Bi kịch tự tử của phụ nữ trẻ Ấn Độ

Ở tuổi 19, nữ sinh Pinki Chauhan của Đại học Nữ sinh quốc gia đã tẩm xăng lên người và tự thiêu chỉ vì sự kỳ vọng vào bản thân bị xúc phạm. 

Bố của Pinki Chauhan bên di ảnh của em - Ảnh: Reuters
Bố của Pinki Chauhan bên di ảnh của em - Ảnh: Reuters

Trường hợp của Pinki phản ánh một thực trạng đau lòng ở Ấn Độ là phụ nữ luôn nỗ lực vươn lên để tìm tự do cho chính mình nhưng vô tình lại tạo nên áp lực quá lớn, đẩy bản thân vào ngõ cụt.

Nữ sinh viên Pinki Chauhan luôn giành điểm giỏi trong các môn được xem là thế mạnh của nam giới như vật lý và toán học. Một ngày nọ, cô bất ngờ nhận điểm 0 bài kiểm tra vật lý. 

Cô không chấp nhận kết quả ấy nên đã gặp giáo viên để xin được chấm lại bài. Hậu quả: cô phải chịu phạt quỳ gối ngay trước phòng hiệu trưởng vì bị cho là có thái độ kích động khi tranh luận với giáo viên. 

Quá sốc trước việc bị xúc phạm và đối xử như một kẻ quấy rối, vài ngày sau đó, Pinki đi đến quyết định dại dột là tự kết liễu đời mình ngay tại ký túc xá của trường.

Sâu xa trong câu chuyện của Pinki là niềm khát khao, mơ ước cháy bỏng phải thành công đã hoàn toàn sụp đổ. Dù chỉ một lần nhận điểm kém cũng khiến Pinki lo sợ, thất vọng rằng mình không đủ khả năng, không còn cơ hội vươn đến tương lai ước mơ. 

Cô không muốn bị bỏ lại trong vòng xoáy của số phận như những phụ nữ Ấn Độ khác - vốn phải cam chịu cuộc sống tù túng trong tư tưởng bảo thủ, lề thói cũ. 

Bố mẹ Pinki không muốn cô tiếp tục chuyện học mà ép cô sớm kết hôn. Điều này đồng nghĩa với việc cô phải từ bỏ mọi ước mơ, yên phận là một phụ nữ của gia đình. Arun, anh trai của Pinki nói, em gái mình phải chịu quá nhiều áp lực.

Trẻ em gái ở các vùng nông thôn Ấn Độ bị ép cưới sớm - Ảnh: Guardian

Áp lực từ nền văn hóa, gia đình và sự cạnh tranh để có việc làm với thu nhập cao đã dẫn đến những cái chết thương tâm do chính người trẻ tự gây ra cho mình. 

Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ tự tử trong độ tuổi 15-29 cao nhất, cao hơn cả Hàn Quốc. Báo cáo năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, lần đầu tiên, tự tử là nguyên nhân tử vong nhiều nhất ở phụ nữ trẻ Ấn Độ, vượt lên trên cả tử vong khi sinh con.

Vai trò phụ nữ bị đánh giá thấp trong xã hội là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng phụ nữ trẻ tự tử ở Ấn Độ - Ảnh: knowledge. allianz.com

Nhiều nơi trên thế giới, tình trạng người trẻ tự tử xảy ra với các đối tượng thuộc gia đình khó khăn, túng quẫn. Nhưng Ấn Độ thì khác, hành vi tự tử tập trung ở những người trẻ sinh sống tại các khu vực phát triển, được hưởng nền giáo dục tốt và có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. 

Như trường hợp Pinki, cô sống ở Gurgaon (gần thủ đô New Delhi). Nơi này bao la những cánh đồng lúa mì, đồng thời tiếp giáp trung tâm kinh tế, tài chính, công nghiệp lớn. Điều đó nung nấu trong Pinki khát khao thành đạt và vươn mình đến với thế giới phát triển.

Giáo sư gốc Ấn Độ Vikram Patel đang sống và làm việc tại London (Anh) cho rằng: “Khát vọng của người trẻ quá lớn nhưng sự phát triển về văn hóa xã hội chưa đủ nhanh để tạo cân bằng. Nếu không chuẩn bị tâm lý vững vàng, người trẻ dễ rơi vào tình trạng chán nản và thất vọng khi vấp phải những rào cản, trở ngại”.

Không giống các quốc gia khác (vốn có tỷ lệ người trẻ là nam giới tự tử cao hơn nữ giới), ở Ấn Độ, tỷ lệ phụ nữ trẻ tự tử cao hơn. Các chuyên gia nước này đã phân tích và kết luận: vai trò phụ nữ bị đánh giá quá thấp trong xã hội là nguyên nhân gây ra điều này.

Ấn Độ, một trong những quốc gia được đánh giá cao về tiềm lực phát triển kinh tế, nhưng vài tháng gần đây mới có một chính sách chăm sóc sức khỏe tâm thần quốc gia. 

Thế nhưng, khoản chi ngân sách cho lĩnh vực này còn quá thấp, chỉ chiếm 0,06% trong ngân sách y tế, đây được xem là tỷ lệ thấp nhất trên thế giới.

Sau cái chết của Pinki, trường đại học đã xác nhận họ có sai sót nghiêm trọng trong việc chấm điểm bài kiểm tra của cô. Lẽ ra, Pinki đã đạt điểm số cao và vượt qua kỳ thi của trường. 

Tất cả đều quá muộn. Nhà trường dù có nhận lỗi đã đẩy Pinki đến cái chết vô nghĩa, nhưng trên tất cả, chính mâu thuẫn xã hội cũng như việc thiếu kỹ năng sống đã đẩy Pinki vào bi kịch của chính mình.

Theo phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...