Bi kịch của những nạn nhân bị đánh ghen bằng... axít

Khuôn mặt hoàn toàn bị biến dạng. Nhưng nỗi đau từ axit gây ra không thể chỉ là phần xác, mà nỗi đau trong tinh thần, lòng tự tôn đã là bản "án tử" dành cho họ. 

Bi kịch của những nạn nhân bị đánh ghen bằng... axít

Chúng tôi đã từng tiếp xúc với nhiều nạn nhân bị axit, tất cả họ đều mang nỗi mặc cảm, tủi nhục và không muốn sống trên cõi đời này nữa. Với nạn nhân bị đánh ghen bằng axit, sự đớn đau là tột cùng. 

1. Căn nhà của Trần Minh Nhã (SN 1962), gã tội đồ đã lạnh lùng hất ca axit vào mặt anh Phạm Văn C. ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) bây giờ chẳng khác nào ngôi nhà hoang, cỏ mọc rêu phủ, vắng lạnh hơi người.

Nhã đi tù, chị H., vợ Nhã không dám ở nhà một mình, luôn phải chạy trốn định kiến của người đời. Cách đó không xa, nhà của anh C. cũng chẳng ấm áp hơn. Bi kịch ấy là một câu chuyện tình ái buồn đau, bắt nguồn từ sự ghen tuông mù quáng của Nhã.

Nạn nhân bị tạt axit thường mang đau đớn, tủi nhục suốt đời.
Nạn nhân bị tạt axit thường mang đau đớn, tủi nhục suốt đời.

Khi thấy anh Phạm Văn C. thường tới lui thăm hỏi gia đình và rất niềm nở với chị H. nên Nhã cảm thấy khó chịu. Nhã găm tức giận trong lòng, đã từng nói chuyện nghiêm túc với vợ về thái độ thân thiện quá mức của anh C.

Tuy nhiên, chị H. giãy nảy lên phản ứng, chị cho rằng chồng ghen tuông mù quáng, chuyện không có gì cũng làm cho có. Rằng, không được ghen tức với con người đạo đức, đàng hoàng như anh C.

Một hôm, Nhã đi nhậu về, sẵn có chút men trong người nên lôi chị H. dậy tiếp tục đay nghiến chuyện "mèo mỡ" với anh C. Chị H. bực bội quát tháo ầm ĩ và không thèm nhìn mặt chồng nữa.

Trong những cuộc trà dư tửu hậu, bạn bè của Nhã lại kích động, dè bỉu chuyện Nhã kém cỏi, không giữ được vợ để cho thằng khác có chỗ "dụng võ". Nhã đau đớn, uất hận và xem anh C. là kẻ thù cần phải có hành động thích đáng.

Ngày cuối năm 2014, khi mọi nhà đang tất bật chuẩn bị đón tết, Nhã lảo đảo sang nhà mẹ vợ chơi khi trong người đã thấm rượu. Tại đây, Nhã nhìn thấy anh C. nằm trên ghế nói chuyện cười cợt với vợ mình đang ngồi cạnh đó. Cơn ghen bùng lên, Nhã hộc tốc chạy về nhà lấy chai axit gần một lít mà y đã chuẩn bị sẵn mang sang tạt thẳng vào mặt anh C.

Bị tấn công quá bất ngờ, anh C. đã hứng trọn chai axit. Khuôn mặt anh phút chốc bừng tấy, đỏ rực, đôi mắt không thể mở được. Nhã hoảng hồn bỏ chạy, để lại anh C. ôm mặt gào thét đau đớn.

Anh C. sau thời gian chữa trị tại bệnh viện đã qua cơn nguy kịch, nhưng tỉ lệ thương tật trên 90%, hai mắt mù vĩnh viễn. Nhã khi tỉnh rượu nhận ra tội lỗi của mình đã tới cơ quan công an thú tội. Tòa án xử Nhã 17 năm tù về tội "Giết người". 

Bi kịch của những nạn nhân bị đánh ghen bằng... axít ảnh 2
Đối tượng Trần Minh Nhã tại phiên tòa.

5 năm trôi qua, dù đã đi mổ xẻ vá víu nhiều cuộc nhưng khuôn mặt của anh C. vẫn nhăn nhúm, chằng chéo sẹo đỏ. Những vệt da nhăn vắt ngang khuôn mặt, sống mũi. Dù cố gắng hình dung, thì vợ con của anh vẫn không thể nhận ra khuôn mặt hiện tại.

Anh C. từ một người đàn ông trụ cột trong gia đình, sức khỏe vạm vỡ nay trở thành người tàn phế, mang trên mình một gương mặt quỷ dữ, nhàu nhĩ, rách nát.

Anh C. không thể đi làm, chỉ ở nhà lủi thủi, mò mẫm nhặt mớ rau, quét nhà và theo dõi tin tức qua đài radio. 

Anh C. không thể hiểu nổi tại sao Nhã, một gã hiền lành, bộc trực, lại đánh mất nhân tính chỉ vì một phút ghen tuông nông nổi, thiếu lý trí. Hai gia đình sống cạnh nhau, "tối lửa tắt đèn" bao năm là vậy, nay người tàn phế, kẻ tù tội. Thù hận vẫn găm vào tận đáy lòng.

Anh C. luôn nói sẽ bỏ qua cho tội ác mà Nhã gây ra cho mình, nhưng vợ con anh, cha mẹ của anh có lẽ không làm được như vậy.

Bà Lê Thị. N, mẹ anh C. cứ khóc tấm tức khi nhắc lại chuyện con bị tạt axit. Bà thương con bao nhiêu thì căm tức Nhã bấy nhiêu. 5 năm trời, chưa một lần bà nhìn vào ngôi nhà của gã tội đồ ấy.

Bà nói rằng, mai này thằng Nhã trở về không biết sẽ sống làm sao, một là bà chuyển đi nơi khác, hai là gia đình đó phải đi chứ không thể sống cùng nhau được nữa. Chồng gây họa đi tù, chị H. bị người đời dèm pha.

Người ta cho rằng "không có lửa làm sao có khói", phải có gì thì chồng cô mới ghen tuông cuồng nộ đến vậy. Chị H. phải mang con về nhà ngoại cách đó hơn trăm cây số sống nhờ.

2. Cũng là nạn nhân của một vụ đánh ghen, nhưng hoàn cảnh của Nguyễn Thu P. còn bi kịch hơn vì cô bị tạt axit khi vừa tròn 20 tuổi. Trong thời gian nằm viện, P. nghĩ đến cái chết nhiều hơn là muốn sống. Cứ nghĩ đến khuôn mặt "tổ ong" của mình, P. lại khóc, nước mắt tuyệt vọng và đớn đau cùng cực.

Nhà P. ở một xã miền núi xa xôi và nghèo khó ở Đắk Lắk. Số tiền viện phí quá lớn khiến gia đình cô bất lực, không thể theo đuổi những ca phẫu thuật cấy ghép liên tục, tốn kém.

Kẻ gây ra tội ác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tòa án tuyên bồi thường một khoản tiền nhưng hai tên "sát nhân" là kẻ đi đánh ghen thuê, gia đình chẳng có gì để đền.  

Bi kịch của những nạn nhân bị đánh ghen bằng... axít ảnh 3
Ngày ra tòa, cô gái phố núi phải bịt kín khuôn mặt.

P. ngày xưa xinh đẹp, tự tin, đầy hoài bão nhưng mối tình oan nghiệt đã cướp mất tất cả. Ngày P. gật đầu làm người yêu của Nguyễn Đức A., cô không hề biết anh ta đang "bắt cá hai tay".

Tình yêu đầu đời, chớm nở đã mang đến cho P. những phút giây xao xuyến, hạnh phúc ngập tràn.

A. luôn biết cách dùng mỹ từ chứa đầy mật ngọt rủ rỉ vào tai cô gái phố núi và đánh gục cô lúc nào không hay. P. hồn nhiên yêu, hồn nhiên cho đi tất cả mà không mảy may suy nghĩ về những cuộc điện thoại gọi giật A. ra ngoài mỗi khi hai người ở bên nhau.

P. bắt đầu cảm thấy lo lắng khi mỗi ngày đều có những cuộc điện thoại lạ gọi tới số máy của mình. Họ chỉ hỏi vu vơ vài câu như để xác nhận một điều gì đó rồi cúp máy.

Cho đến ngày định mệnh của tháng 3 đỏ nắng, P. đang dừng đèn đỏ tại ngã tư đường thì bất ngờ có hai người đàn ông đỗ xe cạnh mình, lập tức hất thứ nước trong vắt vào mặt. Trong phút chốc, P. cảm nhận khuôn mặt của mình, dù đã có lớp khăn che nắng dày nhưng vẫn rát và bỏng khủng khiếp. Cái ngày ấy thật sự đã kết thúc cuộc đời tươi đẹp của cô gái.   

Trở về, P. không dám bước ra khỏi căn nhà sâu tít trong cánh rừng. Làng xóm cảm thông và luôn sẵn lòng chia sẻ tinh thần với em nhưng P. mặc cảm, tự ti, không muốn gặp ai.

Vết thương do axit gây ra do không được phẫu thuật kịp thời đã gây lở loét, vết sẹo to hơn, dài hơn.

Ở Tây Nguyên, cứ mùa khô về, gió thổi lông côn trùng bay khắp nơi dính vào người P. gây ngứa ngáy, mẩn đỏ. Càng gãi thì càng lở, rồi mưng mủ, nhiễm trùng.

Mẹ P. phải vào vùng dân tộc Dao mua lá thuốc về đắp cho con. Khuôn mặt P. lúc nào cũng trong trạng thái băng bó, bôi trát xanh lè màu lá cây.

Năm ngoái anh trai của P. lấy vợ. Đám cưới tổ chức rộn ràng hai ngày trời tại gia đình, P. không dám xuất hiện mà trốn biệt trong buồng. Khách tới chúc mừng muốn ghé thăm nhưng P. đều cự tuyệt.

Mẹ P. đã khóc rất nhiều, tủi thân vì tấm ảnh ngày trọng đại của cả gia đình lại không có mặt cô con gái đáng thương.

Nhà P. có 8 sào cà phê, dự định năm 2018 nếu được giá cũng thu về khoảng 50 triệu nhưng giá rớt, trừ hết tiền phân bón, công cán chỉ còn đúng 20 triệu. Hai mẹ con cầm cả xuống TP. Hồ Chí Minh thực hiện ca mổ ghép da cho P. Vì số tiền quá ít nên chỉ thực hiện được một lần, ghép da được một bên mắt phải.

Hai mẹ con trở về, hứa hẹn mùa cà phê năm sau sẽ tiếp tục đi ghép da. Mẹ P. cho biết, vì tương lai của con gái dù có phải bán đất đai nhà cửa cũng chấp nhận. Cũng năm ngoái, gia đình định cắt miếng đất đang ở bán một nửa lấy tiền chữa mặt cho P. nhưng đã bị cô cương quyết phản đối vì thương các em sau này không còn của cải hồi môn.

Bác sĩ cho biết, khuôn mặt của P. sẽ phải trải qua ít nhất 10 cuộc phẫu thuật cấy ghép thì may ra mới dễ nhìn một chút. Vậy là đồng nghĩa với việc sẽ còn 10 mùa thu hoạch cà phê lấm lem mồ hôi nhọc nhằn của cả gia đình cô gái bất hạnh này.

Theo cstc.cand.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ