Vật thể ngoài Trái đất này có nguồn gốc từ đâu và được hình thành như thế nào hiện vẫn còn là đề tài bàn bạc của các nhà khoa học.
Đến từ một tiểu hành tinh
Thiên thạch Fukang được phát hiện gần thị trấn Fukang ở Tân Cương, khu tự trị ở Tây Bắc Trung Quốc vào năm 2000 bởi một người chuyên đi bộ đường dài không tiết lộ danh tính. Hằng ngày, người này thường dừng lại bên một tảng đá khổng lồ để ăn trưa và nghỉ ngơi.
Lần nọ, ông ta bỗng tò mò về cấu tạo của vật thể này, khi nhận thấy nó dường như có kim loại và pha lê bên trong nên quyết định đập vỡ một số mảnh và gửi đến Mỹ để được xác nhận về chủng loại. Ông vô cùng ngạc nhiên khi biết những mẫu vật này không có xuất xứ từ Trái đất, mà thuộc về một thiên thạch.
Tháng 2/2005, những vật thể trên xuất hiện tại Triển lãm đá quý và khoáng sản Tucson (Mỹ). Tại đây, nó được sự chú ý của giáo sư D.S. Lauretta (chuyên gia Khoa học Hành tinh và Hóa vũ trụ tại Đại học Arizona), ông đồng thời là nhà điều tra chính của sứ mệnh OSIRIS-REx thuộc NASA.
Sau đó, phần còn lại của Thiên thạch Fukang (có khối lượng 983 kg, không bao gồm khối lượng 20 kg được người đi bộ đường dài đập ra) đã được Đại học Arizona (Mỹ), trực tiếp nghiên cứu.
Các nhà khoa học cho biết, tảng đá này thuộc loại thiên thạch sắt - đá, có tên Pallasite. Các thiên thạch Pallasite chứa olivine, được cho là đến từ lớp vỏ của một hành tinh đá xoay quanh giữa sao Hỏa và sao Mộc. Nếu không từ hành tinh, nó có thể thuộc về một tiểu hành tinh có vỏ đá và lõi kim loại.
Pallasite có thể được phân biệt bởi một chất nền sắt thiên thạch, gắn chặt vào đó là các tinh thể silicate, chủ yếu là olivine (một loại tinh thể có màu từ vàng đến vàng xanh). Loại thiên thạch Pallasite được đặt theo tên của Simon Peter Pallas, nhà tự nhiên học người Đức. Ông là người đầu tiên mô tả Pallasite Krasnojarsk, một thiên thạch nặng 700 kg, được phát hiện ở Nga vào năm 1772.
Nguồn gốc của thiên thạch Fukang, cũng như các thiên thạch Pallasite khác, cho tới nay vẫn chưa được giải thích theo căn cứ khoa học. Có giả thuyết cho rằng, nó có nguồn gốc từ một tiểu hành tinh có phần lõi kim loại bị tan chảy và phân hóa cùng lớp phủ olivin xung quanh và được hình thành cùng với hệ Mặt trời cách nay khoảng 4,5 tỷ năm.
Ngoài sự quý hiếm của nó, thiên thạch Fukang, cũng giống như các Pallasite khác, là một vật thể rất đẹp. Khi được chiếu xuyên qua các tinh thể olivin, ánh sáng sẽ làm cho thiên thạch bừng lên rực rỡ và ngoạn mục.
Đắt giá nhất
Do vẻ đẹp này, các nhà sưu tập luôn mong sở hữu các mảnh của Thiên thạch Fukang. Phần lớn nhất của thiên thạch này, nặng gần 420 kg, hiện do một nhà sưu tập hay một nhóm sưu tập giấu tên sở hữu.
Năm 2008, phần thiên thạch Fukang trên đã được mang ra bán đấu giá ở Bonham’s, New York (Mỹ) với giá khởi điểm khoảng 2 triệu USD. Một người phụ trách và tổ chức đấu giá trực tuyến đã sắp thiên thạch Fukang ở vị trí số một trong “Top 10 thiên thạch đắt giá nhất từng được phát hiện trên Trái đất”.
Tuy nhiên, không có người tham gia đấu giá báu vật này có lẽ vì giá quá cao. Trong khi đó, các mảnh nhỏ khác của phần thiên thạch còn lại, đã được mua trong các cuộc đấu giá và được phân phối trên khắp thế giới.
Riêng Phòng thí nghiệm Thiên thạch của Đại học Arizona (Mỹ) lưu giữ tổng cộng 31 kg thiên thạch Fukang. Trang web của họ mộ tả Fukang Pallasite là “ví dụ ngoạn mục nhất về vẻ đẹp lộng lẫy của vũ trụ tự nhiên”.
Tháng 2/2021, hãng đấu giá nổi tiếng Christie’s cho biết họ đã bán “một phần của khối vật chất ngoài Trái đất đẹp nhất từng được biết đến”. Chỉ riêng phần thiên thạch nhỏ bé đó đã mang về cho người bán 30.000 USD, vượt xa ước tính ban đầu 3.500 - 4.500 USD.
Điều gì khiến thiên thạch Fukang trở nên đặc biệt như vậy?
Đầu tiên, đây không phải là một “thiên thạch thông thường”. Pallasite là một loại đá trời cực kỳ hiếm. Điều này là do hầu hết Pallasite không thể tồn tại khi rơi xuống bầu khí quyển của Trái đất.
Người ta ước tính không tới 1% đá từ trên trời rơi xuống là Pallasite. Vì vậy, Thiên thạch Fukang được các nhà khoa học xem là một trong những khám phá đá trời quan trọng nhất của thế kỷ 21.