Chính phủ Ai Cập đã đưa ra lời hứa với người dân vào thứ 5 vừa qua rằng họ sẽ nhanh chóng đưa vào các thiết bị tiên tiến để phục vụ cho công tác tìm kiếm lăng mộ Hoàng hậu Nefertiti. Mới đây, giới khảo cổ đã nảy sinh một giả thuyết mới, rằng lăng mộ của bà có thể là một gian nằm ẩn trong lăng mộ của Pharaông Tutankhamun ở Thung lũng các vị vua.
Lăng mộ của Pharaông Tutankhamun.
Theo giả thuyết mới được đưa ra bởi nhà Ai Cập học - Nicholas Reeves, thì khi Pharaông Tutankhamun bất ngờ qua đời năm 19 tuổi, có thể thi hài của ngài đã nhanh chóng được đưa vào yên nghỉ trong lăng mộ của Hoàng hậu Nefertiti - một trong những người vợ của Pharaông Akhenaten (cha của Pharaông Tutankhamun), cũng có nghĩa là mẹ kế của ngài.
Vì là một Pharaông nên nơi yên nghỉ của Tutankhamun nằm ở vị trí trung tâm lăng mộ còn thi hài Hoàng hậu Nefertiti được đưa lùi vào bên trong, có thể đã được ẩn giấu trong một ngách bí mật nào đó của lăng mộ.
Tượng bán thân khắc họa dung nhan Hoàng hậu Nefertiti.
Trước nay, các nhà khảo cổ chưa từng tìm thấy dấu vết lăng mộ của Hoàng hậu Nefertiti - một vị Hoàng hậu nổi tiếng trong lịch sử Ai Cập bởi nhan sắc của bà. Người ta chỉ có thể mường tượng ra nhan sắc của bà qua bức tượng bán thân khắc họa chi tiết gương mặt Hoàng hậu được tìm thấy vào năm 1912, giờ đây, bức tượng ấy trưng bày tại Viện bảo tàng Neues ở Berlin, Đức.
Kể từ năm 1922, khi tìm thấy lăng mộ của Pharaông Tutankhamun với niên đại 3.300 năm, nằm trong Thung lũng các vị vua ở gần thành phố Luxor, Ai Cập, lăng mộ này đã trở thành tâm điểm chú ý của giới khảo cổ học trên khắp thế giới. Đây cũng là một trong những địa điểm hấp dẫn du lịch hàng đầu của Ai Cập.
Giờ đây, nhà Ai Cập học Nicholas Reeves tin rằng những bức tường trong lăng mộ của Pharaông Tutankhamun có thể ẩn giấu những lối ra vào lăng mộ Hoàng hậu Nefertiti mà trước nay, người ta chưa từng biết tới.
Những cổ vật quý giá tìm thấy bên trong lăng mộ Pharaông Tutankhamun.
Giả thuyết của ông đã khiến công cuộc tìm kiếm đang có dấu hiệu chìm lắng bỗng được tiếp thêm năng lượng. Trong các người vợ của Pharaông Akhenaten, Hoàng hậu Nefertiti là người có địa vị cao nhất và được dân chúng Ai Cập biết tới, kính trọng và yêu mến nhiều nhất.
Ngay khi giả thuyết này được đưa ra, Bộ trưởng Khảo cổ Ai Cập - ông Mamdouh el-Damaty đã trả lời phỏng vấn báo chí tại Cairo rằng một kế hoạch đã được vạch ra ngay lập tức để tiến hành xác minh, tìm kiếm.
Đối với người dân Ai Cập, Hoàng hậu Nefertiti là một trong những biểu tượng nhan sắc, bà cũng là một nhân vật đại diện cho di sản văn hóa giàu có của đất nước Ai Cập.
Hoàng hậu Nefertiti từng trị vì bên chồng - Pharaông Akhenaten - ở thế kỷ 14 trước Công nguyên. Vẻ đẹp nhan sắc của bà thậm chí còn được thể hiện ngay trong chính cái tên của bà - Nefertiti trong tiếng Ai Cập cổ có nghĩa là “người đẹp đến rồi”.
Hoàng hậu Nefertiti qua đời vào khoảng năm 1330 trước Công nguyên, ở độ tuổi từ 29-38. Bức tượng bán thân khắc họa dung nhan Hoàng hậu là một trong những hiện vật nổi tiếng nhất còn tồn tại cho tới hôm nay có từ thời Ai Cập cổ đại, cùng thời với bức tượng này còn có chiếc mặt nạ của Pharaông Tutankhamun cũng rất nổi tiếng.
Mặt nạ của Pharaông Tutankhamun.
Kể từ khi xuất hiện trước công chúng lần đầu hồi năm 1923, cho tới nay, sự chính xác, cân đối đến từng đường nét nhỏ của bức tượng 3.300 năm tuổi, cũng như sự tinh tế của những chi tiết kim loại đẹp đẽ xuất hiện trên tượng, vẫn tiếp tục khiến hàng chục ngàn du khách ngưỡng mộ nhan sắc của “người đẹp sông Nile” và trình độ nghệ thuật của người Ai Cập cổ xưa.
Những cổ vật quý giá tìm thấy bên trong lăng mộ Pharaông Tutankhamun.