Bí quyết giành 2 điểm 10 tốt nghiệp của nữ sinh Hưng Yên

GD&TĐ - Em Tạ Thị Thảo Nguyên, Trường THPT Kim Động, là thí sinh duy nhất tại Hưng Yên giành 2 điểm 10 môn Lịch sử và GDCD trong Kỳ thi tốt nghiệp 2023.

Nữ sinh Tạ Thị Thảo Nguyên, học sinh Trường THPT Kim Động, Hưng Yên. Ảnh: NVCC.
Nữ sinh Tạ Thị Thảo Nguyên, học sinh Trường THPT Kim Động, Hưng Yên. Ảnh: NVCC.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, em Tạ Thị Thảo Nguyên, học sinh Trường THPT Kim Động (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), đã xuất sắc trở thành thí sinh duy nhất trên địa bàn tỉnh đạt 2 điểm 10 môn Lịch sử và Giáo dục công dân.

Chuyển hướng trong giai đoạn nước rút

Chia sẻ về cảm xúc khi biết điểm, Thảo Nguyên nhớ lại: “Sau khi thi xong, em đã ước chừng được mức điểm của mình nhờ đối chiếu với đáp án của Bộ GD&ĐT. Khi nhận điểm, biết mình đạt 10 hai môn Lịch sử và GDCD, em vui nhưng không quá bất ngờ. Thế nhưng, khi được thầy cô thông báo em là thí sinh duy nhất đạt 2 điểm 10 của tỉnh nhà thì em vô cùng ngạc nhiên, xen lẫn là niềm hạnh phúc, tự hào trước những nỗ lực của bản thân”.

Thảo Nguyên tiết lộ, ban đầu em dự định xét tuyển theo khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Tuy nhiên, trong mấy tháng cuối ôn tập, Nguyên tự cảm thấy kiến thức môn Tiếng Anh còn yếu nên quyết định chuyển hướng sang ôn thi khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) vì Lịch sử là môn học yêu thích.

Việc thay đổi tổ hợp môn sát nút với kỳ thi, Nguyên bộc bạch em không tránh khỏi áp lực nhưng không cho phép bản thân chểnh mảng. Trong một tháng ôn thi cuối cùng, nữ sinh quyết định ôn tập tại nhà và chia thời gian khoa học cho từng môn.

“Em nghĩ không chỉ những môn tính toán mới cần tư duy mà học môn nào cũng cần phải có tư duy và phân tích, xâu chuỗi, hệ thống lại thì kiến thức mới nhớ lâu được”, Thảo Nguyên cho hay.

Với môn Địa, Nguyên nhận thấy kiến thức của bản thân chưa vững nên em dành nhiều thời gian hơn để ôn luyện những chủ đề chưa nắm chắc và luyện đề. Ở môn Sử, vốn là môn yêu thích cũng là môn Nguyên nắm khá chắc, em thường dành 1 – 2 tiếng luyện đề. Thời gian trống, em đọc lại kiến thức trong sách giáo khoa để củng cố ghi nhớ.

Nguyên chia sẻ, để việc ôn tập trong giai đoạn nước rút thì trước hết, em phải nghiêm túc học tập, nắm vững kiến thức cơ bản trong thời gian học trên lớp. Vì vậy, ở môn GDCD, em đã nắm kiến thức khá chắc từ các bài giảng của thầy cô nên trong giai đoạn ôn nước rút, em không mất nhiều thời gian để ôn lại kiến thức. Em tập trung chính vào việc luyện đề, xem lại các chủ đề còn yếu.

Lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, vốn nặng về kiến thức lý thuyết, Nguyên nói việc tập trung nghe giảng trên lớp đã giúp em rất nhiều trong việc hiểu và ghi nhớ kiến thức, không học vẹt. Về nhà, em học lại bài cũ trong ngày, làm thêm đề luyện tập để củng cố kiến thức.

Thảo Nguyên giành hai điểm 10 môn GDCD và Lịch sử. Ảnh: NVCC.

Thảo Nguyên giành hai điểm 10 môn GDCD và Lịch sử. Ảnh: NVCC.

Chìa khoá là chăm chỉ

Nhìn lại quá trình ôn luyện của bản thân, Nguyên tóm tắt bằng một tính từ, đó là “chăm chỉ”. Việc ôn thi tốt nghiệp THPT theo Nguyên là một quá trình dài hơi, đòi hỏi phải xác định và nghiêm túc từ những ngày đầu tiên. Trong quá trình đó sẽ không thiếu những lúc khó khăn, vất vả khiến bản thân nản chí hoặc chểnh mảng nên Nguyên luôn nhắc nhở mình phải giữ được sự tập trung, chăm chỉ.

“Học xong mỗi bài, em thường làm đề tự luyện trên trang web học tập ‘vungoi’. Trên đó thường cập nhật những dạng đề, câu hỏi của những năm thi gần nhất nên em sẽ tiện và hiệu quả hơn cho em khi tổng hợp đề ôn tập. Sau mỗi chương học, em thường lập sơ đồ tư duy để hệ thống lại kiến thức cả chương đó.

Còn trong tháng cuối cùng, em chỉ luyện đề theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Nhờ vậy, em có niềm tin lấy điểm 9 trở lên sẽ không khó. Để đạt điểm 10, em nghĩ còn cần sự may mắn và trạng thái tâm lý thật tốt. Giữ bình tĩnh trong phòng thi sẽ tránh mất điểm oan”, Thảo Nguyên chia sẻ.

Lựa chọn thi khối C00, đối với Thảo Nguyên, Ngữ văn là môn nữ sinh cảm thấy áp lực và dành nhiều thời gian ôn luyện nhất bởi lẽ mỗi khi ôn tập môn này, em không tránh khỏi cảm thấy buồn ngủ. Dù dậy sớm học bài hay tranh thủ mấy tiếng buổi trưa, Nguyên thường vẫn cảm thấy mệt mỏi.

Nữ sinh cho rằng cảm giác này một phần do đây là môn học em cảm thấy lo lắng nhất. Để giải tỏa áp lực tâm lý, Thảo Nguyên cố gắng đi ngủ đúng giờ, mỗi khi thấy mệt hay buồn ngủ, em sẽ tạm gác lại việc ôn tập và cho bản thân nghỉ ngơi.

Nhận xét về đề thi năm nay, Thảo Nguyên cho hay: Trong ba môn tổ hợp xét tuyển, em khá tiếc nuối ở môn Ngữ văn vì em nghĩ rằng nếu bản thân làm bài cẩn thận và chỉn chu hơn sẽ đạt kết quả tốt hơn. Ở môn này, em đạt 8,25 điểm. Với môn Địa, đề thi có độ phân hóa cao hơn mọi năm.

Dù còn một chút tiếc nuối song Thảo Nguyên bộc bạch không hối hận và cảm thấy khá thoải mái do em đã nỗ lực hết sức mình cho kỳ thi vừa qua. Hiện tại, Nguyên đang tham khảo thông tin các ngành nghề để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Nữ sinh không giấu nổi niềm hạnh phúc khi đã kết thúc 12 năm học bằng một kết quả khá ấn tượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.