Tuy nhiên, cũng có loài cây trong quá trình tiến hóa đã trở thành “sát thủ” của những ân nhân này.
Làm suy giảm bầy chim
Cây Pisonia, còn có biệt danh là “cây bắt chim”, cao khoảng 6m, lá có màu xanh nhạt, nhẵn và bóng, được tìm thấy trong các môi trường sống vùng nhiệt đới, chủ yếu là các đảo ở Caribe và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Quả của cây dài từ 7 - 14 mm, chứa rất nhiều hạt, được bao phủ bởi một lớp dày chất nhầy và những gai nhỏ, khiến mọi thứ chạm vào đều bị dính chặt vào.
Cây Pisonia ra hoa hai lần một năm, thời gian này trùng hợp một cách tự nhiên với số lượng lớn chim biển đến quần đảo này làm tổ trên cây. Khi chim cọ mình vào những cành cây, hạt có nhiều chất nhầy trên đó sẽ dính chặt vào lông chim. Sau một thời gian, hạt sẽ rơi ra, lý tưởng nhất là khi những con chim bay đến một hòn đảo khác, những hạt giống này sẽ được gieo và nảy mầm nơi vùng đất mới.
Tuy nhiên, có điều gì đó sai sót trong lịch sử tiến hóa của Pisonia, khiến bi kịch xảy ra với loài chim. Thay vì sử dụng những con chim làm vật trung gian truyền giống, cây Pisonia lại làm suy giảm một lượng lớn chúng.
Khi những con chim non nở ra, kết quả thường rất bi thảm, do chúng quanh quẩn ở các cành cây nên bị những chùm quả nhầy dính chặt vào, tạo sức nặng khiến chúng bị rơi xuống đất và cuối cùng chết vì đói, hoặc trở thành thức ăn cho loài thú ăn xác thối. Cũng có khi, những con chim lớn bị dính bẫy, không thể bay được và chết trên cây, xác khô của chúng treo lủng lẳng “giống như đồ trang trí cây thông Noel rùng rợn”.
Hành vi tự nhiên này của cây Pisonia có tác động to lớn đến việc suy giảm bầy chim. Một nghiên cứu được thực hiện trên quần thể chim biển ở đảo Cousin, Seychelles, cho thấy cây Pisonia đã giết chết một phần tư chim nhạn trắng và gần một phần mười chim biển nhiệt đới, bằng những hạt nhầy của chúng.
Sai sót trong tiến hóa
Các nhà khoa học đặt câu hỏi, hỏi liệu có lợi ích nào về mặt tiến hóa mà cây Pisonia thu được từ việc sát hại các loài chim hay không? Một giả thuyết cho rằng, cây được tăng chất dinh dưỡng nhờ sự phân hủy xác chim rơi dưới gốc.
Nhưng khi Alan Burger, một nhà sinh thái học thuộc Đại học Victoria (Australia), qua phân tích những cây con mọc lên gần xác chim trên đảo Cousin, đã không phát hiện bằng chứng nào cho thấy hạt ở đây nảy mầm tốt hơn. Chỉ có cây nhận được nhiều phân bón hơn từ chất thải và trứng của chim rơi xuống, cho thấy khi còn sống, loài chim có giá trị đối với cây nhiều hơn là lúc chết đi.
Sau đó, Burger thử ngâm hạt Pisonia trong nước biển để kiểm tra một giả thuyết cho rằng xác của những con chim chết có thể dạt vào bờ biển trên một hòn đảo khác, giúp hạt giống của cây phát tán. Kết quả cho thấy, hạt bị chết chỉ sau 5 ngày, loại trừ khả năng cây Pisonia có thể sử dụng những con chim chết làm vật chủ giúp phân tán hạt giống đến một hòn đảo xa xôi.
Nhưng một thử nghiệm khác tỏ ra thành công hơn. Do nhiều loài chim biển giúp phân tán hạt dành phần lớn thời gian di chuyển trên không, chỉ thỉnh thoảng lặn xuống biển để bắt cá, Burger đã thử nghiệm bằng cách nhúng ngắt quãng hạt Pisonia vào nước biển trong khoảng thời gian 4 tuần. Lần này, hạt vẫn sống sót.
Ông kết luận trong một bài báo đăng trên tờ Journal of Tropical Ecology năm 2005: “Kết quả từ các thí nghiệm của tôi cho thấy, cây Pisonia không thu được lợi ích cụ thể nào từ những con chim tử vong do mắc vào bẫy hạt của chúng.
Vậy tại sao những hạt giống này lại dính đến mức có thể gây ra cái chết cho hàng trăm nghìn con chim mỗi năm? Tôi nhận thấy, khi bị ngâm trong nước, độ dính của hạt giảm dần.
Để có thể ở trên một con chim biển đủ lâu để đến một hòn đảo khác, ban đầu các quả chứa hạt giống phải có độ dính thật cao để không bị rơi trên đường bay của chim và có cơ hội tạo ra cây Pisonia trên một hòn đảo mới. Sự vướng vào hạt nhầy và cái chết của một số loài chim có thể được coi là một sai sót đáng tiếc của quá trình chọn lọc tự nhiên đối với loài cây có quả cực kỳ dính như vậy”.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là nhiều loài chim biển dường như thích cây Pisonia, “sát thủ” của chúng. Beth Flint, nhà sinh vật người Mỹ chuyên nghiên cứu về cá và động vật hoang dã, cho biết: “Thật hiếm khi thấy một cây Pisonia không có chim biển trên đó”.
Cô và các đồng nghiệp đã làm việc để phát triển rừng Pisonia, bởi vì chúng còn là môi trường làm tổ chính của chim điên chân đỏ (red-footed booby), chim cốc biển (frigatebird) và nhạn biển anu đen (black noddy).
Mặc dù vậy, các nhà bảo tồn trên đảo Cousin lại có ý tưởng khác. Họ đang tiến hành thay thế cây Pisonia bằng các loài cây bản địa khác để giúp quần thể chim biển phục hồi. Họ cũng chủ động tìm kiếm những con chim bị bẫy trên cây, cẩn thận gỡ chúng ra, rửa sạch các chất dính, tránh cho chúng một cái kết bi thảm.