh hãy nói rằng: “Mẹ hy vọng con vẫn ở nhà theo giờ giới nghiêm thông thường và không có bất kỳ người bạn nào đến thăm mà không có sự cho phép của mẹ”.

Phụ huynh cũng cần giải thích hậu quả trẻ phải đối mặt nếu không tuân thủ quy định. Dù là gì, hình phạt đó cũng sẽ được đưa ra trong trường hợp trẻ vi phạm lòng tin của cha mẹ. Ngoài ra, hãy xem liệu một người hàng xóm hoặc người thân có thể đến và giám sát trẻ, hay ít nhất là có mặt nếu chúng cần bất cứ thứ gì khi cha mẹ đi vắng.

Phụ huynh cần lập kế hoạch kết nối với con qua điện thoại hoặc tin nhắn. Hãy cho trẻ biết những bước cha mẹ sẽ thực hiện nếu không nhận được phản hồi từ con.

Các phụ huynh cần nhớ rằng, thanh thiếu niên chưa phải là người lớn. Họ có thể không tuân theo các quy tắc và đưa ra quyết định đúng đắn khi cha mẹ không có nhà. Nếu trẻ vi phạm các quy tắc, cha mẹ sẽ cần phải tuân theo và đưa ra hậu quả đã thảo luận với con mình.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.