Đừng để việc học là “chuyện của bố mẹ”
Soạn sách vở hộ con, nhắc con đi học, ngồi học hộ con, lâu dần hình thành thói quen chỉ khi có cha mẹ bên cạnh trẻ mới tập trung được. Thói quen này khiến cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập.
Nhiều cha mẹ có tâm lí ép con cái học thật nhiều, đặc biệt là các môn học trên trường nhằm đạt kết quả cao nhất. Có những buổi học kéo dài tới tận khuya, con vừa học vừa ngáp. Cha mẹ thường nghĩ rằng, càng học nhiều thì kiến thức của trẻ sẽ càng phong phú, đa dạng, kết quả đạt được sẽ cao hơn.
Ngược lại, một số quan điểm cho rằng, học là vấn đề của trẻ, hãy để chúng tự giải quyết. Các kiến thức trong nhà trường sẽ được nâng cấp từ dễ đến khó tùy theo năng lực của trẻ. Vì thế, không cần gây sức ép, con vẫn có thể học tốt.
Nhiều cha mẹ thường có thói quen nhắc con học bài hoặc thậm chí là ép thúc. Ban đầu có thể là cách làm hiệu quả để con nhớ tự giác học, nhưng lâu dần điều này vô tình khiến con cảm thấy việc học là của bố mẹ chứ không phải của con.
Theo thời gian, nếu không hiểu rõ được học tập là trách nhiệm của bản thân mỗi người, con sẽ ỷ lại, hạn chế chủ động không chỉ trong học tập mà còn các hoạt động cá nhân khác.
Thực tế, rất nhiều phụ huynh đã giác ngộ rằng không ép con học, không so sánh con cái mình với bạn bè. Nhưng trăn trở đằng sau là làm sao nuôi dưỡng cho con tinh thần ham học, tự học.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng – Chủ nhiệm bộ môn Kỹ năng sống Trung tâm Trí tuệ Việt cho biết, trẻ không muốn học luôn là một vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ phiền lòng. Và đây cũng là nguyên nhân chính khiến trẻ không có kết quả tốt. Ham học chính là nguồn động lực để học tập có kết quả, đặc biệt là đối với những bé ở cấp tiểu học. Muốn vậy, trẻ cần tự giác trong mọi việc.
“Sẽ chẳng có phương pháp nào tốt bằng hình thành thói quen giáo dục tại gia đình. Cha mẹ chỉ nên hỗ trợ con về điều kiện học tập, tạo thêm cho con động lực để trẻ dành thời gian tập trung hơn. Cha mẹ nên dạy những kỹ năng mà nhà trường ít có thời gian dạy, như làm việc nhà, ý thức về môi trường sống và cách ứng xử trong giao tiếp... Như vậy con trẻ mới tiếp nhận những kiến thức song hành” – Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng nhấn mạnh.
Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng, trong bất cứ lĩnh vực nào, sự điều độ và hợp lý cũng là yếu tố quan trọng. Trong học tập cũng vậy, ép học quá nhiều môn khi trẻ không muốn có thể gây ra tác dụng ngược lại. Trẻ sẽ cảm thấy chán nản, áp lực, từ đó bỏ bê chuyện học hành. Thậm chí một số trẻ còn bị ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe.
Ảnh minh họa ITN. |
Không ép học khác với thiếu quan tâm
Cô Nguyễn Thùy Dương – giáo viên Trường THPT Ứng Hòa (HN) chia sẻ: Cha mẹ không ép con học quá nhiều không có nghĩa là cha mẹ nên bớt quan tâm tới việc học tập của trẻ. Ép học đôi khi là cần thiết. Nhất là khi trẻ có dấu hiệu chểnh mảng nghiêm trọng hay khi đứng trước kỳ thi đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, cần có phương pháp khoa học, đảm bảo độ hợp lý và phù hợp với từng trẻ. Căn cứ vào độ tuổi, tính cách, tâm lý của con, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ học những môn thuộc thế mạnh của mình. Đồng thời tìm cách để phát triển lâu dài môn học năng khiếu đó.
Việc con được theo đuổi đúng thứ mà chúng yêu thích sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy niềm ham muốn học tập. Sau tất cả, quan trọng nhất là học thế nào để có thể duy trì tinh thần ham học hỏi đó đến suốt đời. Đừng bắt trẻ ra sức học để có điểm tốt và sau đó không bao giờ muốn nhìn vào sách vở nữa.
Theo đó, cô Dương gợi ý những phương pháp giúp con tự giác học tập:
Tạo nếp kỷ luật ngay từ nhỏ
Kỷ luật là yếu tố then chốt để thành công. Muốn rèn con tự giác học, bố mẹ cần tạo kỷ luật chặt chẽ với trẻ bằng cách thiết lập thời gian biểu rõ ràng. Khi mới bắt đầu học tập, bố mẹ sẽ hướng dẫn con tạo thời gian biểu – nhắc con định kì các đầu việc quan trọng.
Khi con đã bắt đầu quen với thói quen kỉ luật giờ giấc, thì chính con là người lên thời gian biểu khoa học cho bản thân. Bố mẹ sẽ theo dõi, hướng dẫn và định hướng các phương pháp học tập đúng đắn để con thực hiện.
Dạy cho trẻ hậu quả của việc không có tính tự giác
Cha mẹ nên dạy cho trẻ những hậu quả tất yếu từ việc không có tính tự giác. Ví dụ như nếu trẻ liên tục quên làm bài tập về nhà vì mải chơi thì sẽ bị điểm kém… Cha mẹ thay vì giải quyết giùm trẻ thì hãy để trẻ tự đương đầu với hành vi tiêu cực của mình, từ đó trẻ sẽ tự ý thức và có tính kỷ luật hơn.
Đôi khi, để con “nếm” hậu quả của việc không tự giác và thiếu kỷ luật sẽ khiến con nhớ lâu hơn. Từ đó, con sẽ biết được việc gì nên và không nên làm.
Đừng chăm chăm ngồi kèm
Nhiều gia đình thường dành thời gian buổi tối để “kèm thêm” con, để đảm bảo rằng con đã hoàn thành tốt mọi bài tập về nhà được giao. Tuy nhiên, việc này có thể gây nên hậu quả. Đó là trẻ thấy bố mẹ luôn nhắc nhở để đảm bảo mình hoàn thành bài tập đầy đủ, đúng hạn, như vậy không cần phải lo gì cả. Bên cạnh đó, trẻ cho rằng, việc học sẽ là trách nhiệm của người lớn, nếu không nhắc thì trẻ không ngồi vào bàn.
Việc giúp trẻ nắm được những phương pháp học hiệu quả và khoa học đồng thời sắp xếp phù hợp thời gian học và chơi của trẻ cũng nằm trong các bước để trẻ tự giác bởi có những bé vì học quá vất vả mà dần trở nên không thích học. Cha mẹ nên kiên trì giúp trẻ tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ khó học và dạy trẻ những phương pháp khắc phục một cách khoa học và hiệu quả.