Cùng một loại rau, nhưng rau muống mua tại chợ có hình thức bắt mắt, ngọn tươi tốt mơn mởn còn rau muống tại viện nghiên cứu lại bị già cỗi.
Mùa đông không phải là chính vụ của rau muống, nên phần lớn rau muống tại chợ phải sử dụng thuốc kích thích, phân bón lá.
Ảnh cắt từ video của ANTV
Trả lời câu hỏi của PV, một tiểu thương chuyên kinh doanh rau cho hay: "Mùa đông, chị không bán rau muống vì không có rau ngon. Mùa này muốn rau ngon phải dùng kích thích, phun hôm trước hôm sau bán luôn".
Theo khảo sát của PV tại một ruộng rau muống lớn, mặc dù trời lạnh, sương nhiều nhưng rau muống vẫn sinh trưởng bình thường.
Chủ kinh doanh gần ruộng rau cho biết, màu đông muốn rau muống ngon, không bị chát thường phải phun thuốc, chính chị là người chứng kiến các hộ dân phun thuốc vào rau hàng ngày.
Thuốc bón GA3 dạng viên sủi làm rau muống có thể vươn cao
Tại chợ Vàng (Hoài Đức) – thủ phủ thuốc bảo vệ thực vật, các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu… được bày bán công khai. Người bán tiết lộ loại thuốc người trồng rau muống, susu thích dùng nhất là thuốc bón lá dạng viên sủi.
Ảnh cắt từ video của ANTV
Tại đây, người bán cảnh báo thuốc rất độc nên chỉ dùng chăm rau bán, không dùng để bón rau ăn. Theo các chuyên gia, thuốc kích thích dạng sủi được bán trên thị trường là GA3 có tên khoa học là Gibberellin. Hoạt chất này có tác dụng dãn nở tế bào của cây làm cây có thể vươn cao.
Th.s Nguyễn Xuân Điệp, Chuyên viên – Viện nghiên cứu rau quả cho biết: "Viên sủi là dạng thuốc kích thích, thành phần là GA3 có tến khoa học Gibberellin.
Đây là hoạt chất có tác dụng kích thích làm dãn mạch tế bào của cây, cây vươn cao. Khi phun, hàm lượng Gibberellin trong rau cao nên phải đảm bảo thời gian cách ly, tối thiểu 5 -7 ngày từ khi áp dụng đến lúc thu hoạch".
Dấu hiệu nhận biết rau muống sạch là rau có ngọn ngắn, gầy có màu xanh đậm, nước luộc có màu xanh lục tự nhiên. Rau muống nhiễm kích thích có ngọn dài bất thường, màu xanh nhạt hơn, nước luộc rau thường ngả sang màu xanh lam.