Bi kịch của bộ tộc chạy nhanh nhất thế giới

GD&TĐ - Bộ tộc Tarahumara, sống tại miền Bắc Mexico, nổi tiếng với tốc độ chạy cự ly dài đáng kinh ngạc.

Bộ tộc Tarahumara có khả năng chạy nhanh hơn người.
Bộ tộc Tarahumara có khả năng chạy nhanh hơn người.

Trong những năm gần đây, các băng đảng đã lợi dụng tài năng này bằng cách ép buộc người dân Tarahumara vận chuyển ma túy xuyên biên giới.

Siêu nhân ngoài đời thực

Bộ tộc Tarahumara có khoảng 70.000 người. Từ thế kỷ 16, bộ tộc này phải chạy trốn quân xâm lược Tây Ban Nha, rút vào vùng cấm địa của rừng già Sierra Madre. Họ sống theo lối tự cung tự cấp.

Những túp lều của họ neo vào các sườn núi đá hoặc kẽ hở giữa các hẻm núi, nối nhau bằng lối đi bộ hẹp. Trong điều kiện này, người Tarahumara đã phát triển lối chạy độc đáo.

Dù đi chân trần hay đi dép làm từ lốp xe cũ và da dê, họ có thể di chuyển nhanh chóng như siêu nhân. Từ “Tarahumara” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là những người có đôi chạy nhẹ nhàng.

Theo truyền thống của Tarahumara, chạy là một nghi lễ tôn giáo để ăn mừng các vụ mùa bội thu. Họ chạy rất nhanh nhưng chưa bao giờ mạo hiểm rời xa ngôi làng và hầu như không được biết đến cho đến năm 1993.

Ông Rick Fisher, nhiếp ảnh gia người Mỹ, đã tình cờ tìm thấy ngôi làng và đưa 2 cư dân 55 và 40 tuổi của làng đến bang Colorado, Mỹ, để tham gia cuộc thi chạy. Kết quả, hai vận động viên Tarahumara đã giành được vị trí nhất, nhì và bỏ lại phía sau hàng trăm đối thủ. Họ được trao thưởng bằng ngô và đậu.

Tiếng lành đồn xa. Ngày càng nhiều người Mỹ lẫn người Mexico tìm đến làng Huisuchi, lôi kéo người Tarahumara tham gia các cuộc thi chạy để đem về thành tích cho địa phương.

Nhà báo người Mỹ Christopher McDougall đã viết hai cuốn sách là “Sinh ra để chạy: Một bộ lạc bí ẩn với những vận động viên điền kinh” và “Cuộc đua vĩ đại nhất thế giới chưa từng thấy” về người

Tarahumara, tạo nên cơn sốt toàn cầu. Ông cho rằng, một phần tài năng của người dân bộ tộc này nhờ cách sử dụng bàn chân khéo léo. Khi chạy, họ tiếp đất bằng điểm giữa của bàn chân thay vì gót chân.

Đôi dép cũng được người Tarahumara thiết kế phù hợp với việc di chuyển nhanh chóng qua địa hình trắc trở, được nhiều người dân trên thế giới yêu thích sử dụng.

Trong khi đó, các băng đảng Mexico đã nhận ra cơ hội trục lợi từ khả năng chạy nhanh của người Tarahumara. Dù tài năng, cuộc sống của làng Huisuchi rất khó khăn. Lối sống biệt lập khiến người dân nơi đây luôn rơi vào tình trạng đói kém, lạc hậu, thiếu cái ăn cái mặc.

Lợi dụng tình cảnh khó khăn này, các băng đảng dụ dỗ đàn ông Tarahumara tham gia vận chuyển ma túy, đổi lại sẽ được nhận tiền và thực phẩm. Các băng đảng cũng đưa vào làng quần áo, thiết bị giúp giảm sức lao động, vật tư y tế để “khai sáng” văn minh cho người dân nơi đây.

Đổi lại, những người đàn ông dồi dào sức khỏe sẽ mang theo hàng cấm, đi bộ từ Huisuchi đến bang New Mexico, Arizona hay Texas, Mỹ. Tại Huisuchi, các băng đảng không chỉ tìm thấy những người chạy nhanh, mà còn đủ liều lĩnh để làm công việc nguy hiểm này.

Đường vận chuyển ma túy gần bang Texas, Mỹ.
Đường vận chuyển ma túy gần bang Texas, Mỹ.

Cuộc rượt đuổi trong đêm

Silvino Cubesare Quimare, một nông dân có bốn đứa con, thông thạo các hẻm núi như cư dân thành thị biết các ngõ ngách trong thành phố. Anh đã tham gia các cuộc thi chạy trong làng từ khi còn bé. Mẹ anh từng là nhà vô địch chạy bộ khi còn trẻ.

Tuyệt vọng vì những cánh đồng khô cằn do hạn hán. Silvino liều mình tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy do các băng đảng Mexico điều hành. Từ năm 2005 - 2007, Silvino đã giúp vận chuyển 3 chuyến ma túy.

Ở lần thứ 3, khi đang mang trong người gần 88kg ma túy, Silvino bị Cơ quan điều tra Mỹ bắt giữ tại thành phố Las Cruces, bang New Mexico. Anh bị kết án 8 tháng tù giam.

Sau khi được thả, vì không có tiền, Silvino mất hai tháng hái ớt, làm bánh thuê trên đường để lấy tiền đi xe bus về nhà. Suốt thời gian khó nhọc ấy, Silvino từng thề không bao giờ dính dáng đến ma túy. Nhưng đến năm 2010, gia đình anh lại một lần nữa rơi vào cảnh túng quẫn.

Không còn lựa chọn nào khác, Silvino đành trở lại con đường cũ dẫu vợ anh, Hilda, cầu xin chồng đừng đi. Di chuyển một tuần với 20kg ma túy trên vai, Silvino cùng năm người em họ và một cháu trai sẽ được trả 15.000 peso (825 USD)/người. Số tiền họ phải lao động quần quật cả năm may ra mới có được. Với anh, khoản tiền này đáng giá để mạo hiểm.

Ban ngày, anh và những người anh em nghỉ ngơi dưới những bụi cây creosote, giấu những túi ma túy gần đó. Vào ban đêm, họ lẹ làng di chuyển về xa lộ bang New Mexico, tránh xa rắn đuôi chuông, sói hoang và hơn hết là Đội tuần tra biên giới.

Nửa đêm ngày 2/4/2010, Silvino nhẹ nhàng sải bước trong bóng tối. Sở hữu thân hình cao lớn, làn da nâu sạm, người đàn ông đeo trên vai hai tay nải vải bố. Một túi chứa 20,5kg cần sa, túi khác là đồ ăn, nước uống giúp anh sống sót trong một tuần ở vùng hoang dã.

Theo sau Silvino, mỗi người mang theo hai túi tương tự. Họ lặng lẽ bước qua những con đường mòn hẻo lánh đưa đến biên giới Mỹ - Mexico.

Trẻ em Tarahumara bán hàng rong kiếm thêm thu nhập.
Trẻ em Tarahumara bán hàng rong kiếm thêm thu nhập.

Suốt 5 ngày, Silvino và các anh em đã chạy ròng rã 700 km từ quê nhà đến được biên giới Mỹ. Khi đang di chuyển, họ nhìn thấy ánh đèn pin từ phía xa. Đội tuần tra biên giới đã tìm thấy họ.

Silvino lập tức ném túi hàng xuống đất và bắt đầu chạy. “Không thể ngồi tù một lần nữa”, anh nghĩ. Một đặc vụ lao nhanh về phía Silvino khi những người anh em khác bỏ chạy tán loạn.

Cảm nhận adrenaline đang nóng lên trong người, Silvino tự nhủ phải trốn trong những ngọn núi về hướng Bắc vì giữa những đỉnh núi, anh sẽ khó bị bắt.

Chẳng mấy chốc, tiếng la hét nhỏ dần. Silvino đã trốn thoát nhưng không dám buông lỏng cảnh giác. Anh tiếp tục chạy suốt đêm và cả ngày hôm sau, băng qua những thung lũng sa mạc bỏ hoang, chỉ uống nước tiểu của mình để sống sót.

Hai ngày sau, anh trở về thành phố Ascensión, Mexico, điểm vận chuyển ma túy. Không ai trong nhóm của anh làm được điều này. Silvino đã chạy liên tục hơn 160 km.

May mắn trốn thoát, Silvino quyết tâm cai nghiện và làm lại cuộc đời. Các nhà tổ chức giải chạy khắp thế giới đã tìm kiếm những tài năng người

Tarahumara nên Silvino thường xuyên nhận được lời mời tham gia thi đấu. Anh về nhì trong một cuộc đua chạy việt dã ở Áo, rồi nổi tiếng tại các cuộc đua ở Costa Rica, Tây Ban Nha.

Với số tiền kiếm được từ nghề chạy đua, anh xây một ngôi nhà nhỏ bằng gạch nung cho vợ con và một ngôi nhà khác cho bố mẹ, chị em.

Những tưởng đã có thể sống yên ổn nhưng các giải đua diễn ra không thường xuyên nên thu nhập của Silvino không ổn định. Nhưng nếu một lần nữa vận chuyển ma túy, anh sẽ phải ngồi tù dài hạn.

Thời gian không tham gia thi đấu, Silvino sẽ thu hoạch ngô để mang lại đủ lương thực cho gia đình dù công việc này không thể kiếm nhiều tiền. Hơn ai hết, Silvino ngày đêm mong ngóng các cuộc thi chạy được tổ chức.

Dù đã “rửa tay gác kiếm”, song Silvino vẫn cảm thấy lo lắng cho cuộc sống của người dân trong bộ tộc. Hiện nay, các băng đảng đã lộng hành đến mức độ không thể tưởng tượng được.

Những nhà hoạt động vì quyền của người Tarahumara đã bị đánh đập, đe dọa. Ít nhất 5 nhà hoạt động đã bị ám sát vào năm 2015, 2016 nên không ai dám đứng lên nói thay tiếng nói của những người dân Tarahumara yếu thế.

Dồn vào đường cùng

Silvino rèn luyện thể lực cho các cuộc thi đấu.
Silvino rèn luyện thể lực cho các cuộc thi đấu.

Phía Tây Texas, khu vực xa xôi và hiểm trở, từ lâu đã trở thành hành lang buôn lậu ma túy trọng điểm. Những năm 1990, khi các băng đảng Mexico lên nắm quyền, chúng cho mở rộng địa bàn quanh khu vực này.

Trong 20 năm qua, số nhân viên của Đội tuần tra biên giới đã tăng gấp 5 lần, lên tới gần 20.000 người. Họ đã truy bắt được nhiều người Tarahumara vận chuyển ma túy. Điều khiến họ ngạc nhiên là dân cư bộ tộc này vốn sống khép kín, biệt lập.

Qua tra khảo và điều tra, lực lượng chức năng phát hiện người dân Tarahumara đã dính sâu vào các phi vụ làm ăn phạm pháp giữa Mỹ và Mexico.

Trước đó một vài năm, giữa băng đảng Sinaloa và Juárez đã nổ ra cuộc chiến giành quyền kiểm soát các cánh đồng trồng cần sa và thuốc phiện, trị giá hàng tỷ USD, ở vùng Tam giác vàng bang Chihuahua, Sinaloa và Durango, Mỹ.

Để đáp ứng nhu cầu heroin ngày càng cao của khách hàng tại Mỹ, các băng đảng cũng chiếm dụng đất nông nghiệp để trồng cây thuốc phiện. Một trong những mảnh đất họ hướng đến là đất nông nghiệp của người dân Tarahumara, biệt lập với thế giới bên ngoài.

Nhiều người Tarahumara bị bắt ép phải trồng những loài cây phạm pháp này với số tiền thù lao ít ỏi, đất đai bị đánh cắp. Đến năm 2010, toàn bộ người dân Tarahumara đã rời khỏi những hẻm núi.

Khoảng 10.000 người chạy trốn đến thành phố Chihuahua nhưng dễ dàng bị bắt làm buôn lậu. Ở đó, người ta cũng thường thấy trẻ em Chihuahua ăn xin hoặc bán kẹo, móc khóa trên đường phố.

Cuộc sống của người Tarahumara vẫn đang gắn liền với những mối đe dọa nguy hiểm đến từ các băng đảng buôn ma túy. Dẫu biết làm việc cho những nhóm này là phạm pháp, song vừa vì ép buộc, vừa vì túng quẫn, họ không còn lựa chọn nào khác.

Nhiều người đã bỏ mạng, số khác phải ngồi tù song trong tương lai, vận chuyển ma túy vẫn là “cần câu cơm” cho không ít người dân trong bộ tộc.

Mở rộng ra, căng thẳng giữa các băng đảng buôn ma túy đang leo thang từ hẻm núi này sang hẻm núi khác. Thi trấn Urique cũng là một trong những khu vực cuối cùng nằm gần Tam giác vàng bị nhấn chìm trong bạo lực.

Nạn trộm cắp và trồng cây thuốc phiện gia tăng. Đến năm 2016, những kẻ buôn ma túy lại tiếp tục san phẳng những cánh đồng tại thị trấn Basihuare để trồng anh túc thay thế.

Không chỉ người dân Tarahumara, nhiều người dân nghèo khó, sống tại các khu vực nông thôn tại Mexico bị đẩy vào tình cảnh trớ trêu, buộc phải trồng thuốc phiện hoặc vận chuyển ma túy. Số tiền kiếm được giúp họ chi trả gánh nặng cuộc sống nhưng có thể phải đánh đổi bằng tính mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ