Bí mật của sự sống

GD&TĐ - Sự sống và cái chết là quy luật tất yếu, là lẽ thường tình của con người.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dù khoa học tiến bộ, một số hiện tượng xảy xa xung quanh một người sắp chia tay với sự sống vẫn còn nằm sau bức màn bí mật thu hút sự tò mò và suy đoán của nhiều người...

Dấu hiệu... chạm ngưỡng hoàng hôn

Trừ những trường hợp chết vì bị tai nạn đột ngột và những bệnh lý gây đột tử, nhìn chung con người chết vì già. Tất cả đều diễn ra một cách tự nhiên theo quy luật chung. Sau đây là các biểu hiện thường thấy ở một người chạm ngưỡng hoàng hôn của cuộc đời và sắp xa rời sự sống:

- Đau đớn: Là biểu hiện thường gặp, nhất là những người bị ung thư ở giai đoạn cuối. Họ lịm dần trong tiếng rên của sự đau đớn trước khi nhẹ bước vào cõi Thiên Thai. Tất nhiên, các phương tiện y học và thuốc men giúp cho họ rời xa sự sống trong sự dễ chịu nhất với các điều kiện có thể và cho phép.

- Lo lắng: Trạng thái lo lắng xuất hiện cũng thường gặp. Trong bóng hoàng hôn của những ngày cuối cuộc đời có một số người còn lắm việc gây ra sự lo lắng. Thậm chí chờ đợi một cơn đau, một cơn khó thở sắp xảy ra cũng làm cho lo lắng.

- Thở khó: Người sắp xa “cõi tạm” thở một cách mệt mỏi, gấp gáp, cánh mũi phập phồng, lồng ngực nhấp nhô, môi bạc màu, sắc tím vì sự thiếu không khí, thiếu oxy trong máu. Một số có hiện tượng thở “ngáp cá” báo hiệu giây phút lìa đời sắp xảy ra ngay sau đó.

- Táo bón: Táo bón xảy ra vì nằm lâu, ít hoạt động, nhu động ruột giảm ăn uống kém, thiếu thức ăn có nhiều chất xơ. Nhiều loại thuốc giảm đau cũng gây liệt ruột và táo bón.

- Chán ăn và khát nước: Chán ăn, uống vì sự đau đớn và mệt mỏi. Nhiều người khó thở phải há miệng để thở nên môi thường khô và luôn có cảm giác khát, nên thường xuyên phều phào gọi... nước.

- Không kiểm soát tiểu tiện và đại tiện: Đa số không kiểm soát được, nên ỉa trây, đái dầm vì thể trạng suy kiệt, các cơ quan không còn đảm bảo được chức năng hoạt động và khuynh hướng “giải phóng” của cơ thể.

- Thờ ơ ngoại cảnh: Người sắp chết thường thờ ơ với ngoại cảnh và với những người xung quanh. Trong thời khoảng này, họ mang tính hướng nội và tách biệt với mọi người.

- Chân tay lạnh dần: Do tim không còn đủ sức cung cấp máu để truyền năng lượng làm ấm cơ thể. Ở người sắp chết và khi tim ngừng đập tứ chi sẽ lạnh dần.

- Ngáp cá: Khi các phản xạ yếu dần, đờm dãi ứ đọng trong cổ họng, người bệnh cố hết sức để đưa không khí vào đường hô hấp. Do đó, tạo ra những tiếng nấc cuối cùng của cuộc đời. Đó là hiện tượng ngáp cá lúc hấp hối chuẩn bị lìa trần.

Hồi quang phản chiếu

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hiện tượng người bệnh nặng, không ăn không uống, không nói lời nào và thậm chí hôn mê, đột nhiên tỉnh táo, thèm ăn, ăn nhiều, cảm giác khỏe hơn, nói năng linh hoạt trước khi tất cả mọi dấu hiệu sinh tồn đều ngưng vĩnh viễn được gọi là hiện tượng hồi quang phản chiếu hay hiện tượng hồi dương của con người trước khi “cưỡi hạc quy tiên”. Đây là hiện tượng mà người ta ví như ngọn đèn chợt lóe sáng trước khi tắt.

Hiện tượng hồi tỉnh trước khi chết có thể xem như là đặc ân của Tạo hóa để cho một người sắp sửa lìa trần được nói lời trăn trối, dặn dò và tạm biệt mọi người. Hiện tượng này chỉ kéo dài trong một vài giờ hoặc ngắn ngủi trong vài chục phút. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thiết về hiện tượng này, nhưng xem ra không có giả thiết nào là thuyết phục nhất.

Có giả thiết cho rằng, con người gồm phần xác và phần hồn. Khi một người sắp chết phần hồn sẽ dần rời khỏi cơ thể trước tiên là ở các khu vực bụng, chân tay và cuối cùng là bộ nào và trái tim. Khi trí não không còn sự ràng buộc nào về vật chất sẽ trở nên linh hoạt và thông tuệ một cách đặc biệt.

Có giả thiết thiên về... tình cảm. Lúc con người cận kề cái chết cũng là lúc sự khao khát được sống lại bùng lên một cách mạnh mẽ và muốn để lại những dấu ấn và tình cảm tốt đẹp với người thân và tiết lộ những điều bí mật mà họ đã giấu kín trong tim nhiều năm qua và thậm chí che giấu gần suốt cả một đời người.

Các nghiên cứu ở người bệnh sa sút trí tuệ đều đi đến kết quả có một số người bệnh (chiếm khoảng 10%) ở giai đoạn cuối cuộc đời bỗng trở nên sáng suốt một cách bất thường.

Hiện tượng người chết… sống lại

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hiện tượng người chết sống lại hay người về từ cõi chết đến nay vẫn còn nằm sau bức màn bí mật. Những người kể về chuyện này theo sự hiểu biết khác nhau và tất cả đều mang màu sắc tâm linh đầy bí ẩn.

Về y học, khi tim ngừng đập thì cái “chết lâm sàng” mới chỉ bắt đầu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà quá trình diễn ra cái “chết thực sự” nhanh hay chậm. Các trường hợp có thân nhiệt hạ thấp, quá trình này diễn ra sẽ chậm hơn. Khi bắt đầu cái chết, một số cơ quan trong cơ thể chấm dứt hoạt động, nhưng một số khác vẫn cứ hoạt động.

Các nhà nghiên cứu phương Tây đưa ra giả thiết về việc làm lạnh trong nhà xác đã giúp cho tế bào của các cơ quan đang chết có cơ hội… chết chậm, tế bào của cơ quan chưa chết vẫn duy trì sự hoạt động. Điều này giúp gia tăng khả năng tự phục hồi. Nhờ vậy mà lưỡi hái tử thần sượt qua để một người tưởng như đã chết về lại với sự sống một cách diệu kỳ.

Nhiều giải thích khác về hiện tượng người chết sống lại mang tính tâm linh mà những người nghe kể tin hay không tin thì tùy thuộc vào niềm tin vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ