Bí mật những chuyến bay Bắc - Nam đầu tiên sau ngày 30/4

Hé lộ những chuyến bay Bắc - Nam đầu tiên sau ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975...

Hàng chục chuyến bay cất cánh mỗi ngày nối hai đầu đất nước - Ảnh: Hoài Thu
Hàng chục chuyến bay cất cánh mỗi ngày nối hai đầu đất nước - Ảnh: Hoài Thu

Chuyến bay Bắc - Nam đầu tiên sau ngày Độc lập

Nói về chuyến bay đầu tiên sau ngày độc lập, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, ngay sau khi Sài Gòn giải phóng, sáng 1/5/1975, đồng chí Lê Đình Ký lái chiếc trực thăng Mi-6 hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất đem theo một lá cờ Tổ quốc rất lớn để cắm trên nóc dinh Độc Lập.

Một đoàn cán bộ kỹ thuật của không quân Việt Nam lúc đó, trong đó có các cán bộ kỹ thuật của Ban kỹ thuật Lữ đoàn 919 do đồng chí Nguyễn Văn Chung dẫn đầu đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp quản Trung tâm kỹ thuật của Hàng không dân dụng chính quyền Sài Gòn.

“Đến ngày 15/5/1975, chiếc máy bay chuyên cơ IL-18 số hiệu VN195 của Hàng không dân dụng Việt Nam cất cánh từ sân bay Gia Lâm bay thẳng đến sân bay Tân Sơn Nhất lần đầu tiên đưa đồng chí Tôn Đức Thắng - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cùng Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Thanh kể lại.

Cục trưởng Cục Hàng không VN kể lại, sau ngày 30/4/1975, nhu cầu đi lại của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, cũng như nhu cầu chuyên chở cán bộ, bộ đội, thương binh, hàng hóa, thuốc men giữa hai miền rất lớn.

Những sân bay chính đã được khôi phục bảo đảm hoạt động bình thường, hệ thống thông tin liên lạc đã được sửa chữa và đảm bảo thông suốt từ Bắc vào Nam. Trung tâm Kiểm soát không lưu (ACC) Sài Gòn được đưa vào hoạt động, nghiên cứu điều chỉnh sơ đồ đường bay trên vùng trời miền Nam, quy chế kiểm soát không lưu. Các chuyến bay thường xuyên theo lịch Hà Nội - Tân Sơn Nhất - Hà Nội và Hà Nội - Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất - Đà Nẵng - Hà Nội đã bắt đầu hoạt động.

Tuy nhiên, phải đến ngày 20/3/1976, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam (11/2/1976) mới gửi tờ trình lên Hội đồng Chính phủ về việc xin mở các đường bay trong nước tuyến Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Lạt, Hà Nội - Nà Sản - Điện Biện Phủ và đề nghị sớm cho bán vé hành khách và cước hàng hóa. Đến 20/8/1976, Nhà nước đã chính thức cho phép ngành Hàng không dân dụng được bán vé hành khách và cước hàng hóa.

“Lúc này, việc bán vé mới chỉ phục vụ hạn chế đối tượng theo quy định, với nhiều thủ tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và phức tạp. Cán bộ công nhân viên, bộ đội có nhiệm vụ đi công tác phải do cấp Bộ hoặc cơ quan tương đương cử.

Hành khách là người nước ngoài phải được phép của Thủ tướng. Cán bộ, công nhân viên, bộ đội đi phép vào miền Nam (cấp Bộ và cấp tương đương cấp), nhân dân được đi phép vào miền Nam, ra miền Bắc phải do Ủy ban hành chính cấp tỉnh trở lên cấp.

Từ một ngày/chuyến đến vài phút/chuyến Bắc - Nam

Ngày 28/8/1976, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị yêu cầu “bố trí ngày nào cũng có chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM và ngược lại, trừ những ngày chủ nhật, ngày lễ; Tính toán để tổ chức vận chuyển được trên 100 hành khách/ngày trên mỗi chuyến bay để đáp ứng một phần nhu cầu công tác của cán bộ Nhà nước và một phần cho những đối tượng thuộc diện được đi máy bay”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, chúng ta thu hồi toàn bộ 282 sân bay lớn, nhỏ (gồm 9 sân bay cấp 1 với đường băng dài trên 3.000m), 81 sân bay cấp 2, 12 sân bay cấp 3 và 180 bãi hạ cánh; 11 sân bay có đường bê tông, 30 sân bay có đường băng bê tông nhựa, 53 đường băng bằng ghi sắt, 11 sân bay đường băng bằng ghi nhôm...

Sân bay Tân Sơn Nhất, Chu Lai, Đà Nẵng, Biên Hòa, Phan Rang, Tuy Hòa có 2 đường băng dùng chung cho cả Hàng không dân dụng và Không quân. Về máy bay, chúng ta thu được 14 chiếc kiểu DC (7 chiếc DC-3, 5 chiếc DC-4 và 2 chiếc DC-6) máy bay dân dụng của Air Vietnam.

Tổng số nhân viên của Nha Hàng không dân sự Sài Gòn và Air Vietnam được chính quyền cách mạng gọi ra làm việc trong ngành Hàng không dân dụng - Không quân vận tải gồm 2.166 người.

Thực tế, vào thời điểm đó, khó mà tưởng tượng việc đi lại bằng đường hàng không lại dễ dàng, thuận tiện đến như bây giờ. Từ chỗ phấn đấu ngày một chuyến vào TP HCM, đến thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, mỗi ngày có tới gần 70 chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM và ngược lại do cả 3 hãng bay Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar khai thác.

Phía cơ quan quản lý cũng nỗ lực không ngừng để rút ngắn thời gian bay trên trục Bắc - Nam. Thực tế, từ năm 2016, Cục Hàng không VN phối hợp với TCT Quản lý bay VN (VATM) đã xây dựng và đưa vào khai thác cặp đường hàng không song song, một chiều trên trục Bắc - Nam.

Theo Tổng giám đốc VATM Phạm Việt Dũng, từ đường hai chiều, tách thành hai đường một chiều, song song nên các tàu bay sẽ không lo tình huống đối đầu mà chỉ đơn thuần là tàu bay đi trước và sau. Nhờ thế mà an toàn hơn, lưu thông tốt hơn, không bị tắc nghẽn trên vùng trời.

Cùng đó, tại 2 đầu Hà Nội và TP.HCM, cơ quan chức năng cũng áp dụng phương thức dẫn đường mới RNAV1. Ông Nguyễn Quý Đôn, Trưởng Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài TP.HCM cho biết: Phương thức bay mới được hiểu như việc xếp hàng làm thủ tục check-in ở sân bay.

Khi vắng, hành khách đi thẳng trực tiếp đến nhân viên để làm thủ tục, nhưng khi đông, hành khách được hướng dẫn đi theo hàng lối đã được lập, giúp máy bay bớt phải bay vòng để chờ hạ cánh, từ đó giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Giao Thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ