Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, chỉ vì trong quá trình thi công, một số công nhân của Cty Hợp Trịnh Phát gây sạt lở một đoạn tường ao của gia đình đối tượng Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1981) trú tại thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, Sơn đã gọi điện chửi bới và đe dọa “chém chết” ông Ngô Đình Tuấn - Giám đốc Công ty CP Hợp Trịnh Phát .
Sau khi ông Tuấn cho biết đã giao cho ông Nguyễn Bá Thiêm (SN 1968) thành viên của Cty Hợp Trịnh Phát sang nhà Sơn để nói chuyện và bàn cách khắc phục vì nhà ông Thiêm với nhà Sơn cùng xóm, cách nhau chừng 200m.
Sau cuộc gọi với ông Tuấn, Sơn đã cầm dao đến nhà ông Thiêm để truy sát ông này. Do không gặp được ông Thiêm tại đây, Sơn bỏ về, nhưng trước khi rời đi Sơn đã chém một nhát đứt cây cau ở sân nhà ông Thiêm.
Khi biết tin ông Thiêm đang ở bên nhà bố đẻ của mình, Sơn lập tức cầm dao tìm đến truy sát ông Thiêm ngay tại nhà bố của y. Hậu quả khiến ông Thiêm phải cấp cứu với vết rách lớn trên đỉnh đầu và chấn động não, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 7%.
Vết chém chí mạng của Sơn khiến ông Thiêm bị thương nặng ở đỉnh đầu và chấn động não. Ảnh: Gia đình bị hại cung cấp |
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Bá Thiêm cho biết, quá trình ông nằm viện điều trị, ông và gia đình luôn trong tình trạng lo sợ Sơn sẽ đến để tiếp tục thực hiện việc truy sát. Thậm chí, khi ra viện về nhà, gia đình ông luôn trong tình trạng cửa đóng then cài vì sợ Sơn tìm đến nhà.
Thậm chí, trong quá trình dựng lại hiện trường, khi ông Thiêm và Sơn có mặt theo yêu cầu của cơ quan chức năng thì Sơn vẫn tiếp tục đe dọa “chém chết” ông Thiêm ngay trước mặt cơ quan chức năng mà không hề tỏ ra ăn năn, lo sợ.
Không chỉ ông Thiêm và gia đình lo sợ, mà tại phiên tòa ngày 17/9, ông Ngô Đình Tuấn cũng trình bày: Sau khi bị Sơn gọi điện chửi bới và đe dọa, sau đó gây án với ông Thiêm thì cả ông và gia đình cũng luôn trong trạng thái lo lắng, lúc nào cũng trong tình trạng phòng bị.
Hành vi của đối tượng nguy hiểm và côn đồ là vậy, nhưng CQĐT Công an huyện Hiệp Hòa và VKSND huyện Hiệp Hòa sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Sơn lại không hề áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam hay tạm giữ mà lại áp dụng biện pháp cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
“Việc để Sơn được tại ngoại như vậy, khiến gia đình chúng tôi luôn trong tâm trạng bất an. Bởi sau khi gây án, đối tượng vẫn rất hung hăng và tiếp tục đe dọa “xử lý” cả vợ tôi. Vậy mà cơ quan chức năng lại cho tại ngoại. Tôi xin hỏi nếu đối tượng tiếp tục gây án và hậu quả nặng nề hơn thậm chí là chết người thì lúc đấy ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Phải chăng cơ quan chức năng không hề quan tâm đến an toàn của gia đình tôi” – ông Thiêm nói.
Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc các đối tượng manh động, côn đồ dùng dao truy sát nhiều người trong một gia đình. Gần đây nhất là vụ án Nguyễn Văn Đông (SN 1966), trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội dùng dao truy sát cả gia đình em trai ruột. Hậu quả, khiến 4 trong gia đình em trai ruột của Đông tử vong và 1 người bị thương.
Ngày 4/3/2019, dư luận lại một lần nữa rúng động khi Trần Viết Ba (SN 1967), trú tại phường Ngô Quyền, TP Nam Định, tỉnh Nam Định đã vác dao truy sát cả gia đình hàng xóm khiến 2 người tử vong và 2 người bị thương.
Đây chỉ là một trong những vụ án điển hình gần đây nhất, để cho thấy rằng việc cơ quan chức năng để cho một đối tượng côn đồ như Nguyễn Tuấn Sơn được tại ngoại là điều hết sức đáng lo đối với các gia đình bị hại. Bởi không biết liệu rằng Sơn có dừng lại việc truy sát như lời đe dọa hay không. Điều này là không ai có thể đoán định trước được với kẻ có thái độ côn đồ hung hãn như đối tượng trong vụ án này.
Dư luận và gia đình bị hại đang đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu mà cơ quan chức năng lại để một đối tượng côn đồ, hung hãn như Nguyễn Tuấn Sơn được áp dụng biện pháp tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Câu hỏi này xin gửi đến Cơ quan Công an và VKSND huyện Hiệp Hòa?.