Bí quyết 'ẵm' huy chương Olympic của đôi bạn đất học Kinh Bắc

GD&TĐ - Phan Thế Mạnh và Nguyễn Tuấn Phong (cựu học sinh trường THPT Chuyên Bắc Ninh) chia sẻ bí quyết "ẵm" huy chương Olympic Vật lý khu vực, quốc tế.

Thầy Phạm Đình Hiệp (áo trắng) chia vui cùng hai học trò: Phan Thế Mạnh và Nguyễn Tuấn Phong.
Thầy Phạm Đình Hiệp (áo trắng) chia vui cùng hai học trò: Phan Thế Mạnh và Nguyễn Tuấn Phong.

Năm học 2022 - 2023 với nhiều kết quả nổi bật, Bắc Ninh là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về phong trào và chất lượng giáo dục. Đặc biệt, giáo dục mũi nhọn Bắc Ninh có sự phát triển vượt bậc ghi dấu bảng vàng thành tích quốc tế và khu vực.

Riêng kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, Bắc Ninh có 9 lượt học sinh được chọn vào các Đội tuyển Olympic, là tỉnh có số học sinh dự thi nhiều nhất toàn quốc. Các em đoạt giải đều là học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Trong đó có dấu ấn của đôi bạn Phan Thế Mạnh và Nguyễn Tuấn Phong.

Cụ thể, Nguyễn Tuấn Phong, lớp 12, trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) đạt Huy chương Vàng và Phan Thế Mạnh, lớp 12, trường THPT Chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) đoạt Huy chương Đồng kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế (IPhO) năm 2023.

Trước đó, Nguyễn Tuấn Phong và Phan Thế Mạnh đều đạt Huy chương Đồng Olympic Vật lí châu Á năm 2023. Với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 - 2023, Phan Thế Mạnh và Nguyễn Tuấn Phong, lớp 12 trường THPT Chuyên Bắc Ninh đều đạt giải Nhất môn Vật lí.

Đam mê Vật lý từ lúc nhỏ

Nguyễn Tuấn Phong hiện đang là sinh viên của Khoa Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Theo Tuấn Phong, em thích học Vật lý từ khi mới là học sinh lớp 7. Khi đó, em không đủ điểm vào đội tuyển Toán của trường nên thầy cô định hướng theo đuổi môn khác. Từ đó, đam mê tìm hiểu các hiện tượng tự nhiên, khám phá bí mật của vật lý giúp Phong đạt nhiều thành tích.

Đánh giá Vật lý đòi hỏi nền tảng Toán học và khả năng sáng tạo. Vì vậy, ngoài học trên lớp, em tự tìm thêm tài liệu trên mạng và tham gia các nhóm Facebook để hiểu hơn về bản chất các hiện tượng, kiến thức khó.

Nguyễn Tuấn Phong cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh.
Nguyễn Tuấn Phong cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh.

'Môn gì cũng vậy, người học phải nắm được kiến thức đơn giản rồi mới học nâng cao. Mỗi bài tập, kiến thức đều có cách giải, quan trọng là mình kiên trì tìm ra đáp án hay không. Vật lý đòi hỏi tính chính xác, logic và một chút sáng tạo, do vậy, mọi người cần bắt đầu từ từ, từng bước một, không nên vội vàng, cắt bước...", Tuấn Phong nói.

Sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên, chính mẹ đã giúp em rèn luyện tính kỷ luật, kiên trì theo đuổi kiến thức, động viên vượt qua khó khăn. Với định hướng theo ngành Vật lý, em mong trở thành chuyên gia Vật lý học trở thành giảng viên. Thời gian tới em sẽ tập trung học, thi IELTS để đủ điều kiện du học ở Hồng Kông (Trung Quốc).

Thành công từ “cái đầu lạnh”

Với Phan Thế Mạnh - cựu học sinh 12 Vật lý (Trường THPT Chuyên Bắc Ninh) hiện đang là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Nói về thành tích đạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á năm 2023 và Huy chương Đồng Olympic Vật lý quốc tế năm 2023, Mạnh cho rằng có lẽ xuất phát từ kế hoạch học tập chi tiết nhiều năm liền. Đặc biệt trong 3 năm theo học các thầy cô tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh.

Theo Phan Thế Mạnh, mỗi khi thầy cô giảng kiến thức mới thì mình lựa chọn phần quan trọng nhất để ôn tập ngay trong ngày. Phần nào khó, mình thường lên mạng xem lại clip giảng hoặc đến lớp nghe lại lời thầy cô. Ví dụ những lý thuyết khó hiểu, nhiều biến đổi, nhiều trường hợp hoặc lặp lại trong các kỳ thi, mình sẽ tự học sau đó trao đổi với bạn học.

Phan Thế Mạnh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh.
Phan Thế Mạnh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh.

"Mình thấy kiến thức gì còn khúc mắc, chưa chắc chắn thì so sánh với các bạn. Cách này giúp mình nhớ lâu kiến thức, hiểu thêm cách giải hay cũng như phát hiện thiếu sót của bản thân. Tuy nhiên, bản thân mình luôn đặt mục tiêu tập trung, cẩn thận làm lại bài tập để chắc kiến thức. Bài tập là cách để vận dụng lý thuyết, nếu học xuống thì sẽ rất nhanh quên...", Mạnh nói.

Về kinh nghiệm đi thi môn Vật lý, nam sinh nhận định, kỹ năng làm bài và tâm lý là hai yếu tố quyết định thành bại. "Theo mình kỹ năng ở đây là cách trình bày, phân bổ thời gian, hạn chế sai sót, kiểm tra lại đáp án trước khi nộp bài. Mình luôn ghi nhớ phải giữ cái đầu lạnh vì nghĩ cái gì viết cái đó sẽ dẫn tới sai lầm ngớ ngẩn, tư duy thiếu sáng suốt. Tất cả các kết luận cần sự logic, chính xác tuyệt đối do vậy dù bài khó hay bài dễ, mình luôn suy nghĩ kỹ lưỡng, dành thời gian phân chia thời gian và cố gắng trình bày dễ hiểu, chỉn chu nhất...", nam sinh chia sẻ.

Phan Thế Mạnh cũng cho biết, tương lai mong muốn trở thành lập trình viên, nhà sáng lập web, trò chơi. "Đây là quyết định đi ngược với suy nghĩ của bố mẹ. Bởi gia đình mong theo ngành công an, kinh doanh, song Mạnh theo học công nghệ thông tin để thử thách bản thân, thay đổi tư duy và mở rộng cơ hội việc làm...", Mạnh bộc bạch.

Nguyễn Tuấn Phong và Phan Thế Mạnh.
Nguyễn Tuấn Phong và Phan Thế Mạnh.

Thầy Phạm Đình Hiệp - giáo viên Vật lý (Trường THPT Chuyên Bắc Ninh) đánh giá, kết quả mà Phan Thế Mạnh và Nguyễn Tuấn Phong đạt được là đáng khích lệ; đồng thời, phản ánh phù hợp với cả một quá trình phấn đầu của thầy và trò và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý, thầy Phạm Đình Hiệp khiêm tốn cho rằng, bản thân luôn phấn đấu học hỏi đồng nghiệp và đồng hành cùng học trò. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong học tập và trong cuộc sống mà học trò gặp phải.

"Môn Vật lý là môn khoa học thực nghiệm đó là khó khăn cho học trò Việt Nam nói chung và thầy trò tôi cũng không ngoại lệ. Càng tiếp cận những cuộc thi ở cấp cao hơn thì vùng kiến thức cần chinh phục càng khó. Bản thân tôi tuy đã cố gắng học hỏi nhưng nhiều lúc cũng thấy thực sự khó khăn, vì vậy thầy và trò cùng nhau phấn đấu không ngừng để đạt được những mục tiêu...", thầy Phạm Đình Hiệp bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.