Nằm sâu trong một hầm mộ Sicilian tăm tối thuộc nước Ý, có một cô gái nhỏ nằm trong cỗ quan tài mở nắp. Tên cô bé là Rosalia Lombardo, qua đời vì biến chứng của bệnh viêm phổi năm 1920. Bố Rasalia đau lòng đến nỗi ông đi khắp nơi tìm kiếm một người ướp xác để bảo vệ thi thể đứa con của mình.
Người ướp xác Alfredo Salafia sau đó đã sử dụng một kỹ thuật đặc biệt, ướp xác Rosalia hoàn hảo tới mức các cơ quan nội tạng của cô bé vẫn còn nguyên vẹn sau đó một thế kỷ.
Nhìn vào thi thể nhỏ bé nằm trong cỗ quan tài thủy tinh, thật khó để không tin cô bé sẽ tỉnh dậy bất cứ lúc nào. Làn da cô bé vẫn mịn màng, trắng sứ, mái tóc vàng được buộc gọn gàng bằng chiếc nơ lụa lớn.
Và ám ảnh nhất chính là có thể nhìn thấy tròng mắt màu xanh pha lê của cô bé bên dưới hàng mi vàng hoe.
Ánh nhìn chằm chằm của Rosalia Lombardo chính là thứ đã tạo nên truyền thuyết Sicilian trong hàng trăm năm qua. Cô bé là một trong 8.000 xác ướp trong những hầm mộ bên dưới tu viện Capuchin ở Palermo, Sicily.
Trong số hàng nghìn du khách đổ xô tới chiêm ngưỡng xác ướp của cô bé tóc vàng, nhiều người nói họ đã thấy mắt cô bé từ từ mở ra. Trong thực tế, nhiều bức ảnh chụp theo thời gian cho thấy Rosalia mở mắt cho dù hé rất nhỏ.
Trong khi những tin đồn về xác ướp có thể chớp mắt khiến mạng internet bùng nổ. Tới tận năm 2009, nhà nhân chủng học người Ý Dario Piombino-Mascali đã bóc trần huyền thoại xoay quanh xác ướp bé gái Rosalia.
"Đây là một ảo ảnh quang học do ánh sáng lọt qua những cửa sổ bên sườn tạo ra. Ánh sáng vào ban ngày có thể thay đổi", ông tuyên bố. Dario đã khám phá ra sự thật khi ông nhận chứng kiến việc các nhân viên bảo tàng di chuyển xác ướp, giúp ông nhìn rõ mí mắt của cô bé hơn bao giờ hết.
"Chúng không nhắm hoàn toàn và thực sự là chưa từng nhắm. Vì vậy, khi ánh sáng thay đổi, đập vào mắt ở những góc khác nhau, nó có thể khiến đôi mắt như đang mở ra", ông Dario nói.Có người từng nhìn thấy đôi mắt Rosalia mở ra nhưng thực chất chỉ là ảo ảnh của ánh sáng.
Hơn nữa, ông Dario cũng đã khám phá ra công thức bí mật được sử dụng để bảo quản thi thể Rosalia một cách hoàn hảo. Khi người ướp xác Alfredo Salafia qua đời vào năm 1933, ông đã mang công thức bí mật này xuống mồ.
Dario đã lần theo dấu vết những người thân còn sống của người ướp xác và phát hiện ra một kho giấy tờ của ông. Trong số những tài liệu ấy, ông tình cờ đọc được cuốn hồi ký viết tay mà Alfredo ghi lại các hóa chất ông tiêm vào cơ thể Rosalia. Chúng bao gồm formalin, muối kẽm, cồn, axit salicylic và glycerin.
Formalin hiện được những người ướp xác sử dụng rộng rãi là hỗn hợp của formaldehyd và nước, giúp loại bỏ vi khuẩn. Alfredo là một trong những người đầu tiên sử dụng hóa chất này để ướp xác. Cồn cùng với không khí khô trong hầm mộ làm khô thi thể của Rosalia. Glycerin giúp thi thể cô bé không bị quá khô và axit salicylic ngăn nấm phát triển.
Nhưng còn muối kẽm thì sao? Theo Melissa Johnson Williams, giám đốc điều hành Hiệp hội ướp xác Mỹ, đây là yếu tố quan trọng trong việc duy trì trạng thái bảo quản phi thường. Kẽm là một hóa chất không còn sử dụng trong ướp xác, đã khiến thi thể cô bé hóa đá.
Thi thể của Rosalia hiện được bảo quản trong lồng kính.
"Kẽm khiến cô bé cứng ngắc. Bạn có thể đưa cô bé ra khỏi quan tài, dựng đứng lên và cô bé sẽ tự đứng", ông Williams nói. Quy trình ướp xác rất đơn giản, chỉ cần một mũi tiêm duy nhất mà không cần rút hết nước trong thi thể.
Ngoài ra, thi thể Rosalia hiện được đặt trong một quan tài kính mới. "Nó được thiết kế để chặn các loại vi khuẩn hoặc nấm. Nhờ một một tấm màng đặc biệt, nó sẽ bảo vệ thi thể khỏi tác động của ánh sáng", ông Dario nói.
Các chuyên gia hy vọng rằng với khám phá trên, du khách sẽ không còn thêu dệt những câu chuyện vô căn cứ về xác ướp của cô bé Rosalia nữa.