Bí mật của người dì độc thân

GD&TĐ - Từ nhỏ tôi đã sống chung với ngoại, dì và cậu. Sau khi cậu đi học rồi lập gia đình thì nhà chỉ còn ông bà ngoại, dì và tôi. Dì tôi là người khá dễ cũng khá nghiêm khắc. 

Bí mật của người dì độc thân

Dễ, bởi dì hiểu tâm lí của tôi, hiểu bọn trẻ chúng tôi cần được gì. Nghiêm khắc, bởi điều gì mà dì đã quyết rồi thì khó mà tôi có thể qua quắt làm lơ đi được. 

Dì không thích cái kiểu cưng là chiều, không thích trẻ có tật vòi vĩnh, muốn gì được nấy. Cách dì dạy chúng tôi như một cô giáo vậy. 

Dì bảo nhân phẩm, lòng yêu thương, niềm tin là những thứ quý giá nhất; sống phải tự tin, không quá tự ti, cái gì của người khác không được đụng vào… 

Dì cũng hay bảo xem lén nhật kí tin nhắn của người khác là không tốt. Tôi hiểu và cũng chẳng xem lén của ai trừ một lần tôi xem nhật kí… của dì. 

Thói quen viết nhật kí và làm thơ nhật kí, trong nhà tôi, chỉ có dì mới có. Vì tôi tò mò muốn biết sao mãi đến giờ mà dì vẫn chưa muốn lập gia đình dù không ít người theo đuổi và đến giờ vẫn có người luôn chờ đợi dì và người ấy tôi thấy cũng không tệ? 

Có phải vì mối tình đầu vẫn chưa quên được hoặc như mọi người vẫn nghĩ hay một nguyên do nào khác? Vì dì năm nay đã gần bước qua cái tuổi mà mọi người hay gọi là quý bà, đã xa lắm cái tuổi hăm rồi. Vả lại dì cũng xinh và có cá tính nữa.

Ngoại kể: Hồi bé dì ốm teo. Da bánh mật lại thêm ít nói nên trông dì có vẻ quê quê. Ai nói gì cũng nhe răng ra cười, trừ khi chủ đề nói chuyện là về các môn học: Bài toán này giải thế nào? Bài văn kia phân tích ra làm sao? Thời đại này ông vua nào là vị minh quân, sáng suốt… Là dì nói tỉ mỉ, nói hăng say, ngoài ra dì chẳng tranh luận bàn tán chuyện gì.

Bạn bè thì hay tám chuyện trên trời dưới đất, để tạo tiếng cười và không ít lần bảo yêu với dì: “Trả tiền đây! Ai rảnh đâu nói sẵn cho cười hoài”. Dì lại cười và họ cũng cười. 

Nhưng xem ra đó là lợi thế của dì, dì “yên tâm” học hành hơn nên dì học đâu chắc đấy. Bạn bè quý vì dì chăm chỉ học hành và là nơi để bạn bè tin tưởng trút nỗi niềm riêng. 

Dì cảm thông và chia sẻ cùng bạn bè chỉ thế thôi. Chuyện gì đến tai dì kể như chấm hết. Dì như một cái máy chỉ ghi âm mà không phát.

Sau này, đi làm được vài năm, dì mập ra, trông xinh hơn. Đôi vai đầy đặn. Đôi mắt to to, đen láy. Sống mũi cao, nhiều người ao ước. Cặp chân mày không cần vẽ cũng rất đậm. Khuôn mặt hài hòa, dáng hình cân đối. Dì nói chút chút. Bạn bè, đồng nghiệp nhắc dì chuyện lập gia đình, hay cứ hỏi:

- Bộ muốn tôn thờ chủ nghĩa độc thân hay sao mà không chịu lập gia đình cho người ta ăn tiệc đi, chờ lâu quá hà!

Có người cũng ra vẻ hiểu gì đó:

- Hãy quên hết chuyện cũ và mở lòng ra một chút – Ý họ chắc dì không quên tình đầu, mặc dù họ không biết mối tình đầu của dì là ai và như thế nào, họ đoán. Còn dì thì cũng cứ mãi một câu:

- Em chưa nói trước được điều gì nhưng em thấy như thế này cũng vui.

 Không thì dì đáp lại bằng thứ vũ khí xưa nay là “cười trừ", lúc đó không ai có thể châm chọc hay ngỏ ý gì thêm được nữa.

Đọc nhật kí của dì tôi không thấy loáng thoáng một câu chuyện tình hoặc tên tuổi của một anh chàng nào cả mà chỉ toàn là chuyện gia đình thôi. 

Điều mà dì quan tâm nhất là ba mẹ, anh chị em và các cháu. Dì lo cho mẹ (bà ngoại) suốt ngày bị ba (ông ngoại) bắt nạt, lo anh chị cuộc sống còn khó khăn, lo các cháu còn lông bông. 

Dì mơ ước được đi làm từ thiện. Dì rất ngưỡng mộ những nhà hảo tâm. Có lần nghe công ty này, đơn vị nọ ủng hộ bóng đá cả chục tỉ, dì bảo: “Nếu dì là giám đốc công ty ấy, dì để số tiền đấy giúp người nghèo thì tốt hơn. Cầu thủ lãnh lương ít lại một chút có sao đâu?” Cả nhà hiểu dì nên cũng không ai bàn bạc hay tranh luận.

Người ta bảo dì chưa có gia đình: khỏe, vì chẳng phải lo chuyện chồng con. Người ta nói đúng quá, dì đâu có chồng, đâu có con. Thế nhưng tôi có thấy dì khỏe đâu. 

Ngoài việc cơ quan, dì lo toan nhiều việc: trồng rau, trồng hoa quanh nhà; chuyện ba mẹ, chuyện anh chị em và các cháu... dì đều lo hộ. Dì thấy dì có trách nhiệm và bổn phận phải như thế. 

Dì không thể trố mắt làm ngơ hay khoanh tay đứng nhìn được. Mọi người trong nhà buồn dì cũng buồn, mọi người vui dì cũng vui, mặc dù ai đã ở nhà nấy hẳn hoi.

Dì hay để ý ngoại thích gì, dì mua, mặc dù dì hay nói là dì chẳng thích đi chợ. Dì sợ mua đồ bị lầm, mua mắc mà đồ dở. À, thì ra không phải dì không thích đi mua sắm như các quý cô nhưng có lẽ vì tiền dì kiếm được khó khăn quá mà dì thì cần tiền để chi nhiều việc, không thể thải tiền mình vất vả kiếm được vào các shop như người ta được. 

Có một hôm dì đi gửi quà cho cậu, dì đi thật lâu mà chưa về, trời lại mưa to, gió lớn. Ngoại rất lo. Tạnh mưa dì mới về đến nhà. Nào sữa cho bà ngoại, nào gà cho ông ngoại, nào chè cho cả nhà… Thì ra dì đi chợ. Về đến nhà, dì bẽn lẽn cười và nói thỏ thẻ khi lôi cái hộp thon thon từ trong giỏ ra:

- Hôm nay là sinh nhật má, con tặng má nè.

Một sợi chuỗi, ngoại rất thích.

- Thì ra con đã đi đoạn đường hai ba chục cây số để mua quà cho má à? Trời lại mưa gió nữa. Con của má vất vả quá! – Ngoại xúc động ôm dì vào lòng. Lúc này dì như một đứa trẻ vậy.

- Có gì đâu… má thích mà. Má đeo vào đi!

Dì đeo cho ngoại. Ngắm nghía một lúc rồi ngoại bảo tháo ra cất để dành khi nào dự đám tiệc hãy đeo. Ngoại là thế, suốt đời sống tằn tiện vì chồng con. Ngoại luôn sống giản dị. 

Nhưng cái gì cho con, cho cháu ngoại chẳng so đo chút nào, “móc ruột”cho hết. Nhưng ngoại cũng khá nghiêm khắc (không biết có phải dì hưởng cái gen từ ngoại không nữa, điều này hai người giống nhau quá), lời nói lúc nào cũng chừng mực. 

Ngoại không bao giờ nói bậy, cũng chẳng thích nghe ai nói bậy, hay nói tục trước mặc mình. Bạn bè ai cũng nể, con cháu người nào cũng yêu quý, tôn kính bà.

Nhìn dáng ngoại gầy, da nhăn nheo, dì là người xót xa nhất. Dì có viết: “Không dám nghĩ đến một ngày xa hơn. Đời người nếu phải thế không ai tránh được, mình ước ngày đó mình được đi xa cùng mẹ”. Đủ thấy dì yêu mẹ biết nhường nào.

Người ta bảo dì sướng. Tôi cũng thấy vậy. Bởi bà, cậu và mẹ ai cũng thương dì… nhì cả (vì vị trí nhất là bà ngoại rồi, hì...). Nhưng dì cũng có nỗi khổ tâm riêng không ai có thể chia sẻ được ngoài lời an ủi động viên. Đó là dì bị một căn bệnh mãn tính. 

Nó không ảnh hưởng đến sức khỏe của dì nhưng nó làm cho dì phải khổ sở vì nó. Hằng ngày, dì phải chống chọi với nó. Đôi khi nó cũng làm dì đau.

Xem qua nhật kí, được biết dì đang ước một điều: Dì có thêm tiền mua cho ngoại cái vòng cẩm thạch có móc khóa bằng vàng để ngoại đeo vào cho dễ; bởi, tay ngoại gầy không chịu nổi khi nong cái vòng vào. Trước đây ngoại cũng có nhưng nó bị bể rồi. 

Dì nói sẽ mua cái khác cho ngoại nhưng ngoại cứ cản: “Mua chi tốn tiền, má già rồi”. Dì hiểu ngoại nhất, ngoại nói thế chứ dì biết ngoại thích nó lắm. 

Dì mong chờ hai tháng lương tới đến nhanh hơn để dì thấy ngoại vui khi tự tay mình đeo cho ngoại chiếc vòng ngoại thích. Và tôi hiểu đó cũng là niềm vui của dì.

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao dì mãi vẫn chưa lập gia đình. Vì dì có nhiều nỗi lo quá, có khác gì một người đã lập gia đình đâu. Tình thương yêu của dì trang trải đều khắp còn đâu mà dành tình cảm riêng tư cho mình. 

Thế mà từ trước đến giờ tôi thờ ơ quá. Mỗi lần dì la rầy là tôi lại giận dỗi như một đứa trẻ. Tuy chưa có gia đình và ngay cả tình yêu đôi lứa dì cũng chưa từng trải qua nhưng dì đã sống một cuộc sống với vai trò người con, người em, người chị, người dì đúng nghĩa, đúng đạo lí và như một người mẹ mà đứa con đó chính là tôi - đứa cháu gọi dì bằng dì và được dì chăm sóc dạy dỗ từ nhỏ.

Đầu tháng sau, khi lãnh lương về, tôi sẽ ngỏ ý cùng dì đi mua vòng cẩm thạch tặng ngoại. “Từ nay, niềm vui, nỗi lo của dì, của ngoại, con xin được chia sẻ bằng một chút yêu thương mà đáng lí ra con phải làm từ lâu lắm rồi”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.