Tuy nhiên, nơi đây từng xảy ra vụ đào tẩu liều lĩnh chưa có lời giải đáp.
Cuộc vượt ngục không lời giải đáp
Nằm trên hòn đảo giữa Vịnh San Francisco, nhà tù Alcatraz được sử dụng để giam giữ tù nhân từ cuộc Nội chiến Mỹ. Đến năm 1934, trong giai đoạn cao điểm phòng chống tội phạm, Alcatraz được gia cố lại, trở thành nhà tù có an ninh tốt nhất thế giới, được mệnh danh là “Hòn đá tảng” (The Rock). Nơi đây giam giữ những tù nhân đặc biệt nguy hiểm như Al Capone, trùm mafia khét tiếng nước Mỹ, tù nhân liên bang Robert Stroud.
Vì nằm trên đảo, Alcatraz là nhà tù biệt lập, được bao quanh bởi biển Thái Bình Dương. Xung quanh nhà tù được bao bọc bởi những thanh sắt to, cứng, nhiều tháp canh có vị trí chiến lược để bao quát toàn bộ đảo. Nơi đây cũng có những quy tắc nghiêm ngặt như kiểm tra tù nhân hơn 10 lần mỗi ngày. Việc trốn thoát khỏi Alcatraz gần như là không thể.
Từ năm 1934 đến khi nhà tù đóng cửa vào năm 1963, 36 tù nhân đã thử vượt ngục 14 lần. Nhưng tất cả đều bị bắt hoặc thiệt mạng. Tuy nhiên, vẫn có 3 trường hợp ngoại lệ.
Bị bắt vì tội cướp ngân hàng, Frank Morris, Clarence Anglin và John Anglin là ba phạm nhân đã trốn khỏi Alcatraz chưa được tìm thấy. Năm 2013, một người đàn ông, tự nhận là tù nhân vượt ngục năm xưa, gửi thư tới sở cảnh sát San Francisco. Người này cho hay ba tù nhân vượt ngục xưa kia đều sống sót. Tuy nhiên, Morris đã qua đời năm 2008, còn Clarence Anglin vào năm 2011.
Bức thư có đoạn: “Tôi tên là John Anglin. Tôi đã trốn khỏi nhà tù Alcatraz cùng em trai Clarence và Frank Morris vào tháng 6/1962. Nếu lá thư này được đăng trên truyền hình, tôi chỉ bị đi tù nhiều nhất một năm và được hưởng chăm sóc y tế. Tôi bị ung thư. Tôi sẽ viết thư lại để cung cấp địa chỉ của mình. Tôi không đùa!”.
FBI cho biết bức thư không cho kết quả trùng khớp với mẫu chữ viết của ba tù nhân vượt ngục. Vì vậy, nó được tuyên bố là không có giá trị. Bức thư một lần nữa làm dấy lên câu chuyện năm xưa, về ba tù nhân trốn thoát khỏi “Hòn đá tảng” mà chưa từng bị bắt.
Sáng ngày 12/6/1962, cai tù tại Alcatraz phát hiện Frank Morris, Clarence Anglin và John Anglin không có trong phòng. Trên giường họ là những chiếc đầu giả được chế tạo khéo léo từ thạch cao, sơn màu da người, gắn tóc như người thật. Những hình nộm này đã đánh lừa lính canh vào ban đêm. Ngay lập tức, nhà tù bị phong tỏa để khám xét khẩn cấp.
FBI đã được liên hệ trợ giúp. Họ đã phỏng vấn người thân của nhóm vượt ngục, tổng hợp hồ sơ nhận dạng, phát thông báo truy bắt tại sở cảnh sát địa phương. Đồng thời, FBI cũng tìm thấy những mảnh gỗ giống mái chèo, ống nước bằng cao su, áo phao tự chế trôi dạt trên bãi biển Cronkhite.
Sau nhiều ngày điều tra, FBI, Cơ quan Cảnh sát biển Mỹ và Cục quản lý nhà tù đã phác thảo được kế hoạch đào tẩu của nhóm tù nhân với sự trợ giúp của Allen West, một trong bốn tên lên kế hoạch vượt ngục nhưng không đến kịp giờ và bị bỏ lại.
Cụ thể, từ 6 tháng trước, nhóm 4 người đã ăn trộm vật liệu để chế tạo dụng cụ khoan. Họ đục các lỗ nhỏ xung quanh ống thông gió sau phòng giam, từ đó phá thành ô trống đủ rộng để chui qua. Phía sau phòng giam là hành lang trống, không có lính canh, được họ sử dụng làm xưởng chế tạo bí mật. Nhóm ăn trộm 50 chiếc áo mưa để làm thành áo phao, bè cao su, dùng gỗ làm mái chèo. Các mấu nối được dính cẩn thận nhờ dùng sức nóng từ đường ống dẫn hơi nước trong nhà tù.
Đồng thời, họ tìm cách thoát ra khỏi nhà tù. Trần nhà cao hơn 9 mét nhưng nhóm leo lên qua hệ thống đường ống dẫn nước, cạy mở lỗ thông gió để thoát ra. Họ thay đinh vít sắt bằng đinh vít xà phòng để đánh lừa lính canh.
Đến tối ngày 11/6, Frank Morris, Clarence Anglin và John Anglin trốn thoát như kế hoạch đã lập, thu gom đồ tự chế tại xưởng và trèo qua ống thông gió trên nóc nhà tù. Sau đó, họ chạy tới lò bánh mì phía sau trại giam, trèo qua hàng rào, lẻn tới bờ biển phía Đông Bắc của hòn đảo và chèo đi. Allen West đã không đến kịp lúc vì không cạy được lưới thông gió nên bị bỏ lại.
Một năm sau cuộc vượt ngục, Alcatraz bị đóng cửa nhưng vẫn được sử dụng làm điểm tham quan. Do không thể tìm thấy tù nhân vượt ngục, FBI đã khép lại vụ án vào ngày 31/12/1979. Dù vẫn còn đó những câu hỏi rằng nhóm tội phạm có thành công đặt chân lên đất liền hay không? Bằng cách nào họ vượt qua vùng biển động Thái Bình Dương hay đã bị nhấn chìm mãi mãi.
Những hình phạt tàn bạo
Được thiết kế để giam giữ những tên tội phạm khét tiếng nhất nhì nước Mỹ vào thời điểm bấy giờ, Alcatraz nổi tiếng với những hình phạt tàn bạo, nghiêm khắc. Tên gọi “Hòn đá tảng” của nhà tù này cũng vì hai mục đích là giam giữ những tên tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và là lời cảnh báo của Chính phủ Mỹ đối với tội phạm trên khắp cả nước.
Quy tắc đầu tiên tại Alcatraz do cai ngục James A. Johnston thiết lập là im lặng. Tù nhân không được nói chuyện với nhau hoặc với lính canh trừ những trường hợp đặc biệt. Họ không được biết thông tin về thế giới bên ngoài, không được đọc sách.
Khi người ngoài vào thăm, họ bị cấm nói chuyện liên quan đến tình hình bên ngoài cho tù nhân. Các lính canh sẽ giám sát mọi cuộc hội thoại để đảm bảo không ai vượt qua giới hạn. Nếu tù nhân vi phạm, họ sẽ bị chuyển đến khu vực dành cho tù nhân vi phạm kỷ luật.
Luật im lặng đã khiến nhiều tù nhân gần như phát điên. Trong đó, Rufe Persful, xã hội đen đồng thời là cướp ngân hàng đã tự chặt đứt bốn ngón tay bằng búa sắt để được chuyển đến nhà tù khác. Một bài báo Mỹ so sánh Alcatraz với giai đoạn đêm trường tăm tối thời Trung cổ, nơi những tên tội phạm cứng rắn nhất nước Mỹ bị giam giữ dưới hệ thống kỷ luật khắc nghiệt nhất. Luật im lặng của Johnston được nới lỏng vào năm 1937.
Tại Alcatraz, khu vực nổi tiếng đáng sợ nhất là Khu D, gồm 42 phòng giam với các mức độ trừng phạt khác nhau dành cho tù nhân vi phạm kỷ luật. Họ bị đưa vào trong tình trạng khỏa thân, thức ăn kém chất lượng. Trong đó có một gian phòng tối tăm, không có nhà vệ sinh, bồn rửa mặt, chỉ có một lỗ nhỏ trên sàn nhà để đi vệ sinh.
Tù nhân bị nhốt vào đây phải chịu đựng bóng tối cả ngày, chỉ được phát tấm nệm mỏng vào đêm. Họ bị tước bỏ mọi kích thích giác quan, sự thoải mái. Hình phạt được áp dụng từ 1 - 2 ngày nhưng cũng có những người bị phạt đến 19 ngày. Một số phòng tại Khu D có tầm nhìn ra vịnh San Francisco như mỉa mai tù nhân đã mất đi sự tự do, sự tương tác với thế giới bên ngoài.
Những sự thật chưa từng được hé mở
Dù Alcatraz vang danh là nhà tù đáng sợ bậc nhất nước Mỹ, điều kiện sống tại nơi đây không quá tệ. Ví dụ, thức ăn trong nhà tù tương đối đầy đủ với thịt xông khói, thịt lợn nướng, bánh sừng bò. Tù nhân có thể ăn bao nhiêu tùy thích. Phòng giam tại đây cũng nhỏ hơn bình thường nên chỉ chứa được một tù nhân.
Không có bạn cùng phòng giam là điều mà tù nhân yêu thích vì họ hạn chế khả năng bị tấn công bởi mọi người xung quanh. Tù nhân có thể tắm với mức độ nước nóng vừa phải vì xung quanh vịnh San Francisco tương đối lạnh. Nếu bỏ trốn, tù nhân có thể không quen với mực nước bên ngoài. Điều kiện sinh hoạt tốt là lớp vỏ ngụy trang để gia tăng tính bảo mật và khả năng giam giữ tù nhân.
Nhiều lính gác tại Alcatraz đã chọn sống trên chính hòn đảo này. Họ mang theo gia đình đến đây nên nhiều trẻ em đã lớn lên cùng những tên tội phạm khét tiếng nhất cả nước. Ước tính, hơn 100 đứa trẻ đã lớn lên tại nhà tù Alcatraz.
Các em có tuổi thơ hạnh phúc khi được chơi bóng chày, thả diều, trượt patin. Trong nhà tù cũng có phòng trò chơi gồm bàn bi-a, máy hát tự động. Điểm khác biệt khi sống trên hòn đảo là khi còi báo động vang lên, lũ trẻ phải chạy thẳng về nhà. Các em bị cấm sử dụng súng đồ chơi, chơi cảnh sát bắt kẻ trộm, đi vào những khu vực cấm.
Cuộc sống tại Alcatraz cũng không chỉ xoay quanh xà lim. Tù nhân phải làm việc vì nếu buồn chán, họ có thể trở nên hung hăng và gây khó dễ cho quản lý nhà tù. Vậy nên, ngay những tội phạm nguy hiểm nhất cũng được giao việc làm.
Trong nhà tù, nhiều công việc được đưa ra nhưng chọn được nhiệm vụ phù hợp với từng tù nhân là khó khăn. Vì khi ở ngoài xã hội, họ đã không có kỹ năng làm việc. Tuy nhiên, nhiều người đã nấu ăn, dọn dẹp trong nhŕ tů, số khác sửa chữa, bảo trě bến tàu.
Đại đa số làm việc trong một nhà máy ngay trên đảo, nơi sản xuất giày dép, găng tay, thảm cao su, chổi, đồ nội thất. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tù nhân đã thể hiện nghĩa vụ với tổ quốc thông qua việc làm lưới chở hàng cho Hải quân Mỹ.
Ngoài làm việc, tù nhân được phép vui chơi. Họ có thể mượn sách từ thư viện. Ước tính, mỗi người đọc trung bình bảy cuốn sách, ba tạp chí mỗi tháng. Hai tuần một lần, những tù nhân theo đạo có thể đi lễ nhà thờ. Họ cũng chơi cờ vua, cờ cá ngựa, cờ caro và cờ domino ngoài sân.
Một trong những hình thức giải trí chính là làm vườn. Tù nhân và lính canh cùng nhau chăm sóc cây cối, biến hòn đảo trở thành “thiên đường thực vật” với các loại cây trồng, rau củ.
Nhìn chung, trái với tên gọi, Alcatraz là nhà tù tương đối yên bình. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Trong thời gian Alcatraz hoạt động, 6 tù nhân bị bắn khi đang vượt ngục, 8 người bị giết bởi các tù nhân khác.
Một trong những “trận chiến” nổi tiếng nhất tại Alcatraz là cuộc đào tẩu của tù nhân Bernard Coy vào năm 1946. Nhận thấy các thanh chắn trong phòng của lính canh tương đối rộng, có thể tẩu thoát, Coy đã giảm khoảng 9 kg để chui qua.
Ngày 2/5, Coy và 5 đồng phạm đánh ngất một lính canh, đánh cắp chìa khóa của anh này và lẻn vào phòng chứa súng. Kế hoạch bất thành vì Coy bị phát hiện nhưng ông cố thủ trong phòng chứa súng.
Trong 48 giờ tiếp theo, Coy liên tục nổ súng vào lính canh. Quân đội đã phải phóng lựu đạn vào phòng chứa để tiếp cận. Đến ngày 4/5, họ xông vào phòng giam. Ba trong sáu tù nhân bị kết tội tử hình. Sự việc khiến 12 lính canh bị thương, 2 người khác thiệt mạng.