Năm 1977, Daniel Everett, một nhà ngôn ngữ học người Mỹ đã đến Amazon để sống và nghiên cứu về bộ tộc Pirahã. Ban đầu, khi mới đến, những thành viên của bộ lạc đã muốn giết ông. Họ cùng nhau bàn mưu nhưng họ không biết rằng ông Daniel là một nhà ngôn ngữ rất giỏi. Ông đã nghe lén và có thể hiểu được những từ ngữ quyết định trong giọng nói đều đều của họ.
Những gì sau đó ông làm là nhốt vợ và 3 con của mình trong một túp lều đi săn an toàn rồi đến gặp những người đàn ông của bộ lạc. Ông lấy cung tên của họ, khiến họ nguôi giận và chiếm được lòng tin, sự tôn trọng của bộ lạc. Cuối cùng, họ đã để ông được sống.
Khi lần đầu tiên đến sống giữa những người Pirahã, Daniel nuôi ý định thay đổi họ. Nhưng ngược lại, họ lại thay đổi ông. Nhiệm vụ của ông là làm phiên dịch Kinh thánh cho tổ chức truyền giáo Wycliffe. Vài năm sau khi đến đây, ông hiểu văn hóa của họ và từ bỏ sứ mệnh của mình để được sống như một người hạnh phúc. Ngày nay, người Pirahã được biết đến là một trong những bộ lạc hạnh phúc nhất thế giới.
Người Pirahã là một bộ lạc săn bắn và hái lượm nhỏ. Họ sống dọc bờ sông Amazon và có số dân khoảng 300-400 người. Họ được biết đến là người của sông Maici. Tùy vào thời tiết mùa mưa hay mùa khô, các cộng đồng có thể thay đổi.
Ví dụ, trong mùa mưa, chỉ có 20 người sống trong cộng đồng của ông Daniel. Nhưng khi mùa khô đến, có tới 80 người. Các thành viên của bộ lạc đi xuồng tới lui trên sông Maici. Họ sống cách nhau 10 ngày đi xuồng. Bộ lạc của họ nằm cách thành phố Porto Velho, Brazil khoảng 4 ngày đi thuyền. Những người Pirahã bị cô lập, sống ngay rìa sông.
Sự đơn giản chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao người Pirahã lại được gọi là bộ lạc hạnh phúc nhất thế giới. Họ không căng thẳng về bất cứ thứ gì không quan trọng. Người Pirahã không thể đếm số, họ chỉ biết đến 2 số đó là "ít" và "nhiều". Họ cũng chỉ biết 2 màu là "sáng" và "tối". Người Pirahã cũng không biết đến lịch, ngày tháng. Họ chỉ ăn 1 hoặc 2 bữa mỗi ngày. Và đặc biệt, người Pirahã ngủ rất ít, chỉ khoảng 20 phút mỗi ngày bởi họ tin rằng ngủ nhiều sẽ tước đi quyền lực của mình.
Chỉ có 3 cấp độ trong một mối quan hệ là con cái, bố mẹ và anh chị em. Họ không có thứ bậc, không trộm cắp, không tội phạm. Người Pirahã cũng không có tài sản hay định kiến. Họ hát trong đêm và tin rằng những giấc mơ và thực tế đều quan trọng như nhau. Cứ sau 7 năm, họ lại đổi tên một lần.
Như đã đề cập, một trong những lý do khiến người Pirahã hạnh phúc là sự đơn giản trong cuộc sống. Và điều đó được thể hiện rõ nhất trong ngôn ngữ. Họ chỉ sử dụng 3 đại từ và hầu như không sử dụng bất cứ từ nào liên quan đến thời gian, không có chia động từ trong quá khứ như tiếng Anh.
Một điều độc đáo nữa là ngôn ngữ của người Pirahã không có mệnh đề phụ. Ví dụ, chúng ta thường nói: "Khi tôi ăn cơm xong, tôi sẽ nói chuyện với bạn" nhưng người Pirahã sẽ nói đơn giản là: "Tôi ăn xong. Tôi nói chuyện với bạn".
Nói về các con số, người Pirahã không có nhu cầu. Họ không bao giờ nói những từ như "tất cả", "mọi" hay thậm chí là "nhiều hơn". Bộ lạc này không hề có khái niệm về những con số. Họ chỉ có 2 từ là "ít" và "nhiều". Trước đây, ông Daniel từng cố dạy người Pirahã đếm. Ông đã sử dụng các con số của người dân Brazil nhưng sau một năm, không một người nào trong bộ lạc có thể đếm tới 10.
Công thức văn hóa đơn giản của người Pirahã chính là "sống cho hiện tại". Điều quan trọng duy nhất là những gì đang được trải nghiệm trong giây phút hiện tại. Với suy nghĩ đó, họ không sáng tạo ra một huyền thoại để lý giải sự tồn tại. Theo những gì họ tin tưởng thì "mọi thứ đều giống nhau, mọi thứ luôn như thế". Nếu điều gì đó không quan trọng trong thời điểm này thì nó sẽ dễ dàng và nhanh chóng bị lãng quên. Đó là lý do tại sao rất ít thành viên trong bộ lạc có thể nhớ được tên ông bà mình.
Theo một cách nào đó, văn hóa của người Pirahã là sự cô đọng hoàn hảo của câu nói "Hakuna Matata" - Đừng lo lắng cho những ngày còn lại của bạn, hãy sống cho hiện tại.