Không nên quá áp lực
Theo thầy Diệp Văn Thiện, giảng viên Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh), chương trình đào tạo ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về âm nhạc, kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn nhạc cụ truyền thống và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo.
Theo học ngành này, sinh viên được trang bị những kỹ năng như: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ; Nghiên cứu, dàn dựng và tổ chức chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng Tây Nam Bộ; Biểu diễn nghệ thuật sân khấu cải lương, sân khấu dân gian; Nghiên cứu, dàn dựng và tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu, sự kiện và lễ hội.
Ngoài ra, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống là ngành cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về âm nhạc, kỹ thuật biểu diễn. Sinh viên ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống sau khi tốt nghiệp có cơ hội trở thành những nhạc công chuyên nghiệp, làm việc trong các đơn vị nghệ thuật hoặc tiếp tục công việc học tập lên trình độ cao hơn.
Để dự tuyển vào ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, thí sinh bắt buộc trải qua phần thi năng khiếu. Theo ThS Nguyễn Đồng Khởi, Giám đốc Trung tâm Quảng bá và Phát triển cộng đồng, thành viên Ban Tuyển sinh Trường ĐH Trà Vinh: “Năm 2021, trường tiếp tục tuyển sinh ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (mã ngành 7210210) với tổ hợp môn: N00 (Ngữ văn, Năng khiếu âm nhạc 1, Năng khiếu âm nhạc 2). Trong đó, Năng khiếu âm nhạc 1, Năng khiếu âm nhạc 2 là những nội dung thí sinh phải kiểm tra năng khiếu. Khi chọn các ngành này, các em lưu ý phải lựa chọn từ đầu các nội dung thi năng khiếu của từng chuyên ngành cụ thể”.
Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Đồng Khởi, học sinh không nên quá lo lắng, nội dung kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, chứ không phải là bài thi năng khiếu mang tính chuyên sâu. Mức độ kiểm tra sẽ phù hợp với từng chuyên ngành và quan điểm của trường là phát hiện năng khiếu, động viên sự sáng tạo, tạo thuận lợi nhất cho người học…
Trình diễn một nhạc cụ ở mức vừa phải
ThS Lâm Quang Vinh, Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh) cho biết: Các thí sinh dự thi vào ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống có yêu cầu về năng khiếu. Điều đầu tiên, các em tự cảm nhận được mình có năng khiếu nghệ thuật nào đó. Tiếp theo để tham dự xét tuyển, thí sinh phải trình diễn một loại hình nhạc cụ. Nhạc cụ có thể tự đem theo, hoặc nhạc cụ có sẵn của trường.
“Thí sinh cần lưu ý, trường tổ chức kiểm tra năng khiếu để đánh giá thí sinh phù hợp với ngành đào tạo đặc thù nên nội dung và cách thức thi chỉ ở mức vừa phải”, ThS Lâm Quang Vinh nhấn mạnh.
Các trường ĐH tuyển sinh ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống theo hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm trong học bạ và phần thi năng khiếu, với tổ hợp môn: N00 (Ngữ văn, Năng khiếu âm nhạc 1, Năng khiếu âm nhạc 2). Trong đó, Năng khiếu âm nhạc 1: Thí sinh trả lời vấn đáp với nội dung về lịch sử âm nhạc Việt Nam và lý thuyết âm nhạc cơ bản.
Để đáp ứng yêu cầu, thí sinh cần tham khảo các tài liệu như Lịch sử âm nhạc thế giới và Việt Nam; Âm nhạc cổ truyền Việt Nam; Lý thuyết âm nhạc cơ bản. Môn Năng khiếu âm nhạc 2: Hát bài hát. Yêu cầu chung của phần thi này phải hát đúng, sắc thái, chất giọng, tư thế… và tự diễn tấu 1 nhạc cụ truyền thống (thí sinh đăng ký trước loại nhạc cụ dự thi).
Theo thầy Diệp Văn Thiện, nếu muốn học tập và thành công trong ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, thí sinh cần có thêm một số yêu cầu về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng (tư tưởng vững vàng, say mê với công việc) và thường xuyên tìm tòi kiến thức trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Muốn trở thành nhạc công giỏi trong lĩnh vực biểu diễn nhạc cụ truyền thống, SV phải trang bị kiến thức cơ bản về xã hội, văn hóa Việt Nam, hiểu biết về các loại nhạc cụ nói chung cũng như kỹ năng biểu diễn âm nhạc truyền thống nói riêng. Một người muốn thành công trong ngành biểu diễn âm nhạc cần phải tự tin trên sân khấu, có kỹ năng xử lý những loại nhạc cụ truyền thống. Đặc biệt, thí sinh cần có năng khiếu và thực sự đam mê với âm nhạc; Tự tin, năng động và có khả năng giao tiếp tốt; Chăm chỉ, kiên nhẫn và sáng tạo.
Nghệ nhân Thạch Hoài Thanh, giảng viên Bộ môn Nghệ thuật, khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường ĐH Trà Vinh cho biết: Trong thời gian đào tạo ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống, sinh viên nên tận dụng tham gia biểu diễn phục vụ các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer càng nhiều càng tốt. Bởi hiện một số loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer dần mai một, người trẻ sử dụng, đam mê các loại nhạc cụ ngày một hiếm…