|
Bố mẹ cần xây dựng và định hình cho bé thói quen và sở thích đọc sách hàng ngày - Ảnh minh họa internet. |
“Năm tôi lên 8 tuổi, tuần nào cũng như tuần nào, có một cuốn sách “bỗng nhiên” xuất hiện trong phòng tôi. Chúng thuộc nhiều thể loại, một số sách thiếu nhi, một số không phải. Tôi không thể kể với các bạn kỹ hơn được bởi vì tôi không đọc chúng. Tôi chỉ đơn giản là quen với việc nó xuất hiện trong phòng” - Christopher bắt đầu câu chuyện.
Mãi sau này Christopher mới biết, đây là “mánh” của bố anh, nhằm cải thiện thói quen lười đọc sách của con trai ham chơi. “Bố tôi vẫn tiếp tục làm thế, từ tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác. Ông chỉ nói với tôi rằng “thử liếc qua xem” - anh nhớ lại.
Quả thực, bố Reiss đã thành công khi anh cũng để mắt tới cuốn “The Lion, The Witch, and the Wardrobe” (Sư tử, Phù thủy và Tủ quần áo) của tác giả C.S. Lewis. Bố anh ngay lập tức phát hiện ra rằng con trai thực sự thích đọc sách cổ điển và viễn tưởng.
Sau một vài cuốn nữa thì Christopher thực sự “nghiện” đọc sách. Christopher liên tục đọc từ năm 9 - 10 tuổi và dễ dàng chìm đắm trong một cửa hàng sách hoặc một thư viện, thậm chí còn không biết bố đang cố giúp anh làm quen với việc đọc sách.
Câu chuyện của Christopher Reiss chia sẻ trên mạng xã hội lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh muốn sách trở thành người bạn của con. Bởi rõ ràng, lợi ích của việc đọc sách là không thể phủ nhận.
Theo các chuyên gia tâm lý, sách có tầm quan trọng đối với quá trình phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách của mỗi con người. Để các bé xem đọc sách là một niềm yêu thích, một thú vui lớn và đọc sách với tất cả niềm hứng khởi, say mê ngay từ khi còn nhỏ tuổi, bố mẹ cần phải xây dựng và định hình cho bé thói quen và sở thích đọc sách hàng ngày.
Đọc sách mang lại những lợi ích tuyệt vời cho bé nhưng để tạo thói quen này cho con không hề dễ dàng với cha mẹ. Ảnh minh họa internet |
Để làm được điều này, cha mẹ có thể tham khảo một số kinh nghiệm thành công trong việc giúp con thích đọc:
Tạo ra tủ sách nhỏ trong nhà
Muốn bé yêu sách, trước hết phải cho bé nhìn thấy thật nhiều sách, hàng ngày, ở trong gia đình. Bố mẹ “năng nhặt chặt bị”, mỗi ngày làm đầy thêm tủ sách một vài cuốn. Với các bé nhỏ tuổi, cần cho bé tiếp cận bắt đầu từ những cuốn sách bắt mắt, sinh động, nhiều màu sắc.
Đọc sách cùng con
Từ tủ sách gia đình, bố mẹ hãy tạo thói quen mỗi ngày dành ra một ít thời gian để đọc sách cho con nghe. Thời điểm lý tưởng nhất là trước khi bé đi ngủ. Các chuyên gia khuyên, bố mẹ nên đọc những cuốn sách có nội dung “dài hơi”.
Nghĩa là mỗi ngày đọc vài trang và dừng ở những cao trào để kích thích sự tò mò của bé. Ngày hôm sau, tự khắc bé sẽ hối thúc bố mẹ đọc tiếp cuốn sách đang đọc dở. Đọc sách mỗi ngày - đó là một trong những nguyên tắc khiến bé tự mê đọc sách.
Đố vui từ sách
Bản tính của các bé là rất tò mò. Bố mẹ hãy phát huy yếu tố này. “Mẹ ơi, vì sao thế này”, “bố ơi, sao lại thế kia”. Những lúc như thế, bạn hãy giúp bé tìm ra câu trả lời đồng thời phân tích cho bé hiểu chỉ có những quyển sách mới có thể giúp bé trả lời được tất cả những điều thắc mắc, khó hiểu.
Bố mẹ mê đọc, bé sẽ mê theo
Chỉ cần nhìn thấy bố mẹ đọc sách hàng ngày, điều này cũng sẽ kích thích niềm vui khi tìm đến sách của bé. Cuộc sống bận rộn, nhưng để con thực sự thích đọc sách, mẹ hãy bớt chút thời gian shopping, trang điểm. Bố cũng bớt đi một cuộc nhậu với bạn, để đọc sách. Điều này sẽ tạo ra lợi ích kép cho cả bố mẹ lẫn con trong việc bồi dưỡng tri thức nhân loại.
Không ép con đọc
Mọi sự ép buộc đều không có giá trị và không mang lại kết quả nếu thực sự các bé không muốn. Nếu suốt ngày bạn la mắng, ép buộc các bé đọc sách thì chỉ khiến chúng sợ hãi và né tránh dần các cuốn sách. Hãy để con yêu thích việc đọc sách bằng nội lực của con, đây mới là mấu chốt để tri thức nhân loại có thể “ngấm” vào đầu con và lưu lại đó lâu dài.