Chị Nguyễn Thị Nhung (Uông Bí, Quảng Ninh) có con gái đầu năm nay 4 tuổi nhưng đã thạo việc nhà và biết giúp đỡ bố mẹ chăm em. Chị Nhung cho biết: “Mình dạy con làm việc nhà là để con sớm học hỏi được các kỹ năng, sau này ra đời không sợ khổ, ngại khó. Thêm nữa bé sẽ hình thành trách nhiệm, biết lo và hiểu cho ba mẹ hơn”.
Bé Khánh Vân mới 4 tuổi nhưng rất hào hứng giúp mẹ làm việc nhà. Ảnh: NVCC
Bé Lê Nguyễn Khánh Vân, con gái đầu của chị Nhung năm nay 4 tuổi. Mỗi ngày bé đều tự giác đánh răng rửa mặt, vệ sinh cá nhân và thay quần áo mà không cần để mẹ nhắc nhở nhiều. Chị Nhung chia sẻ bí quyết để dạy con tự giác là mẹ phải làm gương cho con. “Bé nhà mình chỉ cần bảo con nhìn mẹ dọn đồ là sau đó biết tự cất đồ chơi sau khi chơi xong. Khi mình làm việc nhà cũng cho bé ở bên cạnh để quan sát. Ban đầu là dọn đồ chơi, sau đó, mẹ làm gì là bé nhìn và làm theo được một số việc đơn giản”.
Chị Nhung cho biết, ngoài tự vệ sinh cá nhân, bé có thể làm những việc như: vo gạo cắm cơm (nhưng phải có mẹ quan sát), quét nhà (dù chưa được sạch), lau bàn tủ, lấy đồ giúp mẹ, gấp quần áo và cất đồ của hai chị em vào đúng ngăn tủ hay trông em (việc này thì bạn ấy làm khá tốt và trách nhiệm).
Chị Nhung và con gái Khánh Vân. Ảnh: NVCC
Chị Nhung cho rằng mẹ nên khuyến khích trẻ nhiều hơn và dựa trên sự tự nguyện của trẻ để giao việc. Ngoài ra, hãy thưởng cho con khi làm việc tốt để thúc đẩy nỗ lực của con.
Theo các chuyên gia, khi trẻ tích cực tham gia vào các công việc nhà sẽ xây dựng một thói quen kỷ luật theo trẻ suốt đời.
Để trẻ làm việc nhà từ sớm (khoảng từ 3-4 tuổi) sẽ có tác động tích cực đến thái độ của trẻ. Bạn sẽ dạy trẻ những bài học giá trị về cuộc sống bằng cách đem đến cho trẻ thái độ tích cực và giá trị của việc làm việc chăm chỉ.
Mách mẹ nguyên tắc dạy trẻ làm việc nhà
Đừng đưa ra quá nhiều quy tắc
Nếu bạn có quá nhiều quy tắc như: thời gian hoàn thành công việc, mức độ hoàn thành, mất bao nhiêu lâu để làm xong 1 việc,… là bạn đang dập tắt nỗ lực của trẻ đấy
Nếu tiêu chuẩn của bạn quá cao so với độ tuổi của trẻ, chúng sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng khi hoàn thành công việc. Và lần tiếp theo khi được giao làm việc nhà, khả năng bé tỏ ra bướng bỉnh là rất cao.
Dẫn dắt việc nhà bằng ví dụ
Những gì bạn có được không phải qua lời nói mà phải bằng hành động. Cha mẹ luôn phải là tấm gương cho con trẻ. Hãy luôn làm đúng dù trẻ có ở đó hay không.
Thời gian làm việc nhà của trẻ
Mỗi đứa trẻ nên làm việc nhà không quá 15-30 phút mỗi ngày.
Hãy làm cùng con
Dưới góc nhìn của một đứa trẻ, việc phải dọn dẹp phòng ngủ của mình sau giờ lên lớp thật hết sức nặng nề. Thay vào đó hãy lên lịch dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày hoặc 1 lần/tuần cho trẻ. Cùng nhau làm việc nhà giúp trẻ cảm thấy nhiệm vụ không phải là một hình phạt.
Mẹ đừng cầu toàn
Đừng quà cầu toàn về kết quả mà trẻ đạt được, con bạn chỉ là một đứa trẻ. Đừng bao giờ để trẻ nhìn thấy bạn làm lại một công việc mà chúng đã thực hiện trước đó. Khi một đứa trẻ cảm thấy thành công, chúng sẽ tiếp tục làm điều đó.
Chia nhỏ nhiệm vụ
Yêu cầu dọn dẹp phòng có vẻ quá khó khăn và chung chung với trẻ. Thay vào đó bạn hay chia nhỏ công việc như: cất gọn đồ chơi, dọn bút chì màu,… lần lượt từng việc cho đến khi căn phòng được dọn dẹp hoàn chỉnh.
Hãy nhớ đến lý do bạn dạy trẻ làm việc nhà
Mục đích quan trọng của việc dạy con làm việc nhà là dạy trẻ về kỹ năng cuộc sống chứ không phải để bạn giảm tải bớt công việc.
Thành công đi cùng với sự kiên nhẫn
Hãy dành thời gian để chỉ cho trẻ cách thành công khi làm nhiệm vụ. Nếu trẻ làm việc quá cẩu thả, bạn chỉ cần nói rằng kết quả chưa đạt yêu cầu, và yêu cầu trẻ làm lại cho đến khi thực hiện tốt.
Khen ngợi thường xuyên
Hãy khen ngợi trẻ một cách chân thành vì con rất thích điều này và con sẽ cảm thấy thích thú với công việc hơn khi được khen.