Nắm chắc 5 quyền cơ bản
Cô Trang nhận định: Kiến thức thi tốt nghiệp THPT có trong bài Công dân với các quyền tự do cơ bản thuộc mức độ thông hiểu và vận dụng cao. Học sinh cần nắm được khái niệm và nội dung của các quyền, biết liên hệ với thực tiễn đời sống xã hội; phân biệt những hành vi đúng pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, các quyền tự do cơ bản của công dân gồm:
1/ Quyền bất khả xâm phạm (BKXP) về thân thể của công dân
Khái niệm: Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm soát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Nội dung: Không một ai, dù ở cương vị nào có quyền tự ý bắt giam, giữ người vì những lí do không chính đáng hoặc do nghi ngờ không có căn cứ. Hành vi bắt người trái phép: Bắt giam, giữ người vì lí do không chính đáng; Do nghi ngờ không có căn cứ; Tự tiện bắt, giam, giữ người trái pháp luật.
Trong một số trường hợp cần thiết phải bắt, giam, giữ người để giữ gìn trật tự an ninh, những cán bộ Nhà nước có thẩm quyền thuộc các cơ quan sau được quyền bắt và giam giữ người: Cơ quan điều tra; Viện Kiểm soát; Tòa án và một số cơ quan có thẩm quyền.
HS cần nhớ 3 trường hợp được bắt, giam, giữ người: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội; Bắt người trong trường hợp khẩn cấp; Bắt người phạm tội quả tang hay đang bị truy nã.
2/ Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Khái niệm: Công dân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, được bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Không ai được xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác.
Nội dung: Không ai được xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe của người khác; Không ai được xâm phạm tới danh dự và nhân phẩm của người khác.
3/ Quyền BKXP về chỗ ở của công dân
Khái niệm: Chỗ ở của công dân được Nhà nước và mọi người tôn trọng, không ai được tự ý vào chỗ ở người khác nếu không được người đó đồng ý. Chỉ trong trường hợp được pháp luật cho phép và phải có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được khám xét chỗ ở của một người. Trong trường hợp này, việc khám xét cũng không được tiến hành tùy tiện mà phải tuân theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Nội dung: Việc cá nhân, tổ chức tự tiện vào chỗ ở của người khác, tự tiện khám chỗ ở của công dân là vi phạm pháp luật.
Pháp luật cho phép khám xét chỗ ở của công dân trong các trường hợp: Khi có căn cứ khẳng định chỗ ở, địa điểm của người đó có công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội hoặc có tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án. Việc khám chỗ ở, làm việc, địa điểm được tiến hành khi cần bắt người đang bị truy nã hoặc người lẩn trốn.
4/ Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín
Khái niệm: Thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nội dung: Không ai được tự tiện bóc mở, thu giữ, tiêu huỷ thư, điện tín của người khác.
Những người làm nhiệm vụ chuyển thư, điện tín phải chuyển đến tay người nhận, không được giao nhầm cho người khác, không được để mất thư, điện tín của nhân dân.
Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là quyền tự do cơ bản của công dân (thuộc loại quyền về bí mật đời tư cá nhân) được các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước và mọi người tôn trọng.
Chỉ những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và chỉ trong trường hợp cần thiết mới được tiến hành kiểm soát thư, điện thoại, điện tín của người khác.
Người nào tự tiện bóc, mở thư, tiêu huỷ thư, điện tín của người khác, tùy theo mức độ vi phạm sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
5/ Quyền tự do ngôn luận
Khái niệm: Công dân có quyền tự do phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước.
Nội dung: Quyền tự do ngôn luận của công dân được thực hiện dưới 2 hình thức: Ngôn luận trực tiếp và ngôn luận gián tiếp.
Quyền tự do ngôn luận của công dân được thực hiện ở các phạm vi khác nhau:
Trực tiếp phát biểu ý kiến tại các cuộc họp ở cơ quan, trường học, tổ dân phố nhằm xây dựng cơ quan, trường học, địa phương mình.
Có thể viết bài gửi đăng báo bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, về xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh; ủng hộ cái đúng, cái tốt, phê phán và phản đối cái sai, cái xấu trong đời sống xã hội.
Công dân có quyền đóng góp ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong dịp đại biểu tiếp xúc với cử tri ở cơ sở hoặc viết thư cho đại biểu Quốc hội trình bày, đề đạt nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm.
Mẹo ghi điểm cao
Để đạt điểm cao môn Giáo dục công dân, theo cô Trang, học sinh không cần thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như SGK. Các em hiểu được khái niệm, biết phân tích, lý giải, tổng hợp, nhận xét, đánh giá hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội.
Tiếp theo, học sinh cần nắm vững kiến thức nền tảng, chú trọng vào nội dung bài học gắn với thực tiễn đời sống, vấn đề liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ công dân. Ngoài ra, học sinh dùng phương pháp loại trừ cũng là một cách hữu hiệu để tìm ra câu trả lời đúng. Mỗi câu hỏi thường có 4 đáp án, các đáp án thường không khác nhau nhiều về mặt nội dung. Tuy nhiên vẫn có cơ sở để các em dùng phương án loại trừ bằng “mẹo”. Thay vì đi tìm đáp án đúng, các em thử tìm phương án sai, đó cũng là một cách và loại trừ càng nhiều phương án hay càng tốt.
Khi không còn đủ cơ sở để loại trừ hãy dùng cách phỏng đoán, thí sinh nhận thấy phương án nào khả thi hơn và đủ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời, đó là cách cuối cùng.
Nắm chắc từ khóa trong câu hỏi giúp học sinh định hướng câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ chìa khóa ấy, tránh bị lạc đề, nhầm dữ liệu đáp án.