Gần 200 trẻ Bắc Giang chưa đến lớp vì… trường xa

GD&TĐ - Cho rằng chuyển về trường mới việc đi lại khó khăn, nhiều phụ huynh ở thôn Cẩm Trang (huyện Hiệp Hòa) chưa cho con đi học sau lễ khai giảng.

Cơ sở vật chất trụ sở chính Trường Mầm non Mai Trung 2 đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non.
Cơ sở vật chất trụ sở chính Trường Mầm non Mai Trung 2 đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non.

Việc làm này của phụ huynh học sinh đang khiến hàng trăm trẻ chịu thiệt thòi. Trường mới thừa lớp học... trong khi nhiều trẻ được bố mẹ cho học ở điểm lẻ, sinh hoạt cả trong nhà kho.

Vận động đưa trẻ tới trường

Phản ánh tới Báo GD&TĐ, anh Nguyễn Ngọc N (thôn Cẩm Trang) cho biết, dù năm học mới 2023 - 2024 đã diễn ra 1 tháng, nhưng địa phương đang có gần 200 cháu chưa đến trường mầm non học tập.

Theo anh N, Trường Mầm non Mai Trung số 2 được xây dựng tại thôn Mai Phong cách thôn Cẩm Trang khoảng 3 km, gây khó khăn trong việc đưa các cháu đi học, xáo trộn sinh hoạt, tiềm ẩn tai nạn giao thông... Vì vậy, hầu hết trẻ ở thôn Cẩm Trang trong độ tuổi đến trường đều chưa đi học, tỷ lệ các bé đến lớp chỉ khoảng 10%…

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Đặng Thị Thành - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Trung số 2 cho biết, tổng học sinh của nhà trường là 465 em, trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi.

Trường Mầm non Mai Trung số 2 có trụ sở chính tại thôn Mai Phong và hai điểm lẻ tại các thôn Nội Xuân và Cẩm Trang. Tuy vậy, điểm lẻ tại thôn Cẩm Trang đang quá tải khi phải gồng gánh hơn 200 trẻ tại 8 nhóm lớp (trong khi cơ sở vật chất chỉ đáp ứng được 3 phòng học).

Theo bà Thành, tại thôn Cẩm Trang, nhà trường phải bố trí, ngăn thêm 3 phòng học từ nhà kho, phòng học cũ để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Thực tế, các cô giáo phải tạo vách ngăn tạm bợ, đủ một đường đi ra ngang thân người lớn để tách một phòng học cấp 4 thành hai phòng học cho các em. Bên cạnh đó, hai phòng ngủ được trưng dụng làm phòng học cho các em từ 2 đến 4 tuổi.

Còn lại hai nhóm trẻ lớp 5 tuổi sẽ được vận động sang trụ sở chính của nhà trường ở thôn Mai Phong, do ở đây còn dư 4 phòng học đủ tiêu chuẩn.

“Dù nhà trường đã tổ chức các cuộc họp, đối thoại, chia sẻ nhưng người dân chưa đồng thuận. Do vậy, huyện Hiệp Hòa chỉ đạo UBND xã Mai Trung khẩn trương xây dựng hai phòng học tại điểm trường tiểu học ở thôn Cẩm Trang. Dự kiến hoàn thành vào năm 2024 và đề nghị phụ huynh đưa các cháu 5 tuổi về học tại khu Mai Phong...”, bà Thành nói.

Vị hiệu trưởng này cho biết, thôn Cẩm Trang có gần 800 hộ dân với khoảng hơn 3.000 nhân khẩu, song chỉ có 3 phòng học mầm non và diện tích còn lại không thể xây dựng thêm. Do đó, nhà trường đã đề xuất UBND xã có phương án vận động bà con cho các em đến điểm trường chính đã được xây mới.

Cũng theo Hiệu trưởng Đặng Thị Thành, nhà trường rất lo các em thiệt thòi khi phải học bán trú tại cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục chật chội, bí bách. Bà Thành phân tích, một nhóm lớp có tới 50 - 60 trẻ không đảm bảo quy định (từ 25 - 30 trẻ/nhóm lớp). Việc ghép hai nhóm lớp làm một càng khiến việc dạy và học ảnh hưởng.

Nhà trường đã “đi tận ngõ, gõ từng nhà”, vận động các gia đình cho con đến học điểm trường chính. Tuy nhiên, một số người lại vận động bà con học điểm trường cũ với lý do gần nhà, không muốn đi xa, chấp nhận để các con học chật chội, thậm chí ở nhà cho đến 4, 5 tuổi mới tới lớp.

“Lớp 5 tuổi rất quan trọng vì sắp vào lớp 1. Việc tới lớp giúp các con học tập tư duy toán học, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng tô vẽ. Học sinh tới trường cũng xây dựng được nền nếp, kỷ luật, giao lưu với các bạn...”, bà Thành bày tỏ.

Bà Thành cũng cho hay, đến nay có khoảng 90/174 trẻ mầm non thôn Cẩm Trang (trong độ 3 - 5 tuổi) đã đến trường.

Điểm lẻ Trường Mầm non Mai Trung 2 ở thôn Cẩm Trang thiếu phòng học và cơ sở vật chất.

Điểm lẻ Trường Mầm non Mai Trung 2 ở thôn Cẩm Trang thiếu phòng học và cơ sở vật chất.

Học tập trung nhằm nâng cao chất lượng

Ghi nhận của Báo GD&TĐ cho thấy, hiện có 3 phòng học cấp 4 tại điểm lẻ Trường Tiểu học Mai Trung thuộc khu Cẩm Trang bị tháo dỡ để xây dựng lớp học cho mầm non 5 tuổi. Trong khi đó, dãy phòng học tại điểm lẻ Trường Mầm non ở Cẩm Trang chật hẹp, diện tích vui chơi và học tập hạn chế. Đơn cử như lớp 4, 5 tuổi phải dùng vách ngăn thành hai lớp nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Mịch (60 tuổi, ở thôn Mai Phong) chia sẻ, cơ sở vật chất trụ sở chính của Trường Mầm non Mai Trung số 2 rất tốt, các lớp học sạch sẽ, hiện đại, tiện lợi. Ông Mịch đánh giá về lâu dài các cháu sẽ quen đường do Trường Tiểu học Mai Trung cũng trên cùng trục đường.

Một người dân ở đầu thôn Cẩm Trang, cách điểm trường Mai Phong khoảng 2 km thì cho hay, việc đưa hai cháu đến trường không bất tiện. “Cơ sở vật chất ở ngôi trường mới khang trang, gia đình yên tâm gửi con đến học. Đi xa một chút có vất vả nhưng vì các cháu được học tập ở môi trường tốt hơn, gia đình cũng không nề hà gì...”, vị phụ huynh này nói.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, việc thu gọn lại các điểm trường lẻ về trung tâm trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Năm học 2023 - 2024, bậc học mầm non còn 329 điểm lẻ giảm 45 điểm so với năm học 2020 - 2021. Với cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024 còn 190 điểm lẻ đã giảm 72 điểm lẻ so với năm học trước.

Ông Nguyễn Văn Thêm cũng thừa nhận, việc duy trì quá lâu các điểm trường này đã dẫn đến nhiều bất cập đối với sự nghiệp GD-ĐT. “Xuất hiện tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ và phân tán. Đối với trẻ em không được học các môn chuyên biệt bắt buộc, thiệt thòi trong tham gia các hoạt động giáo dục dẫn đến chất lượng đào tạo không đồng đều, việc thực hiện công bằng trong giáo dục sẽ không được đảm bảo...”, ông Thêm nói.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng cho biết, trong quá trình thực hiện do nhiều nguyên nhân (khách quan và chủ quan), vẫn để xảy ra một số vụ việc không sáp nhập được điểm trường lẻ.

Đơn cử, thôn Huê Vận của Trường Tiểu học Bảo Sơn (huyện Lục Nam), điểm trường lẻ thôn Cầu Gỗ Tám Sào của Trường Tiên Lục (huyện Lạng Giang). Mới đây là điểm trường lẻ thôn Cẩm Trang của Trường Mầm Non Mai Trung số 2 (huyện Hiệp Hòa).

Về giải pháp, Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, sẽ tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo UBND các huyện, thành phố đánh giá thực trạng các điểm trường lẻ (về quy mô lớp, học sinh, diện tích, khoảng cách đến điểm trường chính) của các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn năm học 2023 - 2024.

Đồng thời, xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp, dồn dịch về điểm trường chính phù hợp theo quy định. Việc làm này đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, quyền lợi học tập của học sinh, phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và để bảo đảm thực hiện các điều kiện (đội ngũ, cơ sở vật chất) đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non và Chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.