Việc xây dựng những ứng xử thân thiện, có văn hóa cũng như nâng cao nhận thức trong cộng đồng sẽ có tác dụng ngăn ngừa, giảm bớt những hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục.
Nữ giới có nguy cơ bị quấy rối cao hơn
Theo nghiên cứu, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới.
Hầu như, họ đều quen biết người quấy rối thông qua các mối quan hệ đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới, hoặc người có khả năng chi phối, gây áp lực cho người dưới quyền. Vì ràng buộc mà người bị quấy rối không dám chống cự, hay công khai những ấm ức và tổn hại của bản thân.
Khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Navisgo 17% trong số những người được hỏi cho biết: Họ hoặc một số người họ biết từng nhận được đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc. Kết quả khảo sát này còn cho thấy 1/2 số công ty không có các chính sách phòng chống quấy rối tình dục theo quy định.
Trên thực tế, có nhiều người từng bị quấy rối tình dục song phải âm thầm chịu đựng, không dám phản kháng chỉ vì xấu hổ và sợ những lời thị phi. Chính vì vậy, những “yêu râu xanh” thường được dịp lấn tới thậm chí uy hiếp họ vì điều đó.
Những đối tượng yếu thế như sinh viên, nhân viên tập sự thường rơi vào tình huống “đành ngậm bồ hòn làm ngọt”, hoặc phải dứt áo ra đi, nếu không chấp nhận hành vi quấy rối của người có quyền lực.
Một điều dưỡng trẻ giãi bày: Em thích trở thành một điều dưỡng viên, vì vậy trong quá trình học tập em luôn nỗ lực phấn đấu. Ra trường, em được nhận vào làm ở một bệnh viện. Em luôn tự nhủ, mình phải đi lên bằng thực lực của bản thân. Thế nên, vừa đảm đương công việc em vừa lo học thêm chuyên môn.
Tuy nhiên, vừa rồi chú trưởng phòng nhân sự gọi lên và thông báo em phải đổi đi xa nhà 100 cây số. Em hốt hoảng làm đơn xin được ở lại, thì được nghe câu trả lời: “Còn tùy vào ý em thế nào. Anh đã ngầm để ý từ khi em mới vào, anh có thể rút em lên làm nhân viên phòng anh, miễn là…”.
Khi em không đồng tình thì chú tỏ ra lạnh lùng, xa cách. Em hoang mang quá, được người có địa vị như chú ngỏ lời, em cũng thấy mừng nhưng đổi tình lấy việc thì em không dám…Rõ ràng, nếu không chiến thắng cám dỗ về công việc mà vị trưởng phòng nọ đưa ra thì cô gái đó sẽ bị lạm dụng tình dục.
Nâng cao nhận thức
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải, chuyên gia tâm lý tại TPHCM cho rằng: Quấy rối tình dục ở công sở bao gồm đùa giỡn, bình luận về vấn đề tình dục, hay có những cử chỉ nhạy cảm với một ai đó, hoặc cùng bàn luận điều này về một người thứ ba, từ đó lan truyền tin đồn tình dục bằng lời nói trực tiếp, bằng tin nhắn.
Thậm chí, họ có thể dùng webcam để chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm của mình với đồng nghiệp mà họ có dụng ý quấy rối; cố tình có những cử chỉ sàm sỡ lên thân thể người khác, có những lời hẹn hò, rủ rê khiếm nhã liên quan đến vấn đề tình dục.
Đặc biệt có không ít các trường hợp những nhân viên (cả nam và nữ) bị sếp của mình yêu cầu làm việc ngoài giờ để có cơ hội quấy rối. Những người này luôn cảm thấy mình bị áp lực giữa việc họ phải buộc hoàn thành, bảo đảm mức thu nhập, cơ hội thăng tiến với lo lắng sợ bị quấy rầy, tấn công trong khoảng thời gian riêng tư.
Có những người đã chấp nhận cách yên lặng lờ đi, hay gượng gạo, miễn cưỡng nhận lời.
Cũng theo bác sĩ Lan Hải, quấy rối tình dục thường không dừng lại và hay leo thang tới việc lạm dụng tình dục. Thậm chí từ những hình ảnh nhạy cảm, họ có thể giở những thủ đoạn bỉ ổi để ép bạn hoặc tống tiền, tống tình, hoặc gây ra áp lực trong công việc. Những hành động quấy rối, lạm dụng đó còn tạo ra môi trường làm việc đầy thù địch nơi công sở.
Có nhiều người phụ nữ bị suy nhược cơ thể, mất ngủ, thu mình trong thời gian dài vì phải chịu đựng và giấu việc mình bị quấy rối, lạm dụng. Họ sợ mất danh dự, hoặc đơn giản muốn giữ một chỗ làm, do là trụ cột chính trong gia đình.
Một số khác tự xỉ vả đổ lỗi cho bản thân, có cảm giác tự khinh bỉ chính mình… Họ chưa tin vào pháp luật có thể bảo vệ được họ, vì những tội danh ấy không rõ ràng, khó có bằng chứng để tố cáo. Hậu quả để lại do lạm dụng thường ở tinh thần chứ không mấy khi để lại dấu vết trên thân thể.
Tiến sĩ Sina Fontana, Trường Đại học Tổng hợp Georg August Gottinggen (tại Đức), một người nghiên cứu về lĩnh vực này cũng đưa ra những khuyến cáo: “Để ngăn chặn quấy rối tình dục nơi công sở cần có các tiêu chí rõ ràng để phân loại. Khuyến nghị đầu tiên của tôi cho Việt Nam là cần xác định thuật ngữ quấy rối tình dục theo luật.
Thứ hai, phải thiết lập các văn phòng khiếu nại. Bên cạnh thu nhận các khiếu nại về quấy rối tình dục, văn phòng khiếu nại có thể tư vấn cho người lao động về các vấn đề này. Thứ ba, người lao động cũng cần nâng cao nhận thức của mình về hành vi quấy rối, lạm dụng.
Các cơ quan Nhà nước sử dụng lao động có trách nhiệm phải tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về nguy cơ và cách phòng tránh quấy rối tình dục trong công sở.
Cuối cùng luật hình sự của Nhà nước phải có hiệu lực cao đối với việc xử lý những người vi phạm và bảo vệ người bị hại.
Một trong những lĩnh vực nhạy cảm, đó là quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Tại nhiều nơi, giữa nam giới và nữ giới vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử theo cấp bậc và mối quan hệ quyền lực không bình đẳng. Một số phụ nữ né tránh phàn nàn về việc quấy rối tình dục, vì họ lo sợ sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực, hoặc họ cảm thấy xấu hổ.
Quấy rối tình dục có tác động tiêu cực đối với các cơ hội kinh tế của phụ nữ. Ví dụ, nếu người phụ nữ không được bảo vệ trước nguy cơ quấy rối tình dục, thay vì tố cáo/báo cáo vấn đề của mình, họ chỉ có một lựa chọn đó là từ bỏ công việc.
Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải bắt đầu lại công việc mới, bỏ lỡ cơ hội tăng lương, cơ hội phát triển nghề nghiệp và khả năng
kiếm tiền.
TS Sina Fontana, Đại học Tổng hợp Georg August Gottinggen