Họ mắc phải “hội chứng Paris”, một tình trạng tâm lý với các triệu chứng buồn nôn, ảo giác và nhịp tim tăng lên. Vì sao vậy?
Sốc văn hóa
Mặc dù không được liệt kê trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần (DSM), hội chứng Paris được nhiều chuyên gia ghi nhận là một hiện tượng có thực, mặc dù khá hiếm. Bác sĩ tâm thần người Pháp gốc Nhật, Hiroaki Ota, lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “hội chứng Paris” để mô tả chứng rối loạn này vào năm 1986 trong cuốn sách cùng tên của ông, xem đó như một trong những tổn thương tâm lý phổ biến mà du khách Nhật khi tới Pháp thường gặp phải.
Vì sao người Nhật lại dễ mắc bệnh này?
Bà Rodanthi Tzanelli, giáo sư xã hội học văn hóa, thuộc Đại học Leeds ở Anh, nói với Live Science: “Nhật Bản có hệ thống tín ngưỡng và quỹ đạo phát triển hoàn toàn khác với nhiều nơi ở châu Âu. Những khác biệt văn hóa, cùng với kỳ vọng về một Paris lãng mạn không được như mong muốn, có thể là nguyên nhân khiến du khách Nhật có nguy cơ mắc hội chứng Paris. Hội chứng này được xem như một dạng sốc văn hóa”.
Theo Rachel Irwin, nhà nghiên cứu khoa học văn hóa tại Đại học Lund ở Thụy Điển, “Sốc văn hóa gây ra khi con người từ một thực tại mang tính biểu tượng này chìm ngập trong một thực tại khác”. Nói cách khác, nhiều người dễ trở nên hoang mang khi bị vây quanh bởi các biểu tượng (logo, tên, dấu hiệu, nhãn hiệu) khác với những biểu tượng mà họ thường gặp.
Các triệu chứng chính của hội chứng Paris bao gồm lo lắng, rối loạn cảm xúc và rối loạn nhận thức cảm giác. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy bị đe dọa mọi lúc, hoặc nếu có trải nghiệm tồi tệ với một người nào đó từ Paris, họ có thể sợ mọi người ở đây. Các triệu chứng khác bao gồm khó chịu, choáng váng và đổ mồ hôi nhiều. Hội chứng cũng có các biểu hiện khác như chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc không đều và nôn mửa.
Theo Calm Clinic, trang web về sức khỏe tâm thần, khi ai đó cảm thấy lo lắng, các tín hiệu sẽ được gửi đến dạ dày làm thay đổi cách nó và ruột xử lý, tiêu hóa thức ăn, gây buồn nôn. Trong những trường hợp lo lắng đặc biệt nghiêm trọng - như sốc văn hóa - cảm giác này có thể dẫn đến nôn mửa, mất phương hướng và một loạt các phản ứng thể chất khác.
Yousef Mahmoudia, một nhà tâm lý học tại bệnh viện Hotel-Dieu, bên cạnh nhà thờ Đức Bà ở Paris nói với tờ Journal du Dimanche: “Một phần ba bệnh nhân khỏe lại ngay, một phần ba tái phát và số còn lại bị rối loạn tâm thần. Theo các nhà tâm lý học, cách chữa trị tốt nhất cho hội chứng này là đưa bệnh nhân trở về quê nhà, với sự đồng hành của bạn bè, người thân.
Paris, điểm đến hấp dẫn của du khách thế giới. |
Thực tế không như kỳ vọng
Theo Mathieu Deflem - Giáo sư xã hội học tại Đại học Nam Carolina (Mỹ), người Nhật có cái nhìn hơi lãng mạn về châu Âu, nhất là hình ảnh thành phố Paris được thể hiện trong các bộ phim và tác phẩm văn học, thường tập trung vào nghệ thuật, văn hóa cà phê, nhà hàng cổ kính, cuộc trò chuyện thân mật, thông minh. Tuy nhiên, “những kỳ vọng này không thành, đặc biệt là ở Paris, nơi không được tiếng hiếu khách”.
Thật vậy, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy Paris là thành phố đứng hàng thứ tư trên thế giới về không thân thiện. Năm 2020, tạp chí CEOWORLD đã trao cho Paris danh hiệu thành phố thô lỗ nhất châu Âu. Trong khi đó, một cuộc khảo sát năm 2021 của InterNations, tổ chức chuyên hỗ trợ người dân tái định cư, cho thấy Paris là thành phố đứng hàng thứ ba ở châu Âu về thiếu thân thiện với người nước ngoài.
Trong văn hóa đại chúng, theo Deflem, “Paris không phản ánh đúng những gì mọi người kỳ vọng. Phần lớn Paris không còn là nước Pháp của ngày xưa. Người Paris đôi khi tỏ vẻ coi thường người khác, ngay cả những người Pháp không phải gốc Thủ đô”.
Những khác biệt liên quan đến các chuẩn mực văn hóa, hoặc kỳ vọng không thành có thể gây ra sự bối rối cho khách du lịch. Đối với nhiều người Nhật, Paris là một thành phố trong mơ. Tất cả những người Pháp đều xinh đẹp và thanh lịch. Nhưng sau đó, khi đến nơi, họ nhận thấy tính cách của người Pháp hoàn toàn trái ngược với họ, dẫn đến cú sốc văn hóa.
Hiện tượng phức tạp
Giáo sư Tzanelli cho rằng, hội chứng Paris là “một hiện tượng tâm linh rất phức tạp liên quan đến sự thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, khi thực tế không phù hợp với mong đợi của du khách về một Paris lãng mạn”.
Thế hệ trẻ có xu hướng “đi vòng quanh trái đất nhiều hơn” và do đó họ có khả năng chuẩn bị tốt hơn cho những gì sẽ trải nghiệm tại một điểm đến. Tuy nhiên, không ai có thể miễn nhiễm với sốc văn hóa, bất kể tuổi tác hay số lần họ đã đi.
Chúng ta là những sinh vật có thói quen. Chúng ta bị cuốn vào một lối sống cụ thể, áp dụng các hành vi, thói quen từ môi trường xung quanh, trở thành một phần của văn hóa và nhóm xã hội. Khi chúng ta đột nhiên bị tách khỏi hệ thống niềm tin và thói quen này, ra khỏi cách chúng ta cấu trúc cuộc sống của mình, chúng ta không còn cách nào để định hình và xác định chúng ta là ai.
Tzanelli cũng lưu ý, mặc dù đã quen với sốc văn hóa và đã nghiên cứu chi tiết về nó, nhưng không có nghĩa là bà miễn nhiễm với các tác động của nó.
Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ nhỏ du khách gặp phải hội chứng Paris nên nó không ảnh hưởng lớn đến hàng triệu người yêu thích du lịch trên thế giới. Còn rất nhiều người muốn đến Thủ đô Paris hoa lệ để có những trải nghiệm du lịch thú vị.