Chém người chỉ vì… bờ ao bị sạt lở
Ngày 17/9, TAND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1981), trú tại thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Theo cáo trạng của VKSND huyện Hiệp Hòa, khoảng 18h ngày 29/3/2019, sau khi đi làm về Sơn nghe vợ nói về việc bờ ao của gia đình bị vỡ, sạt lở do vài ngày trước Công ty CP Hợp Trịnh Phát khi sử dụng máy để xúc đất ở gần khu vực ao nhà Sơn, nên sáng ngày 29/3/2019, khi trời mưa đã khiến bờ ao bị sạt lở.
Sau khi nghe vợ nói, Sơn đã gọi điện cho ông Ngô Đình Tuấn – Giám đốc Cty Hợp Trịnh Phát để hỏi về vụ việc nêu trên thì được ông Tuấn trả lời đã giao cho ông Nguyễn Bá Thiêm (SN 1968) hàng xóm cách nhà Sơn khoảng 200m và cũng là thành viên của công ty xử lý đắp lại.
Sơn lập tức cầm dao phay dài 46,5cm của gia đình đến nhà ông Thiêm để tìm, nhưng không gặp nên bỏ về. Trước khi về Sơn, đã dùng dao chặt đứt cây cau ở sân nhà ông Thiêm.
Nhận được tin báo ông Thiêm đang ở nhà bố đẻ Sơn là ông Nguyễn Văn Vĩnh để nói chuyện về việc sạt lở ao, lập tức Sơn đã đến nhà bố đẻ để gặp ông Thiêm.
Tại đây, khi thấy ông Thiêm và ông Vĩnh đang ngồi nói chuyện thì Sơn đi thẳng vào nhà, bất ngờ vung dao chém một nhát khiến ông Thiêm bị thương chảy máu tại vùng đầu. Khi thấy Sơn chém ông Thiêm, ông Vĩnh đã lao vào ôm Sơn can ngăn, còn ông Thiêm bỏ chạy và đươc người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sơn Uyên, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Sau khi sự việc xảy ra, CQĐT Công an huyện Hiệp Hòa đã tiến hành xác minh hiện trường và thu giữ con dao của Sơn dùng gây án. Quá trình điều tra, đối tượng Sơn đã thừa nhận sự việc.
Cơ quan CSĐT đã tiến hành định giá về cây cau do Sơn chém đứt và kết luận: Cây cau bị đối tượng chém đứt có giá 1,5 triệu đồng, sau khi thiệt hại có giá là 500 nghìn đồng, giá trị thiệt hại là 1 triệu đồng. Giá trị cây cau chưa đến mức độ thiệt hại để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Sơn.
Cây cau ở sân nhà ông Thiêm bị đối tượng Sơn chém đứt. Ảnh: Gia đình bị hại cung cấp |
Hậu quả của vết chém do Sơn gây ra đã khiến ông Thiêm bị chấn động não, lõm vùng đỉnh, với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 7%.
Cố ý gây thương tích hay Cố ý giết người?
Tại phiên tòa ngày 17/9, sau khi nghe cáo trạng của VKSND huyện Hiệp Hòa và kết luận của CQĐT Công an huyện Hiệp Hòa về cáo buộc hành vi Cố ý gây thương tích của Sơn thì ông Thiêm đã không đồng ý với cáo buộc của cơ quan tiến hành tố tụng.
Ông Thiêm cho rằng, trước khi tìm đến nhà ông thì đối tượng Sơn đã gọi điện cho ông Ngô Đình Tuấn để hỏi về việc sạt lở bờ ao và đe dọa.
Trình bày tại phiên tòa, ông Tuấn cho biết: Khi Sơn gọi điện cho ông hỏi về việc sạt lở bờ ao thì ông có nói đã giao cho ông và ông Cường (thành viên của Cty Hợp Trịnh Phát – PV) đến nhà nói chuyện với gia đình và bàn cách khắc phục. Tuy nhiên, ngay lập tức Sơn đã có những lời lẽ chửi mắng và đe dọa ông Tuấn rằng: “Làm ăn bố láo tao chém chết mẹ chúng mày. Mày có tin tao cầm dao xuống nhà chém chết cha mày không?”. Đến đây ông Tuấn sợ quá nên đã tắt máy.
Sau đó, ông Tuấn đã gọi điện thông báo về việc Sơn đang cầm dao đến nhà tìm ông Thiêm. Lúc này ông Thiêm có trả lời ông Tuấn: “Vâng em đang ngồi nhà ông Vĩnh để bàn xem cách khắc phục như thế nào”.
Ông Thiêm tiếp tục trình bày: quá trình ông đang ngồi nói chuyện tại nhà ông Vĩnh, Sơn đã cầm dao đến nhà ông nhưng chỉ gặp con gái ông. Tại đây, khi con gái ông Thiêm cho biết ông không có nhà thì Sơn đã nói: “Gọi điện cho bố mày về, hôm nay tao chém chết bố mày”.
Khi thấy Sơn sang nhà ông Thiêm, vợ Sơn đã chạy theo để kéo chồng về. Tuy nhiên, Sơn vẫn quay lại để nói: “Mai mà không làm lại cho tao thì tao giết cả ông Tuấn”. Trước khi ra về, Sơn đã dùng dao chém đứt cây cau tại sân nhà ông Thiêm.
Sau khi ra về, biết tin ông Thiêm đang ngồi nói chuyện ở nhà ông Vĩnh - là bố của Sơn, ngay lập tức Sơn đã chạy vào và không nói gì nhưng ngay lập tức chém một nhát vào thẳng đầu ông Thiêm. Do bị chém bất ngờ nên ông Thiêm đã đưa tay lên đỡ theo phản xạ. Tuy nhiên, ông vẫn bị một vết rách trên đỉnh đầu và bị đau ở tay.
“Sau khi bị Sơn chém, tôi có ôm đầu và hỏi Sơn sao lại chém tôi thì Sơn nói tao chém chết mày và tiếp tục vung dao định chém nhưng ông Vĩnh đã kịp thời đỡ và ôm lại can ngăn. Lúc này, tôi liền chạy ra ngoài ngõ và được bà con cùng người thân đưa đi cấp cứu” – ông Thiêm nói.
Vết thương trên đỉnh đầu ông Thiêm được bác sĩ phẫu thuật và băng bó. Ảnh: Gia đình bị hại cung cấp |
Sau khi sự việc xảy ra, ông Thiêm cho rằng, việc ông không chết là nằm ngoài mong muốn của Sơn bởi trước khi gây án Sơn đã có lời nói đe dọa và thông báo cho ông Tuấn. Ngoài ra, sau khi thông báo cho ông Tuấn, Sơn đã ngay lập tức cầm dao đến nhà tìm ông để thực hiện lời đã nói, nhưng không gặp.
Tuy nhiên, dù không gặp được ông Thiêm ở nhà nhưng khi biết ông Thiêm đang ngồi nói chuyện với ông Vĩnh, Sơn tiếp tục cầm dao đến nhà bố đẻ để thực hiện cho bằng được việc chém chết ông Thiêm như lời đã nói với con gái ông này. Tuy nhiên, ông Thiêm đã kịp thời đỡ nhát dao "chí mạng" và ông Vĩnh đã can ngăn con trai mình lại nên ông Thiêm mới thoát chết. Bởi nếu lúc đó ông Thiêm không phản xạ kịp và ông Vĩnh không can ngăn thì có lẽ hậu quả chết người rất có thể sẽ xảy ra.
Như vậy, việc cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng hành vi của Sơn chỉ là cố ý gây thương tích là không thuyết phục. Bởi trước khi gây án đối tượng đã thông báo đe dọa đến ông Tuấn, sau đó đến nhà tìm ông Thiêm lần thứ nhất nhưng không gặp. Sau khi ra về, biết tin ông Thiêm đang ở đâu thì Sơn lại tiếp tục cầm dao đi tìm để truy sát ông Thiêm. Điều này thể hiện hành vi của Sơn là có chủ đích và có sự chuẩn bị.
Đồng thời, việc Sơn chém thẳng vào đỉnh đầu của ông Thiêm là vô cùng nguy hiểm vì đây là vùng trọng yếu của cơ thể, rất dễ dẫn đến hậu quả chết người. Do vậy, không thể nói hành vi của Sơn là cố ý gây thương tích mà phải là hành vi cố ý giết người, bởi nếu Sơn chỉ muốn gây thương tích cho ông Thiêm thì có thể nhằm vào các vùng khác như tay, chân để chém. Việc ông Thiêm không chết chỉ là may mắn và có sự can ngăn kịp thời của bố Sơn.
Ngoài những ý kiến nêu trên, ông Thiêm cũng đề nghị HĐXX định giá lại đối với cây cau của gia đình ông, bởi sau khi bị Sơn chém cây cau đã chết. Do vậy, CQĐT không thể định giá một phần cây cau như vậy. Ngoài ra, cách thời điểm xảy ra vụ án, cây cau được ông Thiêm mua từ 3 năm trước với giá tiền 2,5 triệu đồng nên không thể nói giá trị chỉ có 1,5 triệu sau 3 năm trồng được. Từ đó, ông Thiêm đề nghị định giá lại cây cau bởi nếu CQĐT định giá như vậy thì đối tượng Sơn sẽ thoát được việc bị truy tố hình sự về hành vi Hủy hoại tài sản.
Sau một ngày xét xử vụ án, TAND huyện Hiệp Hòa đã quyết định tạm ngừng phiên tòa với lý do, cần phải xác minh chứng cứ về việc định giá tài sản (cây cau) mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa được, để đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và các đương sự của vụ án. Phiên tòa sẽ được mở lại vào hồi 7h30’ ngày 19/9/2019.
Điều mà dư luận quan tâm là mặc dù hành vi cầm dao chém người của đối tượng Nguyễn Tuấn Sơn vô cùng hung hãn, nguy hiểm, nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật không áp dụng biện pháp ngăn chặn. Trước hàng loạt vụ chém giết người vừa xảy ra trong thời gian vừa qua, rất mong cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Bắc Giang có biện pháp phòng ngừa cần thiết, tránh để xảy ra những điều đáng tiếc.
Còn nữa.