Bí mật của xung vô tuyến tốc độ cao

GD&TĐ - Xung vô tuyến tốc độ cao (FRB) là những sóng vô tuyến nhanh (kéo dài vài mili giây) có nguồn gốc không rõ ràng. Nguồn phát ra FRB nằm ở đâu đó ngoài Dải Ngân hà, tuy nhiên nguyên nhân thật sự phát ra FRB thì vẫn còn là bí mật.   

Kính viễn vọng điện từ CHIME
Kính viễn vọng điện từ CHIME

Cho đến nay, đã có vài chục FRB được phát hiện, trong đó có một xung lặp lại. Vừa qua, một nhóm các nhà thiên văn học Canada lại quan sát được 13 xung FRB nữa.

Các tín hiệu được phát hiện thông qua Kính viễn vọng điện từ CHIME của Canada. Bảy xung FRB có tần số rất thấp. Điều đó có thể chứng tỏ rằng còn có những xung tần số thấp hơn mà chúng ta chưa thể phát hiện.

Tiến sĩ Andrzej Kotarba ở Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, đánh giá: “Các xung FRB chỉ kéo dài trong vài phần nghìn giây. Đến nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện vài chục xung FRB, mặc dù theo ước tính trong một ngày đêm chúng có thể xuất hiện 10.000 lần trên bầu trời. Hầu như tất cả các xung đó chỉ được ghi nhận một lần”.

Tạp chí Nature (Anh) cho biết, đây là lần thứ hai trong lịch sử khi xung FRB lặp lại tại cùng một vị trí trên bầu trời. Đây là thông tin rất quan trọng đối với các nhà vật lý thiên văn.

Giới khoa học cho rằng, xung FRB hình thành trong các quá trình kéo dài. Tuy nhiên, họ vẫn chưa rõ các xung FRB gây ra hiện tượng gì. Ngoài môi trường khoa học, tất nhiên, cũng xuất hiện những ý kiến cho rằng ở đây có sự tham gia của nền văn minh ngoài hành tinh.

“Dường như chúng ta đang tiếp xúc với hiện tượng mới, gây ra bởi các đối tượng có khối lượng và khối lượng riêng khổng lồ (lỗ đen, sao neutron). Đó cũng là những hiện tượng năng lượng cao - trong vòng vài phần nghìn giây giải phóng ra năng lượng bằng số năng lượng mà Mặt trời giải phóng ra trong vòng 80 - 100 năm! Các nhà khoa học cũng cho rằng, nguồn gốc các xung này ở đâu đó ngoài thiên hà. Xung FRB được miêu tả trên tạp chí Nature xuất phát từ một nơi cách chúng ta 1,6 tỷ năm ánh sáng” - Tiến sĩ Kotarba nói.

Tiến sĩ Jan Skowron ở Đài Quan sát thiên văn của ĐH Warsaw (Ba Lan) cho rằng, việc phát hiện ra các xung FRB mở ra cơ hội mới cho nghiên cứu thiên văn. Đặc biệt việc phát hiện các xung FRB tại cùng một vị trí trên bầu trời, chứng tỏ nguồn phát không phải là sự kiện một lần, như vụ nổ siêu tân tinh chẳng hạn, mà là đối tượng tồn tại lâu dài nào đó.

“Những quan sát FRB mới mở ra cơ hội nhận biết bản chất quá trình này” - Tiến sĩ Jan Skowron cho biết.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.