Bị đánh hỏng tàu vận tải, Moscow bắn chìm 2 tàu Ukraine

GD&TĐ - Sau khi Kiev tung 2 đòn đánh vào tàu đổ bộ và tàu chở dầu Nga, Moscow đã đáp lại bằng cách đánh chìm 1 tàu đổ bộ và 1 tàu trinh sát Ukraine.

Bị đánh hỏng tàu vận tải, Moscow bắn chìm 2 tàu Ukraine

Reporter dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nửa đầu ngày 22/8, tiêm kích Su-30SM thuộc không quân của Hải quân Nga đã bắn cháy một tàu đổ bộ của lực lượng Hải quân Ukraine ở khu vực biển ở phía tây Biển Đen, gần đảo Zmiinyi (Đảo Zmeiny) ở ngoài khơi Odessa.

Sự việc tương tự cũng xảy ra vào đêm hôm trước nhưng ở phía đông Biển Đen, khi một chiếc khác của Lực lượng Vũ trang Ukraine đang tiến hành trinh sát gần giàn khoan dầu Chernomorneftegaz của Nga, cũng đã bị chiến đấu cơ của hạm đội Biển Đen phá hủy.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, Lực lượng Hàng không Hải quân Nga đã phá hủy 2 tàu thuyền của hải quân Ukraine trên Biển Đen.

Theo các chuyên gia, 2 sự kiện này chỉ ra một số điểm đáng chú ý.

Đầu tiên là việc các tàu của Hải quân Lực lượng Vũ trang Ukraine di chuyển mà không có sự yểm trợ của Không quân Ukraine, tức là Kiev không có đủ máy bay để hộ tống các chiến hạm trên Biển Đen.

Thứ hai, với hai vụ tấn công liên tiếp sau khi Kiev tuyên bố coi các tàu hành trình đến các cảng của Nga là “mục tiêu hợp pháp”, Điện Kremlin đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố đanh thép về quyền kiểm soát vùng trời trên vùng biển được Moscow coi là “sân nhà” của mình.

Thứ ba, việc tăng cường sử dụng số lượng máy bay của Lực lượng Hàng không Hải quân đã giúp Nga thu thập được các thông tin tình báo, nắm chắc được các hoạt động của tàu thuyền Ukraine, từ đó làm giảm các mối đe dọa từ hoạt động của tàu mặt nước không người lái (USV) của Kiev.

Điều này vừa được xác nhận bằng việc các phương tiện trinh sát Nga đã phát hiện một tàu trinh sát Ukraine vào ban đêm, điều một chiếc tiêm kích đa năng Su-30SM cất cánh nhắm vào mục tiêu và phá hủy nó bằng tên lửa không đối hạm dẫn đường Kh-31A.

Thứ tư, việc bảo vệ thành công các công trình nằm ở vùng biển gần bờ biển Ukraine giúp tình hình trên bờ bán đảo Crimea trở nên an toàn và ít nguy hiểm hơn, đồng thời cũng tạo tiền đề quan trọng để khi có thời cơ Nga sẽ giành lại quyền kiểm soát đảo Zmeiny ở ngoài khơi Odessa.

Được biết, hai vụ tấn công liên tiếp của các chiến đấu cơ Nga diễn ra ngay sau khi lực lượng hải quân Ukraine cũng tiến hành liên tiếp hai vụ tấn công bằng tàu mặt nước không người lái (USV) vào một tàu vận tải quân sự của Nga và 1 tàu chở dầu thương mại vào đêm ngày 04/8 và 05/8.

Theo bài viết trên trang Defense Express của Ukraine, cú đánh đầu tiên là vụ tấn công vào tàu chở dầu SIG của Nga đêm ngày 5/8, khi nó “đang ở trong lãnh hải Ukraine ở phía nam eo biển Kerch”. Con tàu này đã bị tấn công bằng phương tiện mặt nước không người lái (USV) của Hải quân Ukraine.

Trước đó, vào đêm ngày 4/8, các tàu kamikaze của Ukraine cũng đã tấn công tàu đổ bộ cỡ lớn Olenegorsky Gornyak của Nga, gây thiệt hại đáng kể. Ngoài vụ tấn công vào chiếc tàu đổ bộ lớn ở gần Novorossiysk, lực lượng Ukraine còn tấn công một cơ sở quân sự của Nga ở Feodosia - Crimea.

Nguyên nhân của sự leo thang căng thẳng trên Biển Đen là do Điện Kremlin đã rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen với cáo buộc phương Tây đã phớt lờ lợi ích của Nga, bất chấp việc Moscow đã thực hiện tất cả các trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận này.

Sau đó, Nga đã tiến hành phóng tên lửa vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu và các cảng quân sự của Ukraine thuộc vùng Odessa, dẫn đến việc Kiev sử dụng tàu không người lái tấn công vào tàu đổ bộ của hạm đội Biển Đen và tàu chở dầu dân sự của Nga ở phía nam eo biển Kerch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ