(GD&TĐ) - Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và báo chí truyền thông đã cảnh báo về mô hình bán chồn nhung đa cấp với những hứa hẹn hão huyền và rủi ro cao. Thế nhưng vì “nhẹ dạ cả tin”, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị một người tên là Đoàn Việt Châu, trú tại xã Dân Hạ (Kỳ Sơn, Hoà Bình) lừa đảo thông qua hộ bà Lê Thị Phương, phường An Tây, thành phố Huế với hình thức bán hoặc cho thuê nuôi.
Lừa phỉnh cả hộ nghèo
Hàng trăm cặp chồn nhung đen của ông Lê Viết Tăng ở xã Phú Mậu đang chờ ông Đoàn Việt Châu thu mua như đã hứa |
Không rõ ai đưa đường dẫn lối, nhưng cách đây hơn 1 tháng, ông Đoàn Việt Châu, chủ đường dây bán hàng đa cấp chồn nhung đen đã mang về cho Lê Viết Tăng, ở thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang 144 con chồn nhung đen, với bản hợp đồng và những lời hứa hão huyền như rót mật vào tai nên ông Tăng tin răm rắp. Giá bán một cặp giống chồn nhung đen là 4 triệu đồng.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình là hộ nghèo nhưng ông Tăng cũng xoay xở được 20 triệu đồng để cho ông Châu tạm ứng. Sau đó bị chính quyền địa phương và các ngành chức năng phát hiện lập biên bản, ký cam kết cấm mua bán, giết mổ, cho tặng nhưng ông Tăng vẫn tỏ ra hết sức tin tưởng vào mô hình này. Ông Tăng kể: “Tôi điện cho ông Châu không được, nhưng thỉnh thoảng ông chủ động gọi lại, hỏi han và tiếp tục hứa sẽ thu mua chồn nhung con trong thời gian tới”.
Cùng rơi vào hoàn cảnh như ông Tăng là gia đình của ông Lê Văn Lộc (thôn Tiên Nộn), Nguyễn Đức Tùng (thôn Thế Vinh), cũng bỏ ra hàng chục triệu đồng từ việc vay mượn, giờ đành bó gối chờ người đến mua chồn. Ngoài ra hộ gia đình ông Lộc cũng được ông Đoàn Việt Châu “chuyển giao” 100 con chồn nhung đen để nuôi vào tháng 2/2013.
Sau 5 tháng nuôi, chồn đã sinh sản gần 30 con nhưng chẳng thấy người đến mua. Hôm chúng tôi đến tìm hiểu mô hình nuôi chồn nhung đen, ông vắng nhà. Thế nhưng theo lời kể của cô con dâu Trần Thị Bé, do chưa thống nhất quan điểm nên hai bên chưa ký kết hợp đồng về giá bán con giống với mức 4 triệu đồng/ cặp, sau khi chồn nhung đen sinh sản sẽ mua lại với giá 1 triệu đồng/con. Riêng “siêu lừa” Đoàn Việt Châu đã ứng 50 triệu đồng kinh phí đầu tư một số lồng nuôi. Sau 3 tháng nuôi, một số cặp giống đã sinh sản 26 con. Mặc dù nhiều lần liên lạc với ông Đoàn Việt Châu để mong bán chồn con, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín” khiến cho không ít hộ lo lắng, hoang mang.
“Chờ” ý kiến của Bộ để tiến hành xử lý
Nhiều hộ dân nghèo ở Thừa Thiên - Huế đang nghèo thêm vì chồn nhung đen |
Bi kịch hơn là gia đình của ông Lê Đức Oánh và chị Lê Thị Phương ở phường An Tây, TP Huế nuôi 350 con chồn nhung đen cũng từ “nguồn cung” là ông Đoàn Việt Châu. Sau mấy tháng nuôi, nợ nần chồng chất, tiền thức ăn không kham nổi, người hứa mua chồn thì lặn mất tăm, ông Oánh đã liên lạc với cán bộ Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế yêu cầu “giúp” mang số chồn đi xử lý bằng cách tiêu hủy.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ của ngành NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến thời điểm này tỉnh có 7 hộ tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen, với số lượng gần 800 con. Trong đó tập trung chủ yếu ở Phú Mậu, (huyện Phú Vang): 3 hộ. Phường An Tây (TP Huế): 1 hộ; Thị trấn Bình Điền và xã Bình Thành, (thị xã Hương Trà): 3 hộ. Trên thực tế số hộ gia đình tham gia nuôi chồn nhung đen có thể nhiều hơn và số lượng lên trên nghìn con.
Mặc dù người dân mang giống chồn nhung đen về nuôi vào tháng 2, nhưng đến tháng 6, lãnh đạo các địa phương có người tham gia vào nuôi chồn nhung đen mới phát hiện thì khi đó đã có khá nhiều hộ nuôi. Nguyên nhân do đây là mô hình mới, bà con cũng không nắm được thông tin, không khai báo cho thú y cơ sở. Nhiều người bảo các hộ gia đình trên nuôi chuột, sợ sổng chuồng phá hoại mùa màng, lây lan dịch bệnh, khi báo lên chính quyền thì địa phương mới nắm được.
Trong lúc đó Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, các huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà đã có văn bản về việc kiểm soát nuôi và phát tán chồn nhung đen đến các ngành và địa phương từ đầu tháng 2/2013 nhưng đến khi mô hình nuôi chồn nhung đen phát triển rộng rãi trên nhiều hộ mới phát hiện là quá chậm trễ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Trước hết phải khẳng định chồn nhung đen này là một giống chuột, Thừa Thiên - Huế không phải là địa bàn khảo nghiệm về việc chồn nhung đen.
Mặc dù mới một vài ba hộ nuôi trên địa bàn, nhưng đây là sự kết hợp giữa người chuyển giao công tác đưa giống về và người nuôi phía bên dưới. Chúng tôi khẳng định việc chuyển giao nuôi chồn nhung đen như vậy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế là chưa được phép. Sau khi phát hiện các địa phương có nuôi giống ngoại lai là chồn nhung đen, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các Trạm thú y huyện, thị xã và UBND các phường xã kiểm soát việc nuôi, không cho phát tán chồn nhung đen.
Nếu động vật rừng thì tiến hành thả về rừng. Nhưng ở đây là động vật ngoại lai do đó hướng xử lý trong thời gian tới tùy vào yêu cầu từ phía Cục chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, Chi cục mới có hướng xử lý tiếp theo. Trước mắt đề nghị các hộ đã chăn nuôi cam kết không được phép lưu hành, thứ hai tiến hành xử lý phạt hành chính. Để hiệu quả hơn, cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng như kiểm lâm, công an kinh tế, môi trường”.
Theo Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT thì chồn nhung đen mà người dân đang nuôi hiện nay chưa có tên trong danh sách các vật chăn nuôi nông nghiệp, không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm của cơ quan chuyên môn báo cáo về Bộ NN&PTNT. Điều lạ là, mô hình nuôi chồn nhung đen đã luồn lách thông qua nhiều hình thức để len lỏi vào tận các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế mà chính quyền địa phương sở tại, các ngành chức năng không hề hay biết.
Minh Ngọc