Bí quyết đạt điểm cao: Thi năng khiếu ngành sư phạm mầm non - Tự tin vượt rào

GD&TĐ - Làm thế nào để vượt qua kỳ thi năng khiếu? Thi năng khiếu có khó không và những lưu ý cần thiết dành cho thí sinh đi thi năng khiếu ngành sư phạm mầm non là gì?

Thí sinh làm thủ tục dự thi năng khiếu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương năm 2020.
Thí sinh làm thủ tục dự thi năng khiếu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương năm 2020.

Các thầy cô giáo Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ một số nội dung để các sĩ tử tự tin, mạnh dạn bước vào kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

Bình tĩnh dự thi

PGS.TS Trần Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ: Thi môn năng khiếu là điều kiện bắt buộc với ngành Sư phạm mầm non. Vẫn biết các em đều đã có sự chuẩn bị nhưng khi thi vẫn rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Để tránh những tình huống đó, thí sinh cần tự tin. Tin vào năng lực của mình, bình tĩnh dự thi. Sự tự tin và quyết tâm lớn sẽ dẫn lối để các em thành công vượt qua kỳ thi năng khiếu mà tôi cho rằng không quá khó vì đây chỉ là điều kiện đủ đối với đặc thù của ngành.

Khối sư phạm mầm non phải thi năng khiếu khối M gồm các môn: Đọc, kể diễn cảm và hát. Năng khiếu là phạm trù trừu tượng, các nội dung thi cho dù không quá khó, quá chú trọng vào năng khiếu như các trường nghệ thuật, nhưng phải đủ qua cửa ải để trở thành giáo sinh.

ThS Phạm Minh Tùng - Trưởng khoa Nghệ thuật, cho biết: Môn năng khiếu sẽ có 8 - 10 em được gọi vào dự thi mỗi đợt. Mỗi thí sinh sẽ có 15-20 phút để chuẩn bị phần nội dung thể hiện của mình. Giám khảo sẽ gọi thí sinh lên thi theo số báo danh. Mỗi em có từ 5 - 7 phút để thể hiện phần năng khiếu của mình. Với cách sắp xếp này, các em sẽ được rút kinh nghiệm từ những người thi trước và đây là lợi thế lớn. Vì thế, trong quá trình bạn của mình dự thi hãy chú ý quan sát để rút kinh nghiệm cho bản thân. “Nhưng đừng vì thế mà sao nhãng bài thi của mình, khi đã bước vào phòng thi phải tập trung cao độ để hoàn thành bài thi” – ThS Phạm Minh Tùng đặc biệt nhấn mạnh.

Các thầy cô đều khuyên thí sinh tự tin khi dự thi năng khiếu.
Các thầy cô đều khuyên thí sinh tự tin khi dự thi năng khiếu.

3 phút để “tỏa sáng”

ThS Nguyễn Thị Thúy Hợi – Giảng viên Khoa Giáo dục Mầm non, bày kinh nghiệm: Điều đầu tiên khi thực hiện bài thi, các em luôn nhớ rằng chỉ có khoảng 3 phút để “tỏa sáng” trước giám khảo. Thầy cô đánh giá khả năng mà bạn thể hiện trong 3 phút đó nên cần phải bình tĩnh, tập trung tối đa, phát huy tốt nhất khả năng của mình. Trong bài thi năng khiếu sẽ gồm 2 nội dung: Hát và Đọc kể diễn cảm. Tất nhiên hát là năng khiếu ca hát cũng như diễn cảm là khả năng của mỗi cá nhân, không phải ai cũng có. Tuy nhiên, các bạn lưu ý đây không phải thi vào trường nghệ thuật mà chỉ là môn thi năng khiếu sư phạm cần thiết cho đặc thù giáo viên mầm non nên yêu cầu cũng vừa phải.

Với nội dung thi hát, thí sinh tự chuẩn bị 1 bài hát (bất cứ thể loại nào trừ cải lương, tuồng cổ, chèo, hò). Các bài hát phải được phép lưu hành, có thể hát cả bài, hoặc 1 đoạn do cán bộ chấm thi năng khiếu yêu cầu. Các bài hát với các chủ đề như: Ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ…. (lưu ý phải thuộc lời bài hát). Thí sinh nên chọn bài hát phù hợp với chất giọng của mình, nên tham khảo ý kiến của các thầy cô dạy nhạc, hoặc những người hiểu về âm nhạc. Để đề phòng bất trắc, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn vài bài hát phụ. ThS Thúy Hợi cũng lưu ý thí sinh chú trọng về các ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, Đảng và Bác Hồ (không nên chọn bài hát thiếu nhi).

Hãy quan sát bạn dự thi để lấy kinh nghiệm cho mình.
Hãy quan sát bạn dự thi để lấy kinh nghiệm cho mình.

Tư vấn về nội dung thi Đọc kể diễn cảm, ThS Nguyễn Hoàng Anh – Giảng viên Khoa Nghệ thuật cho hay: Thí sinh sẽ bốc thăm vào 1 mã đề, tương ứng với 1 câu chuyện bất kỳ. Sau khi bốc đề, thí sinh có thời gian từ 10 -15 phút để đọc và học thuộc 1 đoạn hội thoại trong câu chuyện (ở phần này thí sinh lưu ý chỉ học thuộc có đoạn hội thoại từ 2 nhân vật trở lên trong truyện). Phần thi này, các em phải chú ý đừng để mắc lỗi từ địa phương, phát âm những âm “nặng” và “nhẹ” như ch, tr, s, x… những lỗi phát âm như vậy sẽ bị trừ điểm rất nặng. Do vậy, không chỉ trước khi bước vào thi mà hằng ngày, các em cần chú trọng chỉnh sửa những lỗi phát âm đó, để thành thói quen, phát âm chuẩn khi dự thi.

Một lưu ý của các chuyên gia tuyển sinh năng khiếu là nhiều em có thói quen trong lúc ngồi chờ thì trò chuyện với mọi người xung quanh để tăng tự tin. Nhưng khi thi năng khiếu mầm non thì điều này không nên chút nào. Thêm nữa, ngoài thể hiện rõ phần thi, các thí sinh cũng nên chú ý đến trang phục dự thi vì đây là một phần để cứu điểm cho bài thi. 

Ngành Sư phạm mầm non chỉ thi 2 môn năng khiếu là đọc, kể diễn cảm và hát. Với đặc thù môn thi năng khiếu nên sẽ có 7 - 10 thí sinh được gọi vào dự thi mỗi đợt. Sau khi vào phòng thi, thí sinh được phát đề và có 15 - 20 phút để chuẩn bị. Dựa vào số báo danh, giám khảo sẽ gọi lên kiểm tra về đọc diễn cảm và hát. Với cách sắp xếp này, ở trong phòng thi thí sinh tập trung cao độ để hoàn thành tốt bài dự thi thì ở phía ngoài các thí sinh còn lại chăm chú theo dõi để rút kinh nghiệm cho bản thân. Thậm chí có thí sinh còn hỏi han những người dự thi trước để rút ra những kỹ năng cần thiết khi thể hiện phần thi trước ban giám khảo. - TS Nguyễn Thị Hồng Vân – Trưởng khoa Giáo dục Mầm non

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.