Theo lịch, ngày hôm nay 12/4, phiên xử chuyển sang tranh luận.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty CP LICOGI – đối tác của Công ty Housing trong Dự án B5 Cầu Diễn vẫn giữ nguyên kháng cáo. Cụ thể, đại diện công ty này bày tỏ sự không đồng tình với quyết định của tòa cấp sơ thẩm khi buộc doanh nghiệp phải trả lại số tiền hơn 8 tỉ đồng cho các bị hại trong vụ án.
Đại diện LICOGI không đồng tình trước phán quyết của cấp tòa sơ thẩm khi cho rằng doanh nghiệp ký 3 hợp đồng với Công ty Housing thi công hạng mục trong Dự án B5 Cầu Diễn. Tổng số tiền thực hiện thi công là 13 tỉ đồng và Công ty Housing mới thanh toán hơn 8 tỉ đồng, hiện còn trên 4 tỉ đồng nữa.
Thỏa thuận trong hợp đồng là hợp pháp nên phía công ty không đồng ý hoàn trả số tiền 8 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền hơn 13 tỉ đồng, doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án và Công ty LICOGI chỉ đảm bảo khối lượng cũng như chất lượng công trình khi chủ đầu tư thuê.
Theo đại diện LICOGI, đây là việc làm minh bạch, toàn bộ việc thanh toán tiền cũng rất minh bạch, phía LICOGI không chiếm đoạt số tiền đó nên không thể buộc LICOGI phải trả lại số tiền mà Housing đã thanh toán.
Phía công ty LICOGI cũng cho rằng chưa có căn cứ rõ ràng xác định số tiền mà Công ty Housing thanh toán là tiền do các bị hại “rót” vào dự án B5 Cầu Diễn. Do đó nếu doanh nghiệp này phải nộp lại hơn 8 tỉ đồng như bản án sơ thẩm tuyên thì đó thực sự là một sự trừng phạt.
Có mặt tại phiên tòa, ông Lê Sáu (Tổng Giám đốc Công ty Housing) cho biết, việc cho phép Housing Group tiếp tục triển khai Dự án B5 Cầu Diễn cũng như các dự án khác trên địa bàn Hà Nội là vô cùng cần thiết và cấp bách. Điều đó sẽ góp phần đảm bảo trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại cũng như các doanh nghiệp liên quan.
Theo ông Lê Sáu, Công ty Housing hiện vẫn đang kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép Liên danh công ty Housing Group – HAIC tiếp tục được triển khai thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn để đảm bảo ổn định tình hình an ninh khu vực, sớm bàn giao quỹ nhà tái định cư cho Nhà nước nhằm thực hiện việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị và đảm bảo quyền lợi ích của hàng trăm khách hàng.
Cũng theo ông Sáu, hiện Công ty Housing đã tìm được đối tác có đầy đủ năng lực để tiếp tục thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn nếu được cơ quan thẩm quyền chấp thuận. Bởi phần lớn các bị hại trong vụ án vẫn bày tỏ nguyện vọng Dự án B5 Cầu Diễn sớm được triển khai để họ nhận nhà, thay vì nhận tiền.
Ông Sáu cũng khẳng định, hàng trăm khách hàng ký kết hợp đồng góp vốn với Công ty Housing chứ không phải ký với cá nhân bị cáo Châu Thị Thu Nga hay cá nhân nào khác và Công ty Housing có đầy đủ tư cách pháp nhân nên phải có trách nhiệm với khách hàng.
Về các bị hại có đơn kháng cáo trong vụ án này vẫn tiếp tục giữ nguyên nội dung kháng cáo. Hầu hết các bị hại yêu cầu sớm hoàn thiện dự án B5 Cầu Diễn, đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng. Một đại diện bị hại cho rằng: “Số tiền nộp vào dự án dù là khoản tiền nhỏ nhưng cũng chưa chắc chúng tôi sẽ nhận lại được khoản tiền đấy, chúng tôi khao khát có nhà”.
Bên cạnh đó, cũng có mong muốn bị cáo Châu Thị Thu Nga và Công ty Housing nhanh chóng bồi thường thiệt hại. Bởi theo một số bị hại trình bày, hợp đồng mà họ góp vốn vào Housing được thực hiện từ năm 2009. Tính đến nay đã gần 10 năm trôi qua, nhiều người tuổi đã cao nên không còn có khả năng chờ đợi dự án.