Hành trình chinh phục Huy chương Vàng Hoá quốc tế của nam sinh Chuyên Bắc Ninh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nguyễn Kim Giang, cựu học sinh 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) xuất sắc giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2023.

 Nguyễn Kim Giang hiện là sinh viên khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Nguyễn Kim Giang hiện là sinh viên khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Vinh dự khi đạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2023, Nguyễn Kim Giang trở thành sinh viên khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia HN) và mở ra cơ hội du học Mỹ để tiếp tục theo đuổi đam mê Hóa học.

Bí quyết làm chủ Hoá học

Vẫn còn lâng lâng xen lẫn tự hào khi đạt Huy chương Vàng, Kim Giang bày tỏ kỷ niệm được đi thi với các đối thủ rất mạnh từ các quốc gia giúp em tự tin hơn trong cuộc sống. Nhưng ít ai biết chàng trai quê Bắc Ninh có thành tích “khủng" này từng không thi đậu đội tuyển Toán năm lớp 7. Cơ duyên đó đưa Giang đến các kỳ thi Hóa học ở trong nước và quốc tế.

Kim Giang chia sẻ Hoá học là môn có nhiều kiến thức hấp dẫn như: nhiệt hoá học, phân tích, hữu cơ chứ không khô khan như mọi người vẫn nghĩ. Dù là học sinh lớp chuyên với lịch học nhiều nhưng Kim Giang vẫn dành thời gian về quê, thăm gia đình, đi chơi để giải toả căng thẳng.

“Sáng và chiều, mình học đội tuyển và chính khoá. Chiều muộn mình vẫn dành thời gian đi đánh cầu lông, tập gym để duy trì sức khỏe. Tối dù bận gì, mình cũng cố dành thời gian nhiều nhất để ôn lại kiến thức và làm thêm bài tập mở rộng. Ví dụ phần hóa nguyên tố thấy khá khó nên mình dành nhiều thời gian tìm ra logic, quy luật thay vì cố nhồi nhét, học thuộc. Hoá học là môn cần thời gian nên không tự áp lực…”, Kim Giang cho hay.

Theo Kim Giang, ai cũng có áp lực riêng và vì mục tiêu đoạt Huy chương nên em dành nhiều thời gian học tập nghiêm túc. Với Kim Giang, bố mẹ, thầy cô, bạn bè chính là động lực để em vượt qua khó khăn.

“Để học tốt Hoá cần thời gian, chăm chỉ và kiên trì. Khi mới bắt đầu học, ai cũng cần học kĩ cơ bản, từ đó mới nâng cao được. Mình tự học là chính vì khi vượt qua khó khăn, thử thách, cảm giác sẽ rất vui và có động lực để học tiếp. Mỗi kỳ thi là một trải nghiệm nên mình không có nhiều áp lực về tâm lý”, Kim Giang nói.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Đỗ Thu Hiền - giáo viên Hóa học Trường THPT Chuyên Bắc Ninh đánh giá, Nguyễn Kim Giang là một học sinh thông minh, chăm chỉ, có ý chí vươn lên với mục tiêu rõ ràng. Cô Hiền tin tưởng việc giành Huy chương Vàng, Kim Giang sẽ tiếp tục là người truyền cảm hứng, tạo động lực học hành cho các em học sinh khoá sau chinh phục các cuộc thi học sinh giỏi và Olympic Hóa học nói riêng.

Gắn bó nhiều năm với Giang, cô Hiền này cho rằng thành công đến với nam sinh này là từ say mê với Hoá học chứ không chỉ học để lấy thành tích. Bên cạnh đó là xuất phát từ sự nhiệt huyết, mong muốn làm chủ kiến thức của Giang cũng như sự quan tâm, gần gũi, đồng hành của gia đình, thầy cô, bạn bè trong học tập cũng như đời sống.

Theo cô Hiền, việc bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt học sinh giỏi quốc gia rất khó khăn, bởi quá trình học tập kéo dài, nhiều kỳ thi khó nhằn cũng như đòi hỏi sự tập trung, kiên trì từ cả phía giáo viên và học sinh.

Cơ chế đặc thù nâng cao chất lượng giáo dục

Theo thầy Hà Huy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, các kỳ thi học sinh giỏi luôn là mục tiêu mũi nhọn của nhà trường. Do đó, các thầy cô đều tập trung xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội tuyển ngay từ đầu năm học. Trên cơ sở đó, nhà trường, thầy cô sẽ có phương án hỗ trợ các đội thi tốt nhất.

Cô Đỗ Thu Hiền - giáo viên Hóa học Trường THPT Chuyên Bắc Ninh chia vui với học trò Nguyễn Kim Giang.

Cô Đỗ Thu Hiền - giáo viên Hóa học Trường THPT Chuyên Bắc Ninh chia vui với học trò Nguyễn Kim Giang.

Thầy Hà Huy Phương đánh giá, học sinh đi thi dù được giải hay không đều đã vượt qua chính mình, là tấm gương để các thế hệ học sinh tiếp sau của trường noi theo. Những em đạt huy chương Vàng, Bạc hay Đồng đều đem lại vinh dự, tự hào cho gia đình, nhà trường, tỉnh Bắc Ninh.

Đánh giá thêm về tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2023 của Nguyễn Kim Giang, vị hiệu trưởng này khẳng định, đây là thành tích xuất sắc mà không chỉ em mà các thầy cô đều muốn học trò hướng tới. Từ đây, nhà trường tiếp tục duy trì, nâng cao chiến lược ôn luyện trọng điểm để giành thêm nhiều thành tích cao trong thi học sinh giỏi.

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh nhấn mạnh, địa phương luôn dành sự quan tâm, đầu tư đặc biệt đối với GDĐT nói chung và công tác giáo dục mũi nhọn nói riêng.

Bắc Ninh với nhiều chủ trương, dành nhiều nguồn lực và ban hành nhiều chính sách kịp thời, phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích, động viên, tuyên dương kịp thời đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên bồi dưỡng và học sinh giỏi. Qua đó, tạo nguồn động lực cho công tác giáo dục mũi nhọn có điều kiện được phát triển, đạt nhiều thành tích.

Thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ. Đồng thời, sát sao trong công tác quản lý, chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi theo hướng gắn quyền lợi với trách nhiệm, hiệu quả công việc của các cấp cán bộ quản lý phụ trách và giáo viên trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi.

Bắc Ninh tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Đồng thời, xây dựng và tạo nguồn học sinh giỏi từ cấp THCS, chú trọng nâng cao chất lượng các trường THCS trọng điểm. Ngoài ra, đảm bảo tâm thế tốt hơn cho giáo viên, học sinh tránh áp lực, tự tin vững vàng phát huy năng lực bản thân để đạt kết quả cao nhất khi tham gia các kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).