Bí ẩn cây đại thụ dã hương

Bí ẩn cây đại thụ dã hương

(GD&TĐ) - Với tuổi thọ hơn 600 tuổi, cây dã hương ở thôn Dương Phạm, (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định) được nhiều người biết đến với vóc dáng to lớn, uy nghi giữa vùng đồng bằng. Là một trong hai cây dã hương nằm trong sách đỏ của thế giới còn tồn tại đến nay (cùng với cây dã hương ở huyện Tân Yên, Bắc Giang), cây dã hương ở thôn Dương Phạm thu hút sự chú ý không chỉ của giới khoa học mà xung quanh cây đại thụ này còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ, khó lý giải.

Theo các nhà khoa học, cây dã hương trên có xuất xứ từ châu Phi thích ứng với nắng nóng và sa mạc. Trải qua hơn 600 năm, cây vẫn không hề bị xâm hại, vẫn phát triển xanh tốt và được người dân nơi đây tôn thờ là “cây thần” rất linh thiêng.

Cây dã hương ở làng Dương Phạm (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định) năm nay đã ở tuổi 602
Cây dã hương ở làng Dương Phạm (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định) năm nay đã ở tuổi 602

Bà Đinh Thị Kim Lân, thủ nhang tại miếu Thánh Bà có cây dã hương cho biết: “Theo Ngọc phả làng Dương Phạm để lại có ghi: “Năm 1431, ở làng Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có vợ chồng người nông dân quanh năm kiếm sống bằng nghề mò cua, bắt ốc. Chồng tên là Ngô Công Tước, vợ là Nguyễn Thị Thái. Vào một ngày đẹp trời, người vợ thấy trong cơ thể thay đổi khác thường. Đêm ấy, người vợ ngủ mơ thấy có ánh hào quang sáng rực ở đầu giường. Sau 18 tháng mang thai, năm 1449, người vợ hạ sinh một bé gái khỏe mạnh, dung nhan diện mạo khác thường. Vợ chồng người nông dân đặt tên con là Ngô Thị Nữ Hoằng”.

Từ nhỏ đến lớn, Nữ Hoằng chịu khó mò cua, bắt ốc để phụ giúp gia đình. Không chỉ giỏi lao động, Nữ Hoằng còn giỏi chữ nghĩa, thêu thùa và ca hát. Càng lớn, Hoằng càng xinh đẹp và giỏi giang khiến người dân trong vùng rất tự hào về cô. Mùa xuân năm 1468, Nữ Hoằng tròn 19 tuổi. Hôm ấy thời tiết rất đẹp, thuyền rồng của vua Lê Thánh Tông kinh lý đi qua để thị sát đê Đại Hà. Trong lúc Nữ Hoằng và một số cô gái cùng quê vừa ngân nga hát, vừa cắt cỏ bên sông Đại Hà thì thấy chiếc thuyền rồng đi qua. Khi thuyền rồng đến gần khu vực mấy cô gái đang cắt cỏ, một anh lính trên thuyền cất lời trêu rằng: Hỡi cô cắt cỏ bên sông/ Có ngự thuyền rồng anh đón đi chơi. Trong lúc các bạn chưa biết trả lời ra sao, Nữ Hoằng dừng tay cắt cỏ, đưa liềm lên vẫy chào mấy anh lính và cất lời đối đáp: Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Lòng em cũng muốn mở mang cơ đồ.

Lúc đó, vua Lê Thánh Tông đang ngự trên thuyền rồng nghe tiếng cô gái thôn quê đối đáp với mấy anh lính hầu lưu loát lạ thường liền vén rèm lên xem. Nhìn thấy mặt cô gái họ Ngô, vua Lê sững sờ và thốt lên: Sao nàng đẹp đến vậy! Điều khiến vua Lê ngạc nhiên hơn nữa khi ông thấy trên đầu cô gái họ Ngô luôn có một đám mây. Cô đi đến đâu, đám mây theo đến đó để che nắng. Biết đây là người tài, mấy hôm sau, vua Lê cử người về tận nhà đón cô vào cung và sủng ái phong làm Nhị cung phi tần. Sau đó, nhờ đức tính chăm chỉ, thông minh, ngoan ngoãn nên được vua Lê Thánh Tông phong cho Nữ Hoằng làm Đức Chúa Hoàng Cô, Đô Tư Phán Xứ Hậu, chuyên dạy dỗ các công chúa.

Bà Đinh Thị Kim Lân, thủ nhang đền thờ Hoằng Cô bên ngôi mộ “Đức chúa Hoằng Cô tư phán xứ hầu”
Bà Đinh Thị Kim Lân, thủ nhang đền thờ Hoằng Cô bên ngôi mộ “Đức chúa Hoằng Cô tư phán xứ hầu”

Thế nhưng, không lâu sau khi vào cung, Hoằng đã đổ bệnh và ba năm sau thì qua đời vào ngày 09/6/1471. Theo di nguyện bà để lại, nhà vua mang 9 quan tài bằng đồng giống nhau, trong đó có một quan tài chứa thi thể của bà về quê hương an táng. Tuy nhiên, khi lính nhà vua vừa đặt chân đến làng Dương Phạm bỗng trời nổi cơn giông bão, mây đen vần vũ, mưa như trút nước, quân lính phải dựng lều trại đợi cơn phong ba đi qua. Sớm hôm sau, nhà vua đi ra nơi đặt linh cữu bà Nữ Hoằng thì đã thấy đất đùn to như một đống mối, chen kín gần hết quan tài.

Biết đây là đất địa linh, nhìn lại thế đất nơi này thì đúng hình đầu Rồng. Nhà vua quyết định cho quân lính đào mộ và an táng bà tại đây. Sau đó dựng một ngôi đền thờ bên cạnh, gọi là đền Hoàng Cô. Đằng sau ngôi đền, nhà vua cho trồng một cây mộc hương xoan dã, cây lá xanh mướt, quanh năm tỏa mùi hương, người dân trong làng thường gọi là cây xoan dã. 

Kể từ đó đến nay, trải qua 602 năm, cây mộc hương giờ đã trở thành dã hương đại thụ, to lớn, thân mình mấy người ôm không xuể. Hiện tại, cây dã hương có đường kính gốc 11 mét, cao khoảng 16 mét, tán lá rộng xum xuê vươn rộng cả một vùng từ 25-30 mét, cành cây to xù xì, nhiều cây sống cộng sinh bám xung quanh. Đặc biệt có bộ rễ nổi kỳ dị độc đáo, trong đó có 2 rễ lùa ôm vào hậu chẩm ngôi miếu trông như hai cánh tay. Độc đáo hơn nữa là trên một cành của cây có cây sanh sống cộng sinh quấn lấy cũng có tuổi thọ trên dưới 200 năm tuổi với 8 rễ phải cả một người ôm.

Qua bao biến đổi thăng trầm, cây dã hương vẫn tồn tại như một huyền thoại sống về người con gái đẹp làng Dương Phạm và cùng với đó là những giai thoại kỳ bí cho đến nay vẫn không thể giải thích nổi.

Hơn nửa thiên niên kỷ trôi qua, cây dã hương bên đền “Đức chúa Hoằng Cô tư phán xứ hầu” (Do vua Lê Thánh Tông sắc phong) gắn liền với những chuyện kỳ lạ. Nhiều người đã cho rằng cây dã hương quý hiếm không bị xâm phạm giữa vùng đồng bằng “đất chật, người đông” là do Nữ Hoằng đã thành nữ “thánh” hiển linh giữ gìn cây. 

Có lẽ đầu tiên phải kể đến là chuyện đôi rắn khổng lồ chỉ quanh quẩn xung quanh đền và cây đại thụ. Ông Nguyễn Công Thâu, nguyên thủ nhang của đền quả quyết chính mắt ông đã nhiều lần trông thấy “hai ông rắn” khổng lồ có màu trắng thường xuyên xuất hiện trong đền và ngoài gốc cây dã hương, trên đầu có mào đỏ trên đầu, dài khoảng 2,5 đến 3 mét. Nhưng có một điều đặc biệt là đôi bạch xà rất hiền lành, ngay cả khi ông tới gần cũng không bị tấn công. 

Đưa câu chuyện về việc có hay không đôi bạch xà khổng lồ này, bà Đinh Thị Kim Lân tiếp lời: “Tôi chưa có duyên được gặp hai cụ rắn như một số người đã trông thấy, thế nhưng tôi khẳng định có đôi rắn khổng lồ tồn tại dưới hang của cây dã hương. Khi tiếp nhận nhiệm vụ thủ nhang tại đền, trong một dịp được đón đoàn Cựu chiến binh của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) về tham quan cây, họ đã nhìn thấy xác rắn vắt qua các rễ cây và mọi người đều sửng sốt cho biết “chưa bao giờ nhìn thấy con rắn nào có xác to và dài như vậy!”. Chính bản thân tôi cũng đã ra xem và quả thực trong đời tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy xác rắn nào to như thế. Tiếc rằng trong quá trình trị bệnh cho cây, các nhà khoa học đã bơm thuốc vào hang sâu dưới gốc cây nên không còn xác rắn để cho mọi người xem”.

Nhiều người ở Dương Phạm cho rằng, đó là đôi rắn thần đền thờ Hoằng Cô và chúng có nguồn gốc cùng với cây dã hương. Có lẽ vì thế mà trong điện thờ Hoàng Cô hiện nay cũng có tượng vải đôi bạch xà ở hai bên ban thờ của bà chúa Ngô Thị Nữ Hoằng. Chính vì thấy được sự linh thiêng của cây dã hương, nhiều người dân sinh sống quanh vùng thường hay đến khấn vái coi đây như một niềm tin tinh thần quý báu.

Rất nhiều chuyện kỳ bí xảy ra xung quanh đền và cây dã hương và được người dân nơi đây thuật lại một cách rành mạch. Chính những điều này đã khiến cây dã hương và đền thờ Hoàng Cô trở nên uy linh lạ thường, không ai dám xâm phạm hay có ý phá phách, tạo nên sự uy nghiêm của cây cổ thụ đại lão mộc tại đây và không thể lý giải được.

Điều đặc biệt hơn nữa, các bộ phận của cây dã hương có thể chữa trị được những chứng bệnh thông thường. Một số người bị ốm đến xin lá cây dã hương về cho vào nước đun uống đã hết mỏi mệt và khỏe mạnh lạ thường. Có người bị mắc bệnh ngoài da dùng lá dã hương pha với nước để tắm cũng lành bệnh. Hay người bị sốt, bị cảm thường hay đến đền xin lá rồi về cho vào nước nóng xông hơi đã được chữa khỏi. Nhiều người bị sâu răng cũng đến xin quả dã dương về di vào chỗ răng sâu cũng được chữa khỏi...

Năm 2012, người dân làng Dương Phạm vui mừng vì cây dã hương và miếu “Đức chúa Hoằng Cô tư phán xứ hầu” được công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.  Hàng năm, người dân địa phương lấy ngày 9/6 âm lịch làm ngày giỗ Nhị cung phi tần và tổ chức lễ tế từ ngày mồng 7 đến ngày 10/6.

Thư Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ