Bi hài khi bố dạy con hành xử như... phim kiếm hiệp

GD&TĐ - Muốn con trai lớn lên mạnh mẽ, không bị bạn bè bắt nạt nên nhiều ông bố đã dạy con... đánh lại bạn như phim kiếm hiệp và việc này đã tạo ra những câu chuyện dở khóc dở cười.

Bi hài khi bố dạy con hành xử như... phim kiếm hiệp

Bé 7 tuổi xông vào đấm đá mẹ liên tiếp

Chị Tuyết Hoa (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, bé Nam con trai chị (7 tuổi) rất mê phim hành động, kiếm hiệp. Do chồng chị muốn con lớn lên mạnh mẽ để bạn bè không bắt nạp nên mỗi lần xem phim lại cho con xem cùng. Cũng vì vậy mà con cũng chỉ thích đồ chơi kiếm, côn, gậy… không thích bất kỳ đồ chơi khác.

Tiếng chuông báo động về tình trạng  tâm lý của Nam gióng lên, khi xảy ra sự việc bé đánh bạn bị gãy tay, tím mày mặt. Khi mẹ hỏi nguyên nhân thì bé nói: “Nó là ma đạo muốn cướp bí kíp kiếm pháp, nên bị đánh là đúng”. Không chỉ có vậy, khi ở nhà bị mẹ mắng bé lại xông vào đấm đá mẹ liên tiếp...

bạo lực trong phim

Tính cách ngoài bẩm sinh, trẻ còn dễ bị tập nhiễm của môi trường bên ngoài.

Cũng mê phim hành động bé Tiến Minh (6 tuổi, Cầu Diễn) đã bắt chước theo nhân vật trong phim. Tiến Minh đã nhảy từ trên bàn xuống để biểu diễn hành động giống nhân vật siêu nhân. Và kết quả bé phải nhập viện vì bị gãy chân.  

Bác sĩ, La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hay: “Những bộ phim hành động bạo lực, game chém giết… dù được kiểm duyệt rất kỹ vẫn có thể ảnh hưởng tới tâm lý của người xem. Người lớn có thể chọn lọc được những hành động bạo lực thì trẻ nhỏ lại có tính bắt chước học theo”.

“Đứa trẻ thường xuyên tiếp xúc với các bộ phim bạo lực, khiến cho trẻ quen với những hành động đó. Điều này dẫn tới trẻ không còn sợ hãi trước cảnh đó để rồi cho nó là đời thường. Khi mọi hình ảnh lặp đi lặp lại trẻ dễ bắt chước hành động bạo lực giống kiểu tác động bị thôi miên”, bác sĩ La Đức Cương nói .

Một số trường hợp gây án để có tiền chơi game còn hành xử lối giết người y hết trong game online.

Tính cách trẻ dễ bị nhiễm từ môi trường

Trong thực tế có những đứa trẻ có tính cách hung bạo và những đứa trẻ rụt rè. Nhưng chúng đều bị ảnh hưởng của những tình huống bạo lực trong phim.

Theo bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Phó Trưởng khoa Tâm thần Trẻ em, thì trẻ nhỏ thường có tính bắt chước giống hành động nhân vật trong phim. Điều này lý giải vì sao nhiều đứa trẻ luôn nghĩ mình là siêu nhân, người nhện, anh hùng kiếm hiệp. Đã không ít trường hợp trẻ nhỏ  nhảy từ trên cao xuống phải chịu chấn thương nặng…

Không chỉ bắt chước theo các nhân vật trong phim những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực hoặc thường xuyên tiếp xúc với bạo lực. Ví dụ, bố hung hãn hay đánh người… trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng tới tính cách khi lớn lên”, bác sĩ Đào Lê Nghĩa nói.

Bác sĩ Lê Đào Nghĩa lý giải thêm: “Tính cách con người ngoài bẩm sinh thì còn có thể tập nhiễm từ môi trường. Một đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực thì tính cách của chúng cũng hung bạo hơn. Còn một đứa trẻ sống trong môi trường yên bình thì tính cách cũng sẽ ôn hòa”.

Bác sĩ Lê Đào Nghĩa cảnh báo: “Nếu trẻ có các dấu hiệu: Xem phim hành động, bạo lực nếu không được xem sẽ khó chịu; Trẻ luôn nghĩ tới các nhân vật trong phim, hành động bắt chước theo các nhân vật; Rối loạn về tâm lý hung hãn, thích gây gổ, đánh nhau thường xuyên… thì cha mẹ cần đưa con tới bác sĩ chuyên khoa về tâm lý, tâm thần để được điều trị sớm”.

Theo Emdep.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...