Bị bạo lực học đường con có nên đánh trả?

GD&TĐ - Cần nhận diện rõ những yếu tố tác động của bạo lực học đường để có những biện pháp hữu hiệu trong phòng chống và hạn chế vấn nạn này.

Cha mẹ cần đồng hành để giúp con tránh bị bạo lực học đường. Ảnh minh hoa
Cha mẹ cần đồng hành để giúp con tránh bị bạo lực học đường. Ảnh minh hoa

Nhiều nguyên nhân...

Theo Tiến sĩ tâm lý Trần Thu Hương (Trường Đại học KHXH&NV) có nhiều lý do để trẻ bị bắt nạt. Đôi khi chỉ là sự bất đồng quan điểm, nhìn “ngứa mắt” hoặc bị công kích,… Thực tế, có nhiều lý do “giời ơi đất hỡi” để lý giải vì sao trẻ bị bắt nạt học đường. Vì thế, cha mẹ cần phân biệt từng loại để có cách giải quyết phù hợp.

Tuy nhiên, TS Trần Thu Hương cho rằng, không chỉ đánh đấm mới là hành vi bắt nạt mà còn cả lời nói. Những kẻ bắt nạt bằng lời nói thường lăng mạ, chửi bới để hạ thấp, làm tổn thương và kiểm soát nạn nhân.

Thông thường, kẻ bắt nạt chọn mục tiêu dựa trên tính cách, hành động. Ví dụ, những đứa trẻ ít nói, khép kín, ít bạn bè dễ trở thành đối tượng của bắt nạt.

Bắt nạt bằng lời nói rất khó phát hiện vì việc này xảy ra khi không có người lớn ở cạnh. Nhiều người cho rằng trẻ em không bị ảnh hưởng bởi những lời lăng mạ của kẻ bắt nạt. Thực tế, các em rất dễ bị tác động và có thể để lại những vết thương lớn bên trong tâm hồn.

Theo TS Trần Thu Hương, đôi khi trẻ chỉ cần bị chê mặc xấu, học lực kém, khác biệt,… đã trở thành ám ảnh tâm lý nặng nề. Vì thế, những lời chê bai, chỉ trích, phân biệt của bạn bè cũng là một dạng bắt nạt.

Bên cạnh đó, bắt nạt còn có trường hợp gây hấn quan hệ. Hành vi này là một kiểu bắt nạt ngầm, cha mẹ và giáo viên thường không chú ý.

Những kẻ bắt nạt có xu hướng thao túng mọi mối quan hệ xung quanh, khiến nạn nhân bị cô lập hoặc đánh mất vị trí trong xã hội. Chúng có thể tung tin đồn, nói xấu nạn nhân để khiến người đó bị tẩy chay, xa lánh. Nhìn chung, hành vi này phổ biến ở học sinh THCS trở lên.

Ngoài ra, trẻ còn có xu hướng bị bắt nạt trên mạng. Khi sử dụng mạng xã hội, điện thoại di động, trẻ đang đối mặt với nguy cơ bị người khác quấy rối, đe dọa. Ví dụ, kẻ bắt nạt qua mạng thường sử dụng những hình ảnh, tin nhắn gây tổn thương nạn nhân trong thời gian dài.

Các chuyên gia lý giải kẻ bắt nạt sử dụng Internet để tấn công người khác vì chúng không dám đối diện và bắt nạt nạn nhân ngoài đời thực.

Chuyên gia của UNICEF Việt Nam nhận định, bắt nạt có thể gây ra những hậu quả có hại và lâu dài cho trẻ em. Bên cạnh những ảnh hưởng về thể chất của việc bắt nạt, trẻ em có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và cảm xúc bao gồm trầm cảm và lo lắng. Điều này có thể dẫn đến lạm dụng chất kích thích và giảm hiệu suất ở trường.

Không giống như bắt nạt trực tiếp, bắt nạt trên mạng có thể tiếp cận nạn nhân ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Nó có thể gây ra tác hại sâu sắc, vì nhanh chóng tiếp cận nhiều đối tượng và để lại dấu vết trực tuyến vĩnh viễn cho tất cả những người có liên quan.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Ánh Tuyết, Tổng đài Tư vấn trực tuyến Tâm lý học đường, trẻ em lứa tuổi từ 11 đến 17 có sự chuyển biến về tâm lý. Đây là giai đoạn các em phát triển và hoàn thiện nhân cách - lứa tuổi bùng phát năng lượng. Các em đề cao cái “tôi”, thích làm “người hùng” và muốn chứng minh cho mọi người xung quanh là mình đã lớn. Nếu các em không được giáo dục cẩn thận ngay từ nhỏ ở gia đình, nhà trường, không được chú trọng rèn kỹ năng sống sẽ dẫn đến khả năng không kiềm chế được cảm xúc bản thân và phản kháng lại bằng cách gây bạo lực.

Gia đình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Nếu cha mẹ và các thành viên trong gia đình tôn trọng nhau, cư xử đúng mực, gương mẫu thì con cái sẽ ứng xử, giải quyết mọi vấn đề đúng đắn theo những chuẩn mực đạo đức mà thành viên gia đình đã hình thành trong quá trình chung sống, bạo lực học đường ít xảy ra đối với những học sinh có sự giáo dục tốt từ gia đình.

nhan-dien-va-cach-xu-tri5.jpg
Ảnh minh họa.

Con có nên đánh trả?

Đứng trước một vụ bạo lực học đường, phụ huynh thường có hai cách ứng xử trái ngược nhau. Đó là dạy trẻ hãy dùng hành động tương tự để chống trả hoặc bảo con phải nhịn, tránh đi. Ở cách dạy thứ nhất, vô hình trung phụ huynh đã lan truyền quan niệm giáo dục cổ vũ bạo lực. Đây là cách dễ khiến con cái trở thành người có hành vi bạo lực.

Nhưng nếu phụ huynh ngại phiền phức hoặc không muốn làm lớn chuyện khi con bị bắt nạt nên bảo con phải nhẫn nhịn thì theo các chuyên gia về hành vi trẻ em, việc trẻ im lặng hoặc rút lui khi bị đánh hoặc giành đồ chơi, sẽ vô tình khuyến khích hành vi bạo lực và giành giật của đối phương, còn con lại chịu ảnh hưởng về thể chất, tinh thần.

Không thể bảo con đánh trả, cũng không thể nhắm mắt làm ngơ bảo con nhẫn nhịn. Vậy khi con cái gặp tình trạng bạo lực học đường, phụ huynh nên làm gì để giúp con giải tỏa được cảm xúc tiêu cực và giải quyết vấn đề đúng đắn?

Theo chuyên gia, phụ huynh nên tiếp cận nhà trường sớm thay vì hành hung học sinh đánh con mình. Phụ huynh cần tìm hiểu và nắm rõ quy trình xử lý các vụ việc bắt nạt học đường từ phía nhà trường để có tâm thế chủ động xử lý nếu xảy ra.

Tại “Lớp học Đậu ngọt” của cô Phan Hồ Điệp (giảng viên Trường ĐH SP Hà Nội), có rất nhiều bài học và lời khuyên đưa ra về ứng xử khi con bị bạo lực học đường. Trong đó, có câu chuyện: “Con trai cô Trần ở Trung Quốc là một cậu bé mũm mĩm, dễ thương nhưng thường bị hai bạn nam trong lớp cười nhạo và bắt nạt. Mặc dù cô Trần đã nhiều lần yêu cầu con trai báo cáo với giáo viên, vấn đề vẫn không được giải quyết triệt để. Một người bạn giàu kinh nghiệm khuyên cô Trần rằng, khi trẻ bị bắt nạt ở trường, cha mẹ không nên chỉ dạy con “nói với giáo viên”. Cha mẹ thông minh thường có những cách đối phó hiệu quả hơn.

Người này đề nghị rằng, nếu con trai cô đã cố gắng lý luận với bạn nhưng không thành công và vẫn bị bắt nạt, cậu bé nên phản công để tự bảo vệ mình. Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ cũng nên đứng ra giải quyết vấn đề, kịp thời ngăn chặn những hành vi không phù hợp của những đứa trẻ thích bắt nạt bằng cách răn đe. Điều này không chỉ giải quyết được vấn đề mà còn giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn”.

Theo cô Phan Hồ Điệp, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện và hướng dẫn con cách bảo vệ bản thân mình tránh bị bạo lực ở trường:

Hướng dẫn trẻ dùng lời nói giải quyết mâu thuẫn: Khi biết con mình bị bắt nạt ở trường, trước tiên cha mẹ nên hướng dẫn con dùng lý lẽ với những bạn bắt nạt mình, thể hiện thái độ phản kháng thay vì cam chịu. Thông qua giao tiếp, trẻ có thể học cách bày tỏ cảm xúc, lập trường của mình và để người khác hiểu rằng, bắt nạt là một hành vi không thể chấp nhận được.

Dùng lời nói bình tĩnh, tự tin và đôi khi thêm một chút yếu tố hài hước sẽ là cách để con vượt qua khỏi tình cảnh bị bắt nạt ở trường. Thay vì cam chịu, con hãy nói ra vấn đề.

Dạy trẻ tự bảo vệ mình: Đối với một số trẻ rất nghịch ngợm, những “đòn phản công” thích hợp có thể có tác dụng răn đe hiệu quả và kịp thời ngăn chặn hành vi sai trái của những trẻ nghịch ngợm. Cha mẹ nên dạy con cách tự về phù hợp và học cách bảo vệ mình tốt hơn.

Phụ huynh can thiệp: Thông thường, trong nhiều trường hợp vấn đề bắt nạt học đường có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả sau khi cha mẹ lên tiếng. Khi trẻ bị bắt nạt, cha mẹ có thể can thiệp để giải quyết vấn đề một cách thích hợp, khiến trẻ cảm thấy an toàn và tự tin hơn trước những đứa trẻ khác. Do đó, cha mẹ cần ứng xử khéo léo để can thiệp như thông báo cho nhà trường, nếu hội cha mẹ đã biết nhau có thể nhắn tin thông báo cho nhau về tình hình của bọn trẻ để cùng nhau tìm ra vấn đề và giải quyết ổn thoả,…

Nói lớn tiếng: Điều này có vẻ hơi lạ lùng, nhưng thực tế, những kẻ bắt nạt sẽ càng “lộng hành” nếu bạn im lặng. Khi bạn bắt đầu lên tiếng và nói chuyện cởi mở về trải nghiệm của mình, bạn có thể thấy rằng mọi người ủng hộ bạn nhiều hơn mình nghĩ.

Hơn thế nữa, điều này còn giúp nâng cao nhận thức và ngăn chặn tình trạng bắt nạt xảy ra với các học sinh khác trong trường của bạn. Do đó, hãy hướng dẫn con nói lớn tiếng khi cần thiết để chống lại hành vi bạo lực học đường.

PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đối với những đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên, kể cả là thủ phạm hay nạn nhân, quan trọng nhất vẫn là phải bảo vệ các em khỏi dư luận. Không nên để cho các em chỉ vì một sự kiện này mà mất cả tương lai.

Các phụ huynh cần bình tĩnh để xem cách thức ứng xử, giải quyết như thế nào cho các bên đều cảm thấy hài lòng. Đừng gấp gáp quá vì dù gì sự việc cũng đã xảy ra rồi.

Nếu phụ huynh có con là nạn nhân thì trước tiên cần chăm sóc sức khỏe về mặt tâm lý, trao đổi với con về cách ứng phó khi bị bắt nạt. Chẳng hạn như việc khi con bị đe dọa bắt nạt thì phải nói ngay với bố mẹ trước. Và khi đứng trước một kẻ bắt nạt con, con nên làm thế nào để người ta đừng gây ra những tổn thương cho mình.

Phụ huynh cũng cần học cách nhận biết những ảnh hưởng sau sự kiện để giúp đỡ trẻ. Nhận diện sớm các phản ứng tiêu cực như sợ hãi không thực tế về tương lai, mất ngủ, mệt mỏi và dễ bị mất tập trung.

“Đối với giáo viên, cần phải hợp tác với các bên để minh bạch hóa về tình tiết vụ việc. Giúp nạn nhân, thủ phạm hòa nhập lại với môi trường học đường. Ngoài ra, phải nhận diện sớm các biểu hiện đau buồn hoặc trầm cảm” - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

“Từ năm 2023, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều khuyến cáo và khuyến khích các gia đình quan tâm hơn đến tâm lý của trẻ. Đặc biệt, trẻ bị bạo lực học đường là một trong những đối tượng dễ gặp các vấn đề tâm lý. Khi phát hiện ra trẻ có biểu hiện khó khăn về tâm lý, cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện để thấu hiểu vấn đề và tình trạng mà trẻ đang gặp phải. Nếu trẻ không cải thiện trong thời gian dài, trẻ cần được sự hỗ trợ từ các bác sĩ/nhà trị liệu tâm lý với các phương pháp can thiệp chuyên môn”, TS Trần Thu Hương đưa ra lời khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ